Nhu cầu tuyển lao động vẫn gặp khó

Thị trường lao động nước ta đang dần phục hồi và ổn định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại đang gặp khó trong tuyển dụng lao động (LĐ), phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch tìm kiếm việc làm lưu động của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Phiên giao dịch tìm kiếm việc làm lưu động của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM

Nhu cầu tuyển dụng tăng

Vừa qua, phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Đông Anh được tổ chức đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và có nhu cầu tuyển sinh hơn 3.000 chỉ tiêu lao động với các vị trí. Các doanh nghiệp (DN) tham gia thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm đa số, còn lại là các DN hoạt động trong lĩnh vực khác như: sản xuất, du học - xuất khẩu lao động, may mặc... Sự đa dạng về ngành nghề đã tạo điều kiện để người lao động (NLĐ) có cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp.

Ông Nguyễn Việt Hùng, chuyên viên nhân sự, Tổng công ty May 10 (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tham dự phiên giao dịch này, chúng tôi muốn tuyển dụng 12 vị trí và hơn 300 LĐ. Đặc biệt, chúng tôi cần tuyển 200 LĐ may - cắt, bên cạnh đó, cũng cần tuyển rất nhiều LĐ kỹ thuật như nhân viên mẫu dập, nhân viên quy trình, nhân viên thiết kế 3D. Mức lương của Tổng công ty May 10 đưa ra từ 8-15 triệu đồng tùy thuộc vào các vị trí công việc”. Chị Phạm Thị Ngọc Hoàng, nhân viên Phòng Hành chính tổng hợp, Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi-Hanel (Khu công nghiệp Sài Đồng B, Hà Nội) cũng có mặt tại phiên giao dịch việc làm này chia sẻ: “Hiện nay công ty cần tuyển 2.000 công nhân sản xuất, ngoài ra cần 4 vị trí nhân viên kỹ thuật sản xuất. Nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm vì công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất”.

Khảo sát một số khu công nghiệp quanh khu vực Hà Nội như Thăng Long, Quang Minh, Sài Đồng A, Đông Anh… các biển tuyển dụng treo khắp nơi với số lượng LĐ lớn, nội dung đơn giản: “Đi làm ngay, trình độ từ hết cấp 2 đến đại học!”. Thậm chí nhiều DN còn thưởng nóng từ 900 nghìn đến

10 triệu đồng cho người giới thiệu LĐ mới. Nhiều DN đã đưa ra những chế độ lương, thưởng hấp dẫn, thu nhập của NLĐ có thể từ 7-12 triệu đồng/tháng, được tham gia chế độ BHXH theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ các chi phí về học tập, đào tạo kỹ năng mới, linh hoạt về địa điểm và thời gian làm việc.

Tuy nhiên, đến nay, việc tuyển dụng của các DN gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “So năm 2023, hết quý I năm 2024, Tổng công ty May 10 mới tuyển được 70% so với cùng kỳ”. Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp phát triển, nhưng người dân địa phương chỉ đáp ứng nhu cầu LĐ trên địa bàn khoảng 20%. Số còn lại phải phụ thuộc vào tuyển dụng LĐ từ các địa phương khác”.

Nhu cầu tuyển lao động vẫn gặp khó ảnh 1

Người lao động tìm hiểu thông tin doanh nghiệp tuyển dụng. Ảnh: SONG ANH

Nghịch lý thị trường lao động

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhận xét: Trên thị trường LĐ hiện nay, chúng ta đã thấy được phần nào bức tranh toàn cảnh về thiếu hụt cục bộ LĐ. Xét về tổng thể, tổng cung LĐ vẫn nhiều hơn so tổng cầu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt cục bộ (cầu nhiều hơn cung) lại diễn ra khá phổ biến. “Nguyên nhân là do lương và thu nhập chưa đủ hấp dẫn đối với NLĐ, dẫn đến người NLĐ còn do dự trong việc lựa chọn công việc tiếp theo hay là chuyển đổi công việc. Bên cạnh đó, phần đông lượng công việc khá lớn ở khu vực phía nam, nhưng cũng tại đây, NLĐ lại mong muốn làm ở khu vực tự do hơn để khỏi bị ca kíp và các điều kiện ràng buộc khác. Trong giai đoạn hiện nay, thị trường LĐ phát triển khá nóng, dẫn đến việc làm tạo ra tương đối nhiều, tạo ra nhiều cơ hội cho NLĐ, nhất là tại các lĩnh vực dịch vụ, dẫn đến việc thiếu hụt cục bộ LĐ như hiện nay”, ông Ngô Xuân Liễu nói.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức lương ở các nhà máy chưa thu hút được NLĐ là do ở một số lĩnh vực, đơn hàng đang về khá dồi dào nhưng giá thành lại giảm, dẫn đến mặt bằng thu nhập chung của NLĐ có giảm sút.

