Nối nhịp lăm vông trên cao nguyên Lang Biang

“Chúng em rất vui khi có thêm gia đình thứ hai ở Đà Lạt. Xa quê hương sang đây học tập, được ba mẹ và anh chị ở đây yêu thương, chăm sóc, chúng em rất hạnh phúc”, bạn Sisahad Mayoulath (tên tiếng Việt là Mây), sinh viên khoa Luật, Trường đại học Đà Lạt, chia sẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn Trường đại học Đà Lạt tổ chức cho sinh viên Lào đón Tết Bunpimay.
Đoàn Trường đại học Đà Lạt tổ chức cho sinh viên Lào đón Tết Bunpimay.

Được làm con gia đình người Đà Lạt

Tôi gặp Mây trong dịp Tết Bunpimay năm 2022, Tết cổ truyền của nhân dân Lào, được Đoàn Trường đại học Đà Lạt, Tỉnh đoàn Lâm Đồng và Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng tổ chức, dành cho các sinh viên Lào đang học tập tại Đà Lạt, rồi mê đắm điệu múa lăm vông. “Với người Lào, các lễ hội, ngày vui trong gia tộc, cộng đồng đều không thể thiếu điệu múa lăm vông. Đây là đặc sản văn hóa Lào, hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi và kết nối tình hữu nghị giữa các dân tộc”, Mây giải thích.

Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn, tương tự “xoang” ở Tây Nguyên vậy. Đó là vòng tròn kết nối cộng đồng. Và, sự kiện các gia đình tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương nhận đỡ đầu sinh viên Lào, được ví như nối nhịp lăm vông là vậy.

Mây sinh năm 1999, tại thành phố Pakse, thủ phủ tỉnh Champasak, miền nam Lào, là một trong những tỉnh kết nghĩa với Lâm Đồng. “Sang đây học, chúng em được tỉnh tài trợ học phí, nhà trường lo cho chỗ ăn ở. Qua những tháng ngày bỡ ngỡ khi lần đầu trong đời rời xa gia đình, giờ em rất yêu vùng đất này, khí hậu ôn hòa, con người thân thiện. Nhất là được làm con gia đình người Đà Lạt, em sẽ lưu nhớ mãi quãng đời ở đây”, Mây nói.

Quê Mây có cảnh quan khá giống Đà Lạt, thành phố được những dãy núi bao bọc, phong cảnh hữu tình, nên khi đặt chân đến phố núi Đà Lạt, Mây cảm thấy rất gần gũi, thân thương. Mây là con đầu trong gia đình có anh chị em, bố làm thợ điện, mẹ buôn bán nhỏ. “Khi nghe tin em được gia đình bố Đường Anh Ngữ (hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng - PV) nhận đỡ đầu, bố mẹ em vui lắm. Bố mẹ yên tâm khi con gái đi xa được đùm bọc, chở che. Bố mẹ ở Đà Lạt xem em như con trong nhà, những sự kiện của gia đình, bố Ngữ đều đón em về chơi”, Mây kể.

Với tình yêu thương và trách nhiệm, những gia đình thứ hai của du học sinh Lào tại Đà Lạt, đã phần nào bù đắp cho các em sự thiếu thốn cả về tinh thần và vật chất, khi phải xa nhà học tập ở lứa tuổi chập chững vào đời. “Gia đình xem cháu Mây như con trong nhà. Dịp Tết năm nay, tôi đưa Mây và Phương (tên tiếng Việt của bạn Mây) cùng gia đình về Bình Định, Quảng Ngãi chơi gần hai tuần để các em được trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam. Vào dịp cuối tuần, lễ, Tết, hay có sự kiện trong gia đình tôi đều đưa các cháu sinh viên Lào về tham gia cùng gia đình; các cháu hòa đồng, tình cảm lắm”, ông Ngữ chia sẻ.

Ai đặt tên tiếng Việt cho em? - Tôi hỏi. “Em thích sự uyển chuyển của mây và trong tên khai sinh của em cũng có Mây đó”, Mây nói. Sau một năm học tiếng Việt và bốn năm theo học ngành Luật, Mây vừa tốt nghiệp. Em đang làm hồ sơ để tiếp tục học thạc sĩ tại đây.

Hôm tôi gặp Mây, có chàng sinh viên ngành nông lâm đứng cạnh. “Người yêu à?” - Tôi hỏi. Mây tỏ ra bẽn lẽn. Chàng trai ấy là Vongnarath Phouphachan (tên tiếng Việt là Phú), quê thị xã Paksan, tỉnh miền Trung Lào Bolykhamxay. Phú đang thuyết phục gia đình để được ở lại cùng người yêu học nâng bằng thạc sĩ. Phú kể, bố em công tác trong ngành nông nghiệp nên hướng em theo ngành nông lâm. May mắn, khi sang học tại Đà Lạt, vùng đất rất phát triển về nông nghiệp công nghệ cao, nên đã giúp em rất nhiều trong thực tế. “Hạnh phúc hơn nữa là em được bố Nhựt (GS, TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - PV) nhận đỡ đầu. Cùng với dạy về nếp sống, văn hóa Việt Nam, em được bố Nhựt truyền dạy thêm nhiều kiến thức chuyên ngành”, Phú nói.

Nối nhịp lăm vông trên cao nguyên Lang Biang ảnh 1

Sinh viên Lào giao lưu văn hóa-văn nghệ với sinh viên Việt Nam tại Trường đại học Đà Lạt.

