Đổi đời nhờ sâm quý
Đến nay, hai tỉnh đã làm tốt công tác bảo tồn, có thể khẳng định sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Hơn thế, mỗi năm, hàng chục triệu cây giống được bảo vệ nguồn gien thuần chủng, không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loại sâm hay dược liệu khác và cung cấp cho người dân nhằm mở rộng diện tích trồng sâm trên địa bàn Quảng Nam và Kon Tum.
Người trồng sâm được phép giao khoán, bảo vệ khu vực rừng nguyên sinh để trồng sâm; chỉ phát dọn dây leo, bụi quá rậm làm ảnh hưởng đến cây chứ không được tác động đến cây gỗ, cây tái sinh. Nói về cây sâm trong vườn của mình, anh Hồ Văn Thật, thôn 2 (Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam), cho biết: “Trồng sâm cũng khó, nhưng mình làm hoài thì thành quen nên thấy bình thường. Khó thì cũng khó do dịch bệnh, sương muối, rụng lá, sâu bệnh, chuột ăn nữa”.
Nam Trà My trước đây là huyện nghèo, như xã Trà Linh luôn nhận trợ cấp, nay đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhiều xã trong vùng sâm ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cũng nằm trong đáp số như vậy, có nhà kiên cố, khang trang. Đặc biệt, nhiều mô hình như: Đảng viên giúp nhau trồng sâm thoát nghèo, tổ hợp tác trồng sâm, thanh niên cùng nhau làm giàu từ sâm Ngọc Linh. Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho biết: “Thanh niên tại các chi đoàn thôn đi làm công với nhau để tránh tình trạng hộ gia đình thì đói nghèo, thanh niên thì không có việc làm”. Ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (Tu Mơ Rông, Kon Tum), cho hay: “Theo mình, chắc chắn bà con sẽ có nhiều hộ khá và giàu lên... Tại vì cây sâm thì chúng ta đã biết rồi, theo giá thị trường, nếu mỗi củ được một lạng thì sẽ được 11-12 triệu đồng rồi”.
Để sâm bước ra thế giới
Nhiều mô hình giúp nhau thoát nghèo từ cây sâm Ngọc Linh đã được lan tỏa mạnh mẽ trong đồng bào Xơ Đăng ở đỉnh núi Ngọc Linh. Người dân nơi đây đã áp dụng phương thức “lấy ngắn nuôi dài” khi phát triển đa dạng cây dược liệu bản địa dưới tán rừng như: trồng sâm ba kích tím, sa nhân tím… Nổi bật nhất trong đó có thể kể đến mô hình trồng đẳng sâm để “nuôi” sâm Ngọc Linh. Nói về những chuyển biến đi lên đáng được ghi nhận này, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Đây là một chương trình lớn của Chính phủ. Hy vọng chương trình này sẽ là một khởi đầu rất tốt đẹp cho phát triển ngành sâm của Việt Nam vươn ra tầm thế giới”.
Hiện, đã có nhiều sản phẩm được chiết xuất từ sâm Ngọc Linh, như nước giải khát, trà, thực phẩm chức năng và dược phẩm. Đây là những sản phẩm rất tốt cho sức khỏe và có giá thành hợp lý để đa phần người tiêu dùng có thể sử dụng. Nhưng hiện có quá ít doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu, chế biến nhiều hơn những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Do đó, cần phải đẩy nhanh việc xây dựng Đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu. Ông Trần Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum, cho biết: “Chúng tôi khẳng định là trong thời gian tới sẽ đáp ứng được nhu cầu về sản xuất hàng hóa, để sâm của chúng ta có thể đủ cho người tiêu dùng và có thể đưa ra xuất khẩu. Mục tiêu của chúng ta là phải để thế giới cũng biết đến sâm Ngọc Linh”. “Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, đặc biệt là công ty Sâm Ngọc Linh với người dân, tôi cho rằng đây là cách làm rất hiệu quả, sát thực... Người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi từ mô hình này”, ông Nguyễn Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) nhận định.
Định hướng đúng đắn của Chính phủ, của tỉnh Kon Tum, của tỉnh Quảng Nam về sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc bảo tồn và trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đã hình thành được một giải pháp hết sức quý báu, giúp bà con làm giàu trên núi, trong khi vẫn giữ được rừng. Điều này càng ý nghĩa khi có những địa phương nghèo như Tu Mơ Rông, Nam Trà My, những huyện khó khăn nhất nhì của tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Nam và cả nước nói chung, nơi có 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng là doanh nghiệp nhưng lại có mối lo khác, ông Nguyễn Đức Ảnh, Giám đốc Công ty CP sâm Việt Linh, Quảng Nam, phàn nàn:“Hồ sơ pháp lý, giấy tờ thủ tục thì các cơ quan chức năng hết sức ủng hộ. Chỉ có đường sá đi lại, bưng vác, làm nên mô hình theo kiểu mẫu, theo yêu cầu về quy trình của nhà nước đối với doanh nghiệp trồng sâm thì phải trải qua thời gian rất lâu mới tạo nên được cây sâm để đưa ra thị trường”.