Dân đã an cư thì lập nghiệp
Cuối tháng 9/2024, tại thị trấn Cờ Đỏ, lễ khởi công xây dựng hai căn nhà Đại đoàn kết cho hai hộ dân đồng bào Khmer gặp khó khăn về nhà ở, gồm hộ ông Danh Giàu và hộ bà Thạch Thị Chà. Buổi lễ có sự tham dự của đồng chí Huỳnh Mười Một, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ cùng đại diện các đơn vị tài trợ. Mỗi căn nhà có diện tích khoảng 40 m², kinh phí xây dựng 80 triệu đồng cho mỗi căn.
Có nhà mới, bà Thạch Thị Trà tâm sự: “Bà con lối xóm cũng sang vui với tôi vì khi có nhà mới sẽ không phải sống cảnh mưa dột, gió lùa nữa”. Ngoảnh lại quá khứ sống trong ngôi nhà tạm bợ, chạm mạnh cũng sợ phên bung, mái bật. Mùa mưa, nước lênh láng nền, vườn, bì bõm lội ra, bước vô ướt nhẹp, ông Danh Giàu cho biết: “Xưa tới giờ tôi chỉ ước làm được nhà. Nhưng lo mãi hổng xong. Nay, khác rồi. Sắp tới, tôi chỉ lo kiếm tiền sắm đồ trong nhà thôi”.
Tính đến nay, thành phố Cần Thơ đã xây dựng và sửa chữa 2.268 căn nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ 39.424 lượt hộ vay với tổng số tiền lên đến 2.873 tỷ đồng để phát triển sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã cấp phát 114.991 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người dân. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn 0,15%, tương đương với 545 hộ, trong khi tỷ lệ hộ cận nghèo sẽ là 1%, tương đương 3.706 hộ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Thới Lai đã xây dựng và sửa chữa 399 căn nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí hơn 20,4 tỷ đồng. Một thí dụ điển hình về việc vận dụng hiệu quả chính sách trợ giúp là câu chuyện của chị Lưu Ngọc Vinh ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai. Nhờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu vay 70 triệu đồng để nuôi dê thịt, chị đã quyết tâm khôi phục kinh tế gia đình sau hai lần thất bại do dịch bệnh trên đàn heo. Bắt đầu với 4 con dê thử nghiệm, hiện tại gia đình chị đã có khoảng 50 con. Chị cho biết: Nuôi dê dễ chăm sóc, chi phí thấp và ít rủi ro. Giá cả tiêu thụ ổn định từ 80 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg và dự định sẽ mở rộng chuồng trại để tăng quy mô chăn nuôi.
Huyện cũng đã hỗ trợ 432 hộ vay hơn 11,4 tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh và cấp phát 40.266 thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ giáo dục với hơn 1,4 tỷ đồng cho 2.884 học sinh và giới thiệu việc làm cho nhiều lao động.
Khích lệ tinh thần tự lực
Thành phố Cần Thơ là vùng đồng bằng nhiều sông lớn chảy qua. Nhiều gia đình sống trên thuyền thường có cuộc sống không ổn định và không có nơi cư trú cố định. Điều này làm cho việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ về nhà ở trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Nhựt, ngụ phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều), cho biết: “Chính quyền tìm tới tôi. Họ nói có chính sách, ưu đãi khác hay lắm. Chính quyền sẽ triển khai cho dân chài. Tôi thấy rất lợi ích cho bản thân và gia đình”.
Quận Thốt Nốt cũng không ngừng nỗ lực thực hiện các chính sách trợ giúp về nhà ở, vốn vay, y tế và dạy nghề cho hộ nghèo và cận nghèo. Hằng năm, ban chỉ đạo giảm nghèo các phường phân tích nguyên nhân nghèo và những chỉ tiêu thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo. Các ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu hộ nghèo thực hiện các giải pháp trợ giúp phù hợp từng hoàn cảnh.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, mục tiêu đến cuối năm 2024 là tỷ lệ hộ nghèo còn lại sẽ giảm xuống còn 0,15%. Các quận, huyện đang tích cực rà soát hộ nghèo và cận nghèo năm 2024 để xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo trong năm tiếp theo.
Thành phố đã bố trí kinh phí hàng năm để các quận, huyện chủ động triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp giảm nghèo và an sinh xã hội. Điều này tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Việc kịp thời thực hiện các chính sách như vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình giảm nghèo tại TP Cần Thơ. Những nỗ lực này không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức mà còn khuyến khích họ vận dụng hiệu quả chính sách trợ giúp để lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo.
Những chính sách hỗ trợ thiết thực cùng tinh thần tự lực vươn lên của người dân sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Hy vọng rằng, những mô hình thành công sẽ được nhân rộng để ngày càng nhiều người dân có cơ hội thoát khỏi đói nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Noãn ở xã Trường Thắng chia sẻ: “Rất vui khi được vay vốn ưu đãi để duy trì nghề đan đát truyền thống gia đình và tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/tháng".