Nhiều chủ đề bám sát thực tiễn
Vừa qua, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”. Hội thảo do Học viện và Báo Nhân Dân, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức, đón nhận 50 tham luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên trên nhiều lĩnh vực, tập trung bàn thảo, đề xuất quanh những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới.
Nhiều chủ đề vĩ mô được bàn đến, như những giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; thúc đẩy kinh tế số; gia tăng năng suất lao động trong tình hình mới; chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bảo đảm phát triển bền vững; phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; đề cao vấn đề nêu gương đối với đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu nhằm bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…
Cùng với đó là những đánh giá về thực trạng và giải pháp cho một số lĩnh vực, vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa trong cả nước hoặc một số địa phương, như bảo đảm sinh kế bền vững thích ứng biến đổi khí hậu của dân cư nông thôn vùng ven biển Nam Trung Bộ; phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam; tăng cường tuyên truyền phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay; nhiều giải pháp của tỉnh Nam Định cho việc thu hút đầu tư, bứt tốc trong phát triển; khắc phục “điểm nghẽn” ở Bắc Giang để phát triển bền vững; huy động tối đa mọi nguồn lực của tỉnh Hòa Bình, nhằm tạo đột phá…
Nan giải những hạn chế, bất cập…
Nhiều thành quả của đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay được khẳng định, cũng như những khái quát thành tựu gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Bên cạnh đó còn là sự nhìn nhận về những bất cập, hạn chế trong kinh tế, xã hội, văn hóa, con người… GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Thực tiễn quản lý phát triển xã hội còn không ít hạn chế, yếu kém, đòi hỏi phải kịp thời khắc phục mới có thể phát triển đất nước nhanh và bền vững trước yêu cầu của đất nước trong bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động, khó đoán định hiện nay. PGS, TSKH Lương Đinh Hải (VASS) nêu một số nhận xét về tình hình hệ thống và cán bộ, theo đó, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đã được khắc phục phần lớn nhưng vẫn còn tồn tại ở một số nơi, một số công việc. Xuất hiện tình trạng “trên nhanh dưới chậm”, “quyết tâm thì ở cấp cao, xuống đến cấp dưới việc nào cũng lâu”. Rồi tình trạng sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán, đùn đẩy trách nhiệm và công việc, sợ sai, đang bắt đầu tăng dần trong các cấp lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Lại thêm cả tình trạng máy móc, giáo điều, cứng nhắc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị - hành chính khi xử lý công việc…
Còn PGS, TS Đinh Thị Nga, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khi bàn về kinh tế số ở Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số đã được ban hành nhưng chưa hoàn thiện do chưa có phương pháp đo lường thống nhất trên thế giới và Việt Nam. Nhiều khung khổ pháp lý điều chỉnh các hoạt động mới phát sinh như hệ quả của kinh tế số chưa được ban hành và hoàn thiện. Cùng với đó, hạ tầng số vẫn đang ở mức thấp, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế số; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số; đồng thời, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về lợi ích cũng như thời cơ và thách thức của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành.
Tìm các giải pháp bền vững và nhân văn
Nhiều ý kiến về giải pháp căn cứ từ thực tiễn khắc phục khó khăn của đất nước sau đại dịch Covid-19 được nêu lên với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy thực hiện trong điều hành hoạt động kinh tế, xã hội nói chung và xây dựng các chính sách bảo đảm kịp thời trong tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
PGS, TS Vũ Văn Hà - Ban Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đề xuất việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Theo đó, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và triển khai các chính sách hỗ trợ đã được Nhà nước thông qua. Bởi việc triển khai chính sách còn chậm chạp. Cùng với đó, định hướng cho các doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững, khôi phục sản xuất song song với nâng cao năng lực phản ứng và chống chịu trước các cú sốc của thị trường. Ngoài ra, giúp doanh nghiệp thúc đẩy nhanh việc tìm thị trường nguyên liệu/thị trường tiêu thụ mới ngoài thị trường tiềm năng…
Bàn về việc giải quyết những bất cập tồn tại xã hội liên quan đến đời sống người dân nói chung, GS, TS Đặng Nguyên Anh - Viện Xã hội học (VASS) nhấn mạnh, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn dân, toàn diện, với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, bảo đảm trợ giúp kịp thời, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người lao động di cư và người dân ở vùng sâu, vùng xa; nâng cao hiệu quả các chính sách lao động, việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục, thực hiện tốt an sinh xã hội. Chú trọng cải cách tiền lương, chính sách đãi ngộ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người lao động, tạo động lực phát triển. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thực thi hiệu quả chính sách dân số và phát triển, chủ động thích ứng với dân số già, kịp thời khắc phục tình trạng chênh lệch giới tính thai nhi. Đặc biệt, cần quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, kỷ cương, nghiêm minh theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, thu hẹp bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thời gian qua, nhiều cuộc sinh hoạt chính trị của đất nước như các hội nghị của Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội và thông tin từ nhiều cuộc họp báo của Chính phủ cùng những thông tin công bố của các bộ, ngành, địa phương đã phản ánh những thành quả khôi phục tích cực của đất nước sau đại dịch và trong tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động. Các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng cũng chỉ ra nhiều thách thức liên tục, bất thường trong phát triển kinh tế, ổn định và bảo đảm an sinh xã hội, chấn hưng văn hóa, phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Những kết quả nghiên cứu và đề xuất từ hội thảo “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”, chắc chắn không chỉ là sự tư vấn, hiến kế với Đảng, Nhà nước, mà cần được lan tỏa đến các địa phương, đơn vị nhằm phát huy giá trị tham khảo, nghiên cứu vận dụng vào thực tế tình hình lao động, sản xuất, kinh doanh, quản trị xã hội… tại địa phương, địa bàn cơ sở. Những chuyển động tích cực và cụ thể ở các địa bàn mới là thước đo cho khả năng thông suốt ở các “điểm nghẽn”, giải quyết tình trạng “trên nhanh dưới chậm” như tại hội thảo đã chỉ ra.