Những nẻo đường... cần sa (kỳ 5)

Kỳ 5: Xây dựng “lá chắn thép” phòng chống tội phạm ma túy
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu chỉ đạo tại giao ban chỉ đạo phương án nghiệp vụ về phòng ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam, tháng 5/2023. Ảnh: HUY HÀ
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu chỉ đạo tại giao ban chỉ đạo phương án nghiệp vụ về phòng ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam, tháng 5/2023. Ảnh: HUY HÀ

(Tiếp theo và hết)

Báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, do chịu áp lực từ tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam thời gian qua có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Cũng theo thông tin từ đơn vị này, sau một năm rưỡi triển khai phương án nghiệp vụ số 3633 (phương án nghiệp vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam), Công an 6 tỉnh biên giới tuyến Tây Nam và Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau đã phát hiện bắt giữ 4.077 vụ, 8.795 đối tượng; thu giữ hơn 1,8 tấn ma túy tổng hợp, 36 kg heroin; hơn 278 kg cần sa, 0,6 kg cocain, 37 khẩu súng, 306 viên đạn và 1 lựu đạn. Đã có 93 đối tượng truy nã bị bắt, vận động ra đầu thú và thanh loại…

Xu hướng mới của tội phạm ma túy

Ngày 9/5/2023, tại Kiên Giang, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức hội nghị giao ban Ban chỉ đạo phương án nghiệp vụ số 3633 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến Tây Nam (đây là phương án được lãnh đạo Bộ Công an và công an các tỉnh biên giới Tây Nam ban hành ngày 24/8/2021). Tại buổi giao ban, nhận định từ cơ quan chức năng cho biết, ma túy từ Campuchia vận chuyển qua tuyến biên giới Tây Nam tập trung ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp và gần đây đang có xu hướng dịch chuyển sang Bình Phước, An Giang và từ Lào qua các tỉnh bắc miền trung. Từ đó, các đối tượng buôn bán ma túy sẽ vận chuyển rồi tập kết tại các kho thuộc các tỉnh giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Trong thời gian gần đây, phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy trên tuyến Tây Nam thường xuyên được thay đổi một cách tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng phạm tội thường thành lập ra các công ty bình phong để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc cất giấu ma túy trong người, trong khoảng trống tự nhiên của các phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm, đồ mỹ nghệ, hoặc giấu ma túy trong các kiện hàng hóa cồng kềnh, trong máy móc, để lẫn trong hàng hóa nông, hải sản… Sau đó, các đối tượng sẽ đóng ma túy thành kiện hàng để thông qua hệ thống xe khách xuyên Việt, từ nước ngoài thẩm lậu vào nước ta. Một phần ma túy thẩm lậu sẽ được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, phần còn lại tiếp tục được vận chuyển đi các nước thứ ba và vùng lãnh thổ như Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản để tiêu thụ.

Mới đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng tuyến đường hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy từ các nước thuộc châu Âu như Đức, Séc, Hà Lan về địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (phần lớn qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) dưới hình thức quà biếu. Tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam hoạt động manh động, liều lĩnh. Vì tính chất nghiêm trọng của mỗi vụ việc, nên các đối tượng tội phạm dạng này luôn sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí “nóng”, hoặc đâm xe vào lực lượng chức năng để trốn chạy mỗi khi bị phát hiện, bắt giữ.

Thời gian qua, toàn tuyến đã triệt xóa 133 điểm, 27 tụ điểm phức tạp về ma túy; triệt xóa 448 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy. Đã phát hiện 17 vụ, 13 đối tượng. Nhổ, tiêu hủy 280 kg cần sa.

Nhận định từ phía cơ quan công an, nếu chúng ta đánh ma túy mạnh ở phía bắc, các đối tượng có xu hướng sẽ dịch chuyển xuống hoạt động ở vùng biên giới phía nam. Có một điều dễ nhận thấy rằng, sau khi các “farm” trồng cần sa tại Thailand hay Lào được hợp thức hóa một phần, chắc chắn việc thẩm lậu loại ma túy này qua biên giới về Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi đã trao đổi thông tin này với lãnh đạo các cục Hải quan Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An, An Giang và Bộ đội Biên phòng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, An Giang (những địa bàn đã từng và có nguy cơ trở thành điểm nóng về ma túy). Một số đơn vị có chức năng kiểm soát hàng hóa và con người qua biên giới tỏ ra khá bất ngờ với thông tin là các đối tượng buôn bán, vận chuyển cây cần sa sẽ tìm mọi cách để vận chuyển loại hàng hóa này qua biên giới vào trong nước.

