Nhuộm màu dân tộc cho sản phẩm đương đại

Mấy năm gần đây, có một nhóm bạn trẻ ngày ngày cần mẫn hòa những sắc màu truyền thống dân tộc vào các vật dụng trong đời sống đương đại. Thời Nay có dịp trò chuyện với trưởng nhóm - “chị cả” Nguyễn Thị Hữu.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Hữu hướng dẫn các thành viên làm đèn bàn. Ảnh: MOC
Chị Hữu hướng dẫn các thành viên làm đèn bàn. Ảnh: MOC

Phóng viên (PV): Được biết chị là người sáng lập ra dự án Magic of Color (MOC), chị cho biết qua về MOC và điều gì đã thôi thúc chị đến với dự án này?

Chị Nguyễn Thị Hữu: Được thành lập năm 2020 với mục đích hỗ trợ truyền thông cho các sự kiện về văn hóa, nghệ thuật, Magic of Color được gọi tắt là MOC. Chúng tôi có 10 thành viên đầu tiên, hiện tại là 10 thành viên chính thức chia thành các ban chuyên môn và đến nay đã phát triển thêm các cộng tác viên để hỗ trợ sự kiện khi cần. Qua các sự kiện, chúng tôi nhận thấy hoạt động tìm hiểu và trải nghiệm về các loại hình tranh dân gian Việt Nam được rất nhiều người quan tâm, nhất là giới trẻ.

Trong năm 2022, 2023, MOC đã tổ chức gần 20 sự kiện workshop với chủ đề Tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tổ chức tour tham quan và trải nghiệm tại làng nghề tranh Đông Hồ.

Chúng tôi đang tiếp tục phát triển ý tưởng, thiết kế các dòng tranh dân gian lên các sản phẩm ứng dụng như đèn trang trí nội thất, sách vở, bình gốm, túi xách… nhằm đưa hình ảnh tranh dân gian đến gần hơn với cuộc sống hiện đại. Chúng tôi gọi tên dự án là MÀU DÂN TỘC, mượn từ của nhà thơ Hoàng Cầm trong bài thơ nổi tiếng “Bên kia sông Đuống” khi nói về làng tranh Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, Từ Sơn, Bắc Ninh.

PV: Chị có thể kể thêm về đội ngũ MOC?

Chị Nguyễn Thị Hữu: Phần lớn các thành viên hiện tại là các bạn trẻ đến từ các trường đại học như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Thăng Long, có chung sở thích, tình yêu văn hóa truyền thống. Công việc chuyên môn ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giúp tôi có nhiều cơ hội học hỏi về lĩnh vực mình đang nghiên cứu như nguồn tư liệu về mỹ thuật dân gian và nhận được sự tư vấn từ các cô chú, anh chị đồng nghiệp, các gia đình nghệ nhân. Nhờ vậy mà chúng tôi cũng tự tin hơn, có điều kiện phát triển ý tưởng của dự án một cách bài bản và chuẩn mực hơn.

Nhuộm màu dân tộc cho sản phẩm đương đại ảnh 1

Hình ảnh tranh “Đám cưới chuột” trên một số sản phẩm.

PV: Được biết vật liệu để tạo nên những chiếc đèn của dự án đều từ các sản phẩm xanh như tre, giấy dó. Chị xây dựng nguồn cung vật liệu cho dự án như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hữu: Khi đưa hình ảnh tranh dân gian Việt Nam lên các sản phẩm ứng dụng trong đó có những bộ đèn lồng chúng tôi gặp nhiều khó khăn, trong đó chất liệu là một trở ngại lớn nhất. Chọn vật liệu gì để sản phẩm vừa phù hợp không gian sống hiện đại, gia công được trên những thiết kế hiện đại, vừa bền nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của các dòng tranh?

Để tìm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như xưởng sản xuất theo thiết kế đặt hàng, chúng tôi đã phải thử nghiệm nhiều lần, kiên trì với các nguyên vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho môi trường như tre, giấy dó, gỗ, vải… Rất may mắn, sau quá trình thể nghiệm, khảo sát, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các nghệ nhân làng nghề tre xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam, xưởng chế tác gỗ Bách Mộc…

PV: Sự đón nhận, tương tác của công chúng đối với các sản phẩm của dự án như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hữu: Dự án MÀU DÂN TỘC chia thành các nội dung như: tổ chức workshop, tham quan trải nghiệm, sản xuất video và hình ảnh quảng bá về tranh dân gian Việt Nam, những chiếc bình gốm vẽ tay độc bản, những chiếc túi xách thông dụng… Đặc biệt là phát triển sản phẩm đèn lồng với những chiếc đèn treo thả, đèn để bàn đơn lẻ hoặc những bộ đèn mang tên riêng như bộ đèn Dó “Sắc Việt”, bộ đèn “Màu ký ức”…

Những chiếc đèn của MOC hướng tới tính ứng dụng. Sau khi dùng để rước hoặc trang trí không gian Tết Trung thu, người ta có thể đem về trang trí trong không gian sống như không gian nghỉ dưỡng, ẩm thực... Bước đầu giới thiệu sản phẩm chủ yếu thông qua các triển lãm nhỏ tại các chương trình workshop và trên Fanpage của Magic of Colors, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và yêu thích của người dùng.

Rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, giúp chúng tôi kết nối hiệu quả với cộng đồng, tuyên truyền và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của một số dòng tranh dân gian Việt Nam như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển loại hình di sản độc đáo này trong thực tiễn đương đại.

PV: Xin cảm ơn chị!