Nỗ lực để kéo giảm phát thải khí nhà kính

Là thành phố công nghiệp và đô thị lớn nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng từ phát thải khí nhà kính. Để chủ động hạn chế đến mức thấp nhất, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đến năm 2030, thành phố phấn đấu giảm 10% khí phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp.

Kẹt xe làm tăng thêm sự phát thải khí nhà kính.
Kẹt xe làm tăng thêm sự phát thải khí nhà kính.

Giảm 10% phát thải khí nhà kính

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hoạt động giao thông là một trong những tác nhân làm phát thải khí nhà kính vượt ngưỡng của thành phố hiện nay, chiếm đến 45% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính toàn thành phố. Trong đó, xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn.

“Với tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, xe cá nhân tăng vọt, các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát… qua từng năm đã tác động tiêu cực đến chất lượng không khí, phát thải khí nhà kính ngày càng tăng tại thành phố”, anh Trần Văn An (ngụ 78/12 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1) nêu.

Tiêu thụ điện năng lớn cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), mức tiêu thụ điện của các tòa nhà thương mại tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 có thể lên tới 14 tỷ kWh, tương đương với mức phát thải khí CO2 gần 12 triệu tấn. Trong chín tòa nhà điển hình được khảo sát thì có ba trung tâm thương mại và ba khách sạn có lượng tiêu thụ năng lượng trên 500 TOE/năm (TOE là đơn vị quy đổi tổng số điện tiêu thụ một năm sang đơn vị tấn dầu chạy nhiệt điện). Cường độ tiêu thụ năng lượng của khách sạn ở mức 345kWh/m²/năm; đối với các trung tâm thương mại là 340kWh/m²/năm.

Trong lĩnh vực xử lý chất thải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát thải khí nhà kính là do hoạt động chôn lấp chất thải rắn trái phép của người dân, công tác xử lý sinh học, tiêu hủy chất thải, xử lý và xả nước thải sai quy định từ các nhà máy, xí nghiệp. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 10.000 tấn chất thải rắn được thải ra từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chỉ có hơn 70% lượng chất thải này được thu gom, xử lý đúng quy trình, lượng chất thải còn lại không được xử lý triệt để đã trở thành nguồn phát sinh khí độc hại.

Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) Cao Tung Sơn cho hay, dự báo thành phố sẽ tăng thêm 40% khí thải nhà kính vào năm 2025 và 50% vào năm 2030 nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải. Do đó, ngành môi trường đang triển khai nhiều chương trình nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí, hướng đến mục tiêu giảm mạnh lượng khí nhà kính. 

Cụ thể, theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Mục tiêu khác là lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và thành phố, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

Để làm được điều này, PGS, TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố cần đẩy nhanh kiểm soát khí thải xe máy, hạn chế xe cá nhân, kêu gọi sử dụng nhiên liệu sạch và khuyến khích mọi người tham gia giao thông công cộng; tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo; thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xây dựng lối sống xanh. Trọng điểm là triển khai các dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghiệp, xây dựng. 

Mới đây, Viện Môi trường và Tài nguyên cũng đã cho ra mắt ứng dụng theo dõi chất lượng không khí - Healthy AIR, cho phép mọi người biết mức độ ô nhiễm hiện tại và dự báo tương lai. “Những dự báo và tính toán này cùng với sự phân tích tác động lên sức khỏe cộng đồng sẽ là cơ sở cho việc phát triển chính sách ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính mới”, PGS, TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng dự án thông tin.

Nỗ lực để kéo giảm phát thải khí nhà kính -0
Nhà kính là tác nhân chính dẫn đến khí thải nhà kính tăng cao. 

Giải pháp toàn diện

Ông Đinh Công Thương, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Thép TP Hồ Chí Minh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp thép trên địa bàn thành phố đang thực hiện chuyển đổi sử dụng các nguồn điện năng từ năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời... trong sản xuất để giảm lượng phát thải khí CO2, bảo đảm không thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính.

Trong ngành giao thông vận tải, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, ngành giao thông vận tải thành phố đã và đang triển khai đo khí thải xe máy, dự kiến loại bỏ xe cũ nát từ năm 2030; hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô giai đoạn 2026-2030 và phát triển hệ thống xe bus điện thân thiện môi trường từ năm 2022. Cụ thể, các giải pháp chính được ngành thực hiện bao gồm hoàn thiện chính sách thể chế, chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe bus từ diesel sang khí nén CNG nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Trong khi đó, ngành điện lực đang phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp và Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình phát triển điện mặt trời áp mái. Mục tiêu là phát triển được 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái từ nay đến năm 2024; giảm 10-15% lượng điện năng tiêu thụ từ nhiệt điện, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2. Song song đó, ngành điện lực TP Hồ Chí Minh đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời khắp nơi trên địa bàn. Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực thành phố (EVNHCMC), hiệu quả ước tính giảm lượng phát thải khí nhà kính mà khách hàng sử dụng từ năng lượng điện mặt trời tại thành phố hiện tương đương 85 nghìn tấn khí CO2.

Trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố triển khai dự án nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch và công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp; Sở Xây dựng triển khai dự án thí điểm mô hình mái nhà xanh và tường xanh. Đặc biệt, Sở Công thương chủ trì thực hiện dự án áp dụng các “biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa”. Dự án này có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính lên tới nửa triệu tấn CO2/năm.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay, thành phố đang từng bước triển khai nhiều nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện công tác quản lý về phát thải khí nhà kính. Cụ thể, thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trên năm lĩnh vực, gồm: Năng lượng cố định; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, rừng và sử dụng đất. TP Hồ Chí Minh cũng đã ký bản ghi nhớ về hợp tác với Tổ chức C40 (mạng lưới các thành phố lớn cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu) trong việc tham gia dự án công khai thông tin về phát thải carbon; tích cực tham gia dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (dự án SPI-NAMA) do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện.

Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ tập trung chủ yếu vào ngành năng lượng như thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường; tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về năng lượng tiết kiệm và năng lượng xanh. 

Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND TP Hồ Chí Minh giao là cơ quan theo dõi, đánh giá việc thực hiện kế hoạch “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”. Theo đó, “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu” giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ triển khai thực hiện 20 dự án, trong đó, có 19 dự án lồng ghép trong nhóm nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố.

Để đạt được những mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, UBND thành phố đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho từng ngành, nghề. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh nhằm giảm phát thải khí nhà kính; quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính; xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo ngành và lĩnh vực.