Nhiều chuyên án giải mật sẽ tạo cơ hội cho nhà văn

Đề tài về Công an nhân dân đang được sự quan tâm của các tác giả trong và ngoài lực lượng. Mỗi cuộc thi sáng tác, trại sáng tác đều thu được những trái ngọt. Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Truyền thông Công an Nhân dân, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Công an Nhân dân, chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà văn tham dự Trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Các nhà văn tham dự Trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Nhiều chuyên án giải mật sẽ tạo cơ hội cho nhà văn ảnh 1

Phóng viên (PV): Trại sáng tác văn học vừa kết thúc, trong khuôn khổ Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V. Mức độ thành công thế nào, thưa ông?

Đại tá Trần Cao Kiều: Từ năm 1999 đến nay, trong khuôn khổ cuộc thi, chúng tôi đã tổ chức hơn 10 trại, góp phần phát hiện những tác giả có tác phẩm chất lượng tốt để in thành sách, trao giải và sau này họ đã trở thành những nhà văn có đóng góp cho văn đàn, như Bùi Anh Tấn, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Như Phong, Chu Thanh Hương, Đào Trung Hiếu, Đức Anh… Ở trại sáng tác vừa được tổ chức tại Quảng Ninh, theo tôi là rất thành công. Thành phần nhà văn tham gia đa dạng nhất từ trước đến nay và có một thế hệ tác giả trẻ tham gia lần đầu. Họ sẽ là những người có cách viết mới, khác lạ về lực lượng Công an nhân dân. Ngoài ra, lần này cũng xuất hiện một số đề tài mới như tội phạm sử dụng công nghệ cao, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, công an xã. Đó là những vấn đề trước đây văn học ít quan tâm đến.

PV: Qua nhiều lần tổ chức, theo ông, cần có kinh nghiệm gì để trại sáng tác thành công?

Đại tá Trần Cao Kiều: Để thành công, trước hết đó là sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Hội Nhà văn Việt Nam. Thứ hai, đơn vị thường trực làm nhiệm vụ tổ chức phải chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong quá trình tham dự trại. Thứ ba, phải chọn lựa đúng nhà văn, tác giả có khả năng, có sự quan tâm đến đề tài theo quy định, hoặc đã đăng ký đề tài phù hợp. Thứ tư, trong quá trình diễn ra trại sáng tác, đơn vị thường trực phải phối hợp chặt chẽ với địa phương như Công an tỉnh, Hội văn học nghệ thuật tỉnh…, đưa nhà văn đi thực tế, gặp gỡ người thật việc thật; tổ chức các buổi tọa đàm, qua đó các nhà văn được chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong trại sáng tác, tạo động lực cho quá trình hoàn thiện tác phẩm tốt hơn.

PV: Đó có phải là một cách “tạo nguồn”, để thu hút cộng tác viên, có tác phẩm tốt về đề tài Công an nhân dân?

Đại tá Trần Cao Kiều: Mỗi cuộc thi thành công đều mong đông đảo người hưởng ứng, gửi tác phẩm dự thi. Nói trại sáng tác là để “tạo nguồn” cũng không sai. Vì mỗi trại sáng tác, mỗi cuộc thi, chúng tôi đều mong nhận được những tác phẩm có chất lượng để xuất bản, quảng bá rộng rãi, trao giải. Thông qua những tác phẩm đó công chúng hiểu hơn về sự gian nan, sự hy sinh, lòng dũng cảm, mưu trí của lực lượng Công an trong công cuộc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc. Rất nhiều tác phẩm của các nhà văn đã được chuyển thể thành phim, được công chúng quan tâm.

PV: Theo ông, khi sáng tác về đề tài công an nhân dân, nhà văn còn gặp khó khăn gì?

Đại tá Trần Cao Kiều: Thực tế cho thấy, nhà văn trong lực lượng Công an nhân dân, có hiểu biết về nghiệp vụ thì viết sát thực tế về Công an hơn. Còn các nhà văn ngoài lực lượng, dù sao, khi viết về lực lượng Công an nhân dân lại thiếu nghiệp vụ, chưa nêu bật ra cái chất của công an. Cũng phải nói thêm, tác giả ngoài ngành rất khó tiếp cận hồ sơ, các chuyên án lớn. Có rất nhiều chuyên án hay nhưng nhà văn ngoài lực lượng công an không tiếp cận được nhưng lại muốn viết, nên còn những rào cản nhất định. Năm ngoái, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có trại sáng tác và cuộc thi viết về lực lượng cảnh vệ, cũng đã mở ra rất nhiều nút thắt khi nhà văn ngoài công an được tìm hiểu về lực lượng cảnh vệ và cuộc thi đã nhận được khá nhiều tác phẩm giá trị cao.

PV: Như thế, cũng cần sự phối hợp giúp các tác giả, nhà văn ngoài lực lượng tiếp cận thông tin để tác phẩm trở nên sinh động hơn?

Đại tá Trần Cao Kiều: Đợt này Bộ Công an sẽ nghiên cứu và tạo điều kiện để các nhà văn, tác giả có thể thuận tiện tiếp cận hồ sơ vụ án đã giải mật, những nhân vật trực tiếp tham gia các chuyên án, những mảnh đời, chuyện nghề của cán bộ chiến sĩ công an… làm chất liệu sáng tác; với mong muốn các tác phẩm tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, giúp người dân hiểu Công an hơn, yêu Công an hơn. Quả thật, với các chuyên án lớn, nếu chỉ đọc báo, xem qua báo cáo tóm tắt thì vẫn khó hình dung ra nhiều vấn đề trong mỗi chuyên án. Nếu nhiều chuyên án được giải mật sẽ tạo cơ hội để nhà văn có thể có sáng tác một cách sinh động hơn về lực lượng Công an nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!