Đan vòm xanh hai miền thương nhớ

“Ở đây thân thương như ở nhà”, câu nói đó tôi được nghe nhiều lần từ các bạn du học sinh Lào, mỗi khi nhắc đến thầy cô, bạn bè và gia đình thứ hai tại Đà Lạt. Với Khampaseuth Maokhamphiou, bạn bè gọi là Khang, đồng hương với Mây, đây là năm đầu tiên em đặt chân vào giảng đường Trường đại học Đà Lạt. “Em đang theo khóa học tiếng Việt để tiếp tục giấc mơ thi vào ngành tiếng Anh. Những ngày mới sang, em lo lắm. Bởi đây là lần đầu em xa gia đình, bè bạn ở quê, tiếng Việt còn rất hạn chế. Cũng may, bạn bè mới ở đây rất thân thiện. Vui nhất là được gia đình mẹ Hằng nhận đỡ đầu, xem như con trong gia đình”, Khang nói.

Với những gia đình nhận đỡ đầu sinh viên Lào tại Trường đại học Đà Lạt, tôi luôn nghe câu nói: “Xem như con trong gia đình”. Ông Đường Anh Ngữ còn là ủy viên Ban thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng, vợ ông là Trưởng ban đại diện cha mẹ nhận đỡ đầu du học sinh Lào tại Đà Lạt, ông Ngữ bảo: “Các cháu cũng xem đây như gia đình thứ hai của mình, hòa nhập nhanh lắm!”. Theo những gia đình nhận đỡ đầu du học sinh Lào, sinh hoạt trong gia đình Việt Nam giúp các em cơ hội giao lưu, rèn luyện tiếng Việt, hiểu thêm về phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. “Nhận đỡ đầu các cháu giúp gia đình có thêm niềm vui. Qua đó, góp phần xây dựng, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày càng keo sơn, bền chặt”, ông Phạm Mạnh Dũng, doanh nhân tại Đà Lạt, bố đỡ đầu em Dương (tên tiếng Việt của nữ sinh viên Lào), chia sẻ.

Dịp Tết cổ truyền Bunpimay lần này, gia đình ông Hà Phước Toản rất vui khi có thêm con gái Thammavong Soudaphone (tên tiếng Việt là Thắm), đến từ huyện Paksong, tỉnh Champasak. Ông Toản hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Lâm Đồng, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng; ông từng là chuyên gia dân vận ở Siem Reap, Campuchia. “Trong những bữa cơm gia đình, ba thường kể cho chúng tôi những câu chuyện trong quá trình công tác, dạy dỗ chúng tôi những bài học về đạo đức, cách sống. Hôm ba đưa em Thắm về, gia đình vui lắm. Em rất quấn quýt chị gái trong nhà, như chị em ruột vậy”, anh Hà Phước Toàn, con trai ông Toản chia sẻ. Theo anh Toàn, trong những dịp đoàn tụ gia đình, không thể thiếu em Thắm và bạn bè em.

Trường đại học Đà Lạt có 27 lưu học sinh Lào theo học tại nhiều ngành, 5 sinh viên đã tốt nghiệp và trở về quê. Đây là những sinh viên học tập theo diện hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Champasak và Bolykhamxay của Lào. Sau khi được tiếp nhận vào trường, các sinh viên Lào trải qua một khóa học tiếng Việt, nếu đạt điều kiện sẽ được xét tuyển vào các ngành học theo nguyện vọng. “Em nhớ như in câu thơ của Bác Hồ: “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Được học tập, sinh sống quãng đời sinh viên tại đây là niềm hạnh phúc của chúng em”, Mây, nhóm trưởng lưu học sinh Lào tại trường, người rành rẽ tiếng Việt, chia sẻ.

Hằng năm, tỉnh Lâm Đồng cùng với hai tỉnh Champasak và Bolykhamxay có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn. Lâm Đồng đã đầu tư, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước lạnh, kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả Trường năng khiếu hữu nghị Champasak-Lâm Đồng và biệt phái hai giáo viên sang dạy tiếng Việt tại trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ Lâm Đồng kết nghĩa với Hội Liên hiệp phụ nữ hai tỉnh, thành lập CLB nữ doanh nhân đầu tư tại Lào… Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bạn thông tin, với vai trò cầu nối trong các hoạt động đối ngoại nhân dân; hằng năm, Hội đã phối hợp tổ chức gặp mặt đầu xuân cho sinh viên, sĩ quan Lào tại Đà Lạt; tổ chức Tết Bunpimay; phối hợp đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Lào đến thăm, làm việc tại tỉnh; tiếp nhận, vận động hỗ trợ các du học sinh Lào theo học tại Trường đại học Đà Lạt, nhiều em đã tốt nghiệp và về nước làm việc.

Tháng Tám, phía triền Đông Trường Sơn phảng phất mưa. Và trên cao nguyên Lang Biang, những bạn sinh viên Lào đang hòa vào vòng xoang nối nhịp lăm vông; rút sợi nhớ, sợi thương để đan vòm xanh hai miền thương nhớ.

“Em rất may mắn khi gặp được gia đình bố Toản, được bố mẹ và các anh, chị thương yêu. Chị Khuyên xem em như em gái ruột. Mỗi khi về nhà, chị thường dạy thêm tiếng Việt, hướng dẫn em nấu các món ăn Việt Nam; động viên, chia sẻ những điều trong cuộc sống. Em rất hạnh phúc”, Thắm chia sẻ.