Niềm tự hào của nước Nga

“Matryoshka có lẽ là món đồ chơi duy nhất mà bên trong chứa đựng thứ tương tự nhưng lại gây bất ngờ”. Không ai biết con búp bê mở ra tiếp theo sẽ mang lại điều gì, nhưng món đồ chơi dân gian độc đáo gồm những con búp bê gỗ lồng vào nhau từ lâu đã trở thành biểu tượng của nước Nga. Biểu tượng đó vẫn đang được gìn giữ và phát triển theo cách riêng biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Olga Yurova trong bảo tàng ở Sergiyev Posad.
Bà Olga Yurova trong bảo tàng ở Sergiyev Posad.

Bà Olga Yurova, nhà nghiên cứu cấp cao tại Triển lãm Matryoshka của Nga ở thành phố Sergiyev Posad, tỉnh Moscow không ngần ngại gọi triển lãm là bảo tàng. Bởi, nơi đây đang trưng bày những bộ sưu tập Matryoshka rất giá trị của Nga từ đầu thế kỷ 20 đến nay, với khoảng 1.000 búp bê gỗ từ các trung tâm sản xuất búp bê truyền thống ở khu vực Moscow, Nizhny Novgorod hay Yaroslavl…

Sau nhiều năm nghiên cứu tại thủ phủ đồ chơi Sergiyev Posad, bà Yurova lấy làm tiếc vì hiện không còn bằng chứng, tài liệu nào về nguồn gốc Matryoshka. Cổng thông tin du lịch Moscow cũng khẳng định điều tương tự, song bổ sung rằng theo một phiên bản, món đồ này đến nước Nga từ Nhật Bản. Nó gồm bảy con búp bê theo kích cỡ nhỏ dần được lồng vào nhau, tượng trưng cho các vị thần ở “đất nước mặt trời mọc”.

Sự nổi tiếng của búp bê Matryoshka đã đến từ hơn 120 năm trước. Theo bảo tàng Sergiyev Posad, lần đầu Matryoshka xuất hiện ở Moscow tại xưởng của cửa hàng “Giáo dục trẻ em” ngay trước thềm Triển lãm công nghiệp-nghệ thuật thế giới diễn ra ở Paris (Pháp) năm 1900. Tại triển lãm, gây ấn tượng với sự độc đáo về mặt hình ảnh và sức mạnh thể hiện tính cách dân tộc, Matryoshka được trao huy chương đồng. Những người tạo ra Matryoshka gồm tám con đầu tiên mang tên “Cô gái và gà trống” là họa sĩ Sergey Malyutin và thợ tiện Vasily Zvezdochkin. Đến nay, chân dung của hai nhân vật lịch sử này cùng búp bê dựa trên nguyên mẫu của “Cô gái và gà trống” đang được trưng bày tại bảo tàng.

Để phổ biến rộng rãi, Matryoshka đã được “khai sinh” lần hai tại ngành công nghiệp đồ chơi lớn nhất Nga ở Sergiyev Posad. Năm 1904, xưởng đồ chơi giáo dục của thành phố quyết định mua một phần sản phẩm từ xưởng “Giáo dục trẻ em”, gồm cả các mẫu Matryoshka. Nhờ nỗ lực, sáng tạo của các họa sĩ và thợ thủ công, nhiều mẫu búp bê đã xuất hiện, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung.

Xếp ngay ngắn ba hàng giữa bảo tàng trong tủ kính, bộ Matryoshka với 45 con, con lớn nhất cao 86 cm phủ những “nét vẽ rất Nga” làm nên thương hiệu Matryoshka truyền thống của Sergiyev Posad. Búp bê “phong cách Nga” vẫn là điều thú vị với du khách, với hình ảnh những chàng trai, tráng sĩ hay nhân vật trong truyện cổ tích, lịch sử, văn học. Hay hình những người phụ nữ nông dân ôm gia cầm hoặc cầm dụng cụ. Một người phụ nữ có khuôn mặt rộng, hồng hào, vạm vỡ trong trang phục lễ hội, với chiếc khăn sặc sỡ trên đầu. Lối trang trí đó trở thành cách thể hiện sinh động quan điểm dân tộc Nga về cái đẹp và sự hài hòa trong cuộc sống.

Mỗi con búp bê là duy nhất. Những họa sĩ Nga cũng quan niệm rằng không thể vẽ một khuôn mặt hai lần trên bề mặt gỗ. Bên cạnh những con Matryoshka truyền thống, những tác phẩm mang bản sắc của tác giả đang được xem là một hướng đi riêng biệt của nghề thủ công dân gian. Với những họa tiết kỳ lạ, truyện dân gian Nga, phong cảnh, câu chuyện tôn giáo hay các loài động vật quý hiếm, những con Matryoshka được ký tên tác giả đang tạo nên sức hút trên thị trường. Đó được xem là cách để vừa gìn giữ, vừa phát triển các giá trị văn hóa lâu đời.

Ngắm nghía, vuốt ve và mở ra nhẹ nhàng, bà Yurova hay những nhân viên trong bảo tàng bày tỏ tình yêu và niềm tự hào về những con búp bê gỗ theo cách đó. Họ tự hỏi, nếu không tôn trọng văn hóa, thì cuộc sống làm sao tiếp diễn? Matryoshka là biểu tượng của nước Nga, thể hiện chiều sâu tâm hồn và khắc họa những biểu cảm trong tính cách dân tộc. Chính sự đón nhận rộng rãi ở Nga và nước ngoài đã giúp “khai sinh” nhiều khu vực sản xuất Matryoshka tại Nga, với mỗi vùng mỗi đặc trưng riêng.