Ngày 23/3/2023, Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng 5 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) cho biết: “Gần đây ở Thailand cho phép hợp thức hóa việc trồng cây cần sa vì mục đích y tế. Đây cũng là xu hướng của một số quốc gia trên thế giới. Thậm chí ở nước bạn CHDCND Lào cũng đang có mong muốn như vậy. Về mặt y tế thì đây là điều tốt để ngành y đấu tranh với bệnh tật. Tuy nhiên, ở góc độ phòng, chống ma túy thì cũng là một việc khó khăn, ở chỗ việc quản lý các chất này ra sao khi được hợp thức hóa. Cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp ở Thailand thì tôi tin rằng, các bạn có đủ điều kiện để phòng ngừa việc thất thoát để các đối tượng có thể lợi dụng đưa các chất đó ra ngoài xã hội. Nhưng với các nước khác thì quản lý sẽ khó khăn. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy có thể lợi dụng, lên mạng rêu rao là sang Thailand không chỉ là đi du lịch mà còn có thể được sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện. Trước làn sóng này, Đảng, Chính phủ, Bộ Công an Việt Nam và trực tiếp là lực lượng cảnh sát ma túy chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình. Chúng ta đã có phương án cụ thể. Lãnh đạo bộ đã có chỉ đạo phải có biện pháp phòng ngừa, nắm tình hình từ sớm, từ xa thậm chí nguy cơ ma túy từ khu vực “tam giác vàng” vào biên giới Việt - Lào. Chúng ta chủ động hoàn toàn nên hầu như chưa có tác động gì về việc một số nước hợp thức hóa cây cần sa. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và Đông Nam Á có diễn biến phức tạp. Chúng ta phối hợp rất tốt với các bạn Lào đánh chặn từ xa, nắm các đối tượng từ vùng “tam giác vàng” trước khi chúng đưa ma túy vào nội địa. Việt Nam không trở thành điểm trung chuyển vì các đường dây ma túy vào nước ta đều đã bị chúng ta triệt phá”...

Các giải pháp cho công tác phòng chống ma túy trong tình hình mới

Tại cuộc giao ban hồi đầu tháng 5 vừa qua tại Kiên Giang, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã đưa ra dự báo, trong thời gian tới tuyến Tây Nam vẫn là địa bàn trọng điểm về ma túy. Do đó, các biện pháp nghiệp vụ cần phải được triển khai một cách nhịp nhàng, đồng bộ, có hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất và đúng với phương hướng chỉ đạo từ Bộ Công an. Đặc biệt, lực lượng công an các địa phương phải đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tuyến, nắm địa bàn, chú trọng công tác phòng, chống ma túy theo hướng chuyên sâu, đồng bộ, quán xuyến được tình hình địa bàn, đối tượng, chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến. Bộ Công an cũng yêu cầu các lực lượng phòng chống ma túy kiểm soát tình hình, không để tội phạm ma túy câu kết, móc nối hoạt động trên tuyến Tây Nam với địa bàn ngoại biên và các tuyến, địa bàn khác trong nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía nam.

Để tháo gỡ nguy cơ nhiều tỉnh khu vực phía nam, đặc biệt là các tỉnh biên giới miền Tây Nam Bộ trở thành nơi tập kết, vận chuyển ma túy, nhiệm vụ cũng đã được chỉ ra, đó là việc tập trung triệt xóa các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn tuyến; các tụ điểm tập kết ma túy ở khu vực giáp biên giới Việt Nam - Campuchia; tiến hành truy bắt các đối tượng tội phạm ma túy bị truy nã đang lẩn trốn tại các địa bàn trên tuyến và ở nước ngoài. Đồng thời, các đơn vị chức năng làm tốt công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, khuyến khích cai nghiện tự nguyện. Tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối sử dụng các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y (nhiều loại tiền chất ma túy được lấy từ nguồn này để sản xuất ma túy tổng hợp), thực phẩm chức năng, thức ăn chăn nuôi có liên quan tới tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần.

Việc thường xuyên phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với công an các địa phương trên nhiều tỉnh, thành phố là điều cần thiết và hiệu quả. Phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng với Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, tạo thế trận thống nhất, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tại các cảng hàng không, cảng biển.

Tại buổi giao ban Ban Chỉ đạo phương án nghiệp vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam, các lực lượng chuyên môn cũng đã xác định việc tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp xác lập chuyên án chung với cơ quan nước bạn Campuchia để đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy (trong đó có mua bán vận chuyển trái phép cần sa) hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia là yêu cầu nghiệp vụ. Từ đó, chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, xây dựng lá chắn thép trên tuyến biên giới, không để nước ta trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Những nẻo đường... cần sa (kỳ 4)

Những nẻo đường... cần sa (kỳ 3)

Những nẻo đường... cần sa (kỳ 2)

Những nẻo đường... cần sa (kỳ 1))