Tự Lực văn đoàn:

Những đóng góp cùng văn chương

Tự Lực văn đoàn vốn được ghi nhận là nhóm tác giả mở đầu cho một phong trào văn học với nhiều tác phẩm văn học hiện đại. Các nhà nghiên cứu vừa trao đổi nhiều hơn về sự tham gia của họ vào đời sống xã hội Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ trước.
0:00 / 0:00
0:00
Tuần báo Phong Hóa do Tự Lực văn đoàn xuất bản đã góp phần tích cực vào cải cách xã hội.
Tuần báo Phong Hóa do Tự Lực văn đoàn xuất bản đã góp phần tích cực vào cải cách xã hội.

Châm biếm để cải tạo xã hội

Tại Viện Văn học vừa diễn ra tọa đàm khoa học “Tự Lực văn đoàn: Những cách tiếp cận mới”, đem đến những góc nhìn mới mẻ. Bàn về tờ Phong Hóa - tờ báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam do Tự Lực văn đoàn xuất bản, GS Martina Thucnhi Nguyen đề cập đến hình tượng nhân vật Lý Toét - nhân vật biếm họa nổi tiếng trên tờ Phong Hóa. Trong nhiều công trình nghiên cứu, nhân vật Lý Toét vẫn luôn được biết đến như một kẻ ngốc nghếch, ngờ nghệch “Lý Toét ra tỉnh”, như một đại diện cho một xã hội nông thôn với những tình huống dở khóc dở cười khi va chạm với văn minh đô thị. Theo GS Martina Thucnhi Nguyen, việc Tự Lực văn đoàn xây dựng những nhân vật biếm họa như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh để thấy những hạn chế mà xã hội cần thay đổi, từ đó thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện và chạm tới nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam.

Biếm họa về Lý Toét đã manh nha sự phản biện xã hội trong đời sống nông thôn đương thời, qua đó, Tự Lực văn đoàn đã thành công trong việc đối thoại với độc giả của họ, thể hiện ở việc có rất nhiều bức vẽ biếm họa Lý Toét với những phong cách khác nhau được vẽ bởi nhiều độc giả, họa sĩ bên ngoài Tự Lực văn đoàn.

Kiến tạo bản sắc dân tộc

Nhận định về những kết quả nghiên cứu mới của GS Martina Thucnhi Nguyen, TS Đoàn Ánh Dương cho rằng, công trình đã cho thấy cái nhìn mới so những gì chúng ta hình dung về Tự Lực văn đoàn từ trước đến nay, đó là nhìn Tự Lực văn đoàn vượt ra ngoài biên giới của văn chương. Hãy nhìn Tự Lực văn đoàn như một nhóm lợi ích, như một tổ hợp kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần đánh giá trên phương diện hoạt động văn chương. Càng tìm hiểu, chúng ta sẽ càng nhận ra, ngoài vai trò của Tự Lực văn đoàn đối với sự định hình văn chương nói chung, những đóng góp tích cực cho bước tiến của văn học Việt Nam giai đoạn 30-45 nói riêng thì quan trọng hơn là sự ảnh hưởng, tác động của họ đến xã hội, đời sống.

Có thể nói, hoạt động xuất bản của Tự Lực văn đoàn vừa phục vụ văn chương, báo chí, vừa phục vụ ý tưởng cách tân xã hội. Bằng những dữ liệu khảo sát trên báo chí và hoạt động xuất bản của họ, có thể thấy rằng Tự Lực văn đoàn có nhiều đóng góp vượt ra bên ngoài phạm vi văn chương.

Qua những tài liệu lưu trữ ở Pháp, cùng với tài liệu mà GS Martina Thucnhi Nguyen đã tìm hiểu để phục vụ công trình nghiên cứu của mình, có thể thấy, Tự Lực văn đoàn từng muốn góp phần xây dựng bản sắc mang tính chủ nghĩa dân tộc cho con người và xã hội Việt Nam tại thời điểm làn sóng phương Tây du nhập mạnh mẽ vào nước ta. Tự Lực văn đoàn đã thành công với phong trào cải cách trang phục khi kết nối với nhiều họa sĩ, nổi bật là danh họa Nguyễn Cát Tường. Ông đã cách tân y phục của phụ nữ Việt, thiết kế nên chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam. Tự Lực văn đoàn và Nguyễn Cát Tường đã phối hợp chặt chẽ với nhau để xây dựng chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”, định hình dáng vẻ riêng của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ trước.

Tự Lực văn đoàn cho đến nay đã để lại nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng và đồng thời giúp phản ảnh lại một xã hội nơi cái “tôi” mong muốn được đổi mới, được giải phóng. Nhóm tác giả sử dụng báo chí như một sự kết nối xã hội khi các tác phẩm của các nhà văn, họa sĩ gửi về cho tòa soạn đều được đăng tải và từ đó tạo nên một sức ảnh hưởng lớn. Cho đến ngày nay giá trị về văn học, văn hóa, xã hội ẩn chứa trong các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn vẫn được khẳng định.

Theo GS Trần Đình Sử, từ trước đến nay các nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn đều nghiên cứu về mặt văn học, nhưng nay ta lại thấy được nhiều khía cạnh khác dưới góc nhìn văn hóa và xã hội.