Có một nghịch lý đang tồn tại trên thị trường LĐ là số nhân công trong các nhà máy, DN thì giảm đi trong khi LĐ tự do lại tăng lên. Số liệu của Tổng cục Thống kê vào quý III/2023 cho thấy, LĐ trong khu vực phi chính thức là 33,3 triệu người, chiếm hơn 64% không phải là nhỏ, đây cũng là một nguồn cung lao động lớn. Bên cạnh đó, số liệu mới của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên khá cao (7,99%, cao hơn gần 4 lần so tỷ lệ thất nghiệp chung). Trên thị trường LĐ của ta hiện nay đang có khoảng 1,4 triệu thanh niên độ tuổi từ 15-24 không tham gia thị trường LĐ, không tìm việc làm, không lao động, không tham gia các khóa học nghề… Con số này góp phần không nhỏ vào sự thiếu hụt của thị trường LĐ hiện nay cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và sau này.

Ông Ngô Xuân Liễu lý giải, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nền kinh tế số phát triển, một số lĩnh vực thu nhập cao hơn đã tạo sức hút đối với NLĐ, đặc biệt là giới trẻ thích “việc nhẹ, lương cao” nhưng lại là thách thức đối với nền kinh tế.

“Nhìn chung, việc làm ở khu vực phi chính thức là không ổn định. Có thể một, hai tháng thu nhập cao hơn so với khu vực chính thức. Tuy nhiên, nhìn tổng thể một thời gian dài thì thu nhập bình quân ở khu vực này vẫn là thấp. Điều đó nói lên, việc làm ở khu vực phi chính thức rất là bấp bênh. Bên cạnh đó, là vấn đề an sinh xã hội. Lưới an sinh xã hội của chúng ta mới chủ yếu bao phủ ở khu vực lao động chính thức. Còn đối với LĐ khu vực phi chính thức, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho NLĐ, dẫn đến số lượng người tham gia đóng các chế độ bảo hiểm thấp xuống và tạo ra gánh nặng cho Nhà nước”, ông Liễu cảnh báo.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện thị trường LĐ có nhiều thay đổi, thị trường nước ngoài sẽ thận trọng hơn với những đơn hàng dài hạn, dễ gặp rủi ro mà thay vào đó là những đơn hàng ngắn hạn. Điều này dẫn đến quy mô, số lượng đơn hàng cho các DN trong nước tăng lên nhưng lại bị ép thời gian hoàn thành ngắn lại. Đây chính là những khó khăn, thách thức của DN. Việc tuyển dụng LĐ là cả một quá trình chứ không phải đưa thông tin tuyển dụng ra là có ngay được.

Chính vì vậy, theo ông Ngô Xuân Liễu, các DN cần có chiến lược tuyển dụng gắn với chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình. Các DN cần có sự gắn kết với nhau, với các định chế trung gian trong thị trường lao động như hệ thống dịch vụ việc làm công, hệ thống các DN dịch vụ việc làm để nếu cần chuẩn bị nhân lực khi có đơn hàng gấp ngay thì có thể thông báo trên hệ thống để đáp ứng ngay được các yêu cầu của DN. “Đôi khi những thông tin về chiến lược sản xuất, kinh doanh, các DN không chia sẻ hết với các Trung tâm dịch vụ việc làm hay các DN dịch vụ việc làm, dẫn tới khi cần tuyển dụng mới tìm đến thì rất khó đáp ứng kịp thời”, ông Liễu nói.

Khi tuyển được NLĐ rồi, việc giữ chân họ cũng rất khó và cần chiến lược bài bản. Vấn đề này, theo ông Liễu, cần sự chung tay của chính quyền địa phương. Theo đó, ngoài các chính sách thu hút đầu tư lớn, địa phương lại phải có chính sách thu hút lao động, đặc biệt là bảo đảm, hỗ trợ cho người lao động an tâm làm việc như chính sách an sinh, điều kiện nhà ở, điều kiện ăn học cho bản thân cũng như con em của họ và tiếp cận các dịch vụ xã hội khác.

Báo cáo mới nhất do S&P Global (một tổ chức nghiên cứu rủi ro tín dụng toàn cầu) được công bố vào ngày 2/5 cho thấy, chỉ số tài chính đo lường hoạt động của nền kinh tế sản xuất (PMI) của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm với số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, việc giảm số lượng nhân viên khiến các DN khó hoàn thành kịp tiến độ các đơn hàng.