Nhu cầu cải tiến công tác thông tin đối ngoại

Trong bối cảnh mới, vị thế của đất nước đã thay đổi, công tác thông tin đối ngoại cũng đặt ra vấn đề cần đổi mới cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn việc thông tin, tuyên truyền.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam có nhiều chính sách nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội của các cộng đồng dân cư.
Việt Nam có nhiều chính sách nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội của các cộng đồng dân cư.

“Thực tế phong phú là chất liệu vô tận”

Truyền thông về quyền con người là một trong những nội dung quan trọng của công tác thông tin đối ngoại (TTĐN). Tại Hội nghị Tập huấn công tác TTĐN về quyền con người do Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo về nhân quyền tổ chức tại Hòa Bình ngày 7/12, các đại biểu đã ghi nhận thực tế phong phú và thành tựu to lớn của đất nước ta trong việc bảo đảm, thực thi và phát huy các quyền con người, đó chính là chất liệu vô tận cho báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, việc còn thiếu cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện tác nghiệp cho các phóng viên được tiếp cận tình hình thực tế để chuyển tải và sản xuất sản phẩm báo chí một cách chính xác, sinh động, kịp thời hơn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an đánh giá, công tác TTĐN lẫn thông tin đối nội về quyền con người còn hạn chế, khiến bạn bè quốc tế chưa có được cái nhìn đúng đắn về tình hình trong nước, gây bất lợi cho Việt Nam.

Lực lượng báo chí được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt làm TTĐN, đã góp phần phản ánh nhiều thành tựu đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, nhiều thông tin tích cực trong nước còn chưa vươn được ra đến toàn cầu, chưa lan tỏa, chưa tập trung trọng tâm vào các đối tượng cần thiết. Ngoài ra yêu cầu đưa nội dung chính thống về Việt Nam, đấu tranh, phản bác trên các nền tảng như TikTok, Facebook… cũng đang đặt thêm những thách thức mới cho các cơ quan báo chí hiện nay.

Giải pháp nâng cao hiệu quả TTĐN

Ngày 15/6 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới với các điểm mới như khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác TTĐN là một công tác quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, thành tựu về thực hiện quyền con người của Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, từ quyền của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người thi hành án… Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp, tổ chức kinh phí, thực hiện nghiêm trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Còn tại địa phương, theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, bên cạnh một số thành tựu thông tin tuyên truyền về những kết quả đạt được, công tác TTĐN vẫn đối mặt nhiều rào cản, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, các trang thông tin điện tử không chính thống ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền. Cùng với đó với đặc điểm địa hình miền núi có đường biên giới dài, tuyên truyền ở các địa bàn miền núi, đồng bào khó khăn còn hạn chế do lực lượng tuyên truyền viên ít được tiếp cận về nội dung cũng như chưa được tập huấn về công tác tuyên truyền về quyền con người.

Đại diện UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, nhận thức của người dân và cán bộ trong công tác thông tin đối ngoại còn nhiều hạn chế, do đó hội nghị là điều kiện để học hỏi giao lưu, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và những người làm công tác nhân quyền.

Để tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác TTĐN, theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng TTĐN cho biết, các hội nghị tập huấn trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong lĩnh vực truyền thông về quyền con người đã được tổ chức trong năm vừa qua. Mô hình của Bộ TTTT cung cấp thông tin cho báo chí đang thực hiện tốt và triển khai nhân rộng thông qua hội nghị mẫu cho các địa phương tập huấn thực hiện.

Ngoài ra, một số địa phương trên cả nước như Hà Giang, Cao Bằng… đã tổ chức các lễ hội lớn, trong đó tuyên truyền, quảng bá những hoạt động, truyền thống văn hóa của địa phương, là cách làm hay, mô hình tốt để tăng cường chất lượng và hiệu quả TTĐN.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục TTĐN đã giới thiệu Sổ tay phóng viên về quyền con người. Trong đó giới thiệu một số nội dung cơ bản về quyền con người và quan điểm, chính sách của Việt Nam cũng như các cơ sở pháp lý về quyền tự do báo chí ở Việt Nam.