Theo đó, chương trình “Lịch sử, Kiến trúc và Nghệ thuật truyền thống” gồm hai phần: Tham quan nhà hát, với các nội dung như tìm hiểu lịch sử quá trình xây dựng nhà hát, kiểu kiến trúc của nhà hát, tham quan ảo Nhà hát Lớn, xem các bản thiết kế gốc vẽ bằng tay của các kiến trúc sư người Pháp, tiếp đón tại phòng Gương với trà nước, tìm hiểu dấu vết đạn bắn vào tháng 12-1946, các sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Quảng trường Cách mạng Tháng Tám từ hồi đầu thế kỷ 20 tới nay. Tầng ba giới thiệu các không gian như các vật liệu xây dựng và trang trí nhà hát từ hồi đầu thế kỷ 20, không gian giới thiệu quá trình trùng tu nhà hát năm 1995, không gian trưng bày các tư liệu, ảnh cổ chụp nhà hát và các sự kiện diễn ra bên trong và bên ngoài Nhà hát Lớn.
Du khách sẽ thưởng thức chương trình nghệ thuật “Hồn Việt”, với các tiết mục như “Việt Nam quê hương tôi”, độc tấu đàn bầu, xem trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, hòa tấu sáo “Tình trăng, tình núi”, hát chầu văn “Cô bé Đông Cuông”,…
Dù nhiều lần tới Nhà hát Lớn để thưởng thức nghệ thuật nhưng với ông Nguyễn Minh Vũ (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), đây là lần đầu được tìm hiểu kỹ càng về những giá trị của di sản này. Ông đồng tình với chủ trương tổ chức các chương trình tham quan dành cho du khách, tuy nhiên, cần linh hoạt trong việc tổ chức các chương trình trải nghiệm, thay vì cố định một sản phẩm để chào bán cho du khách.
Ông Nguyễn Trung Quân, Trưởng phòng Sản phẩm, Công ty du lịch AVI tour cho rằng, không ít du khách Việt Nam và nước ngoài mong muốn được một lần được đặt chân tới Nhà hát Lớn, thưởng thức nghệ thuật và tìm hiểu về công trình này. Đó cũng là điểm nhấn để tạo ra nhiều sản phẩm mới cho du lịch Hà Nội, bên cạnh những sản phẩm múa rối, ca trù vẫn biểu diễn lâu nay.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn cho rằng, nhu cầu vào tham quan có từ rất lâu rồi nhưng đây mới là bước đầu thử nghiệm. Từ nay đến hết tháng 12-2017, Nhà hát Lớn chỉ duy trì một sản phẩm duy nhất. Sau khi đánh giá tính khả thi của sản phẩm, đến năm 2018 sẽ chia ra nhiều gói nhỏ hơn như tour tham quan nhà hát, tour thưởng thức nghệ thuật, tour kết hợp.
Tuy nhiên, dù đã tổ chức nhiều chương trình khảo sát, lần ra mắt này, sản phẩm đón khách du lịch đến Nhà hát Lớn vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp lữ hành. Theo ông Đào Trọng Đức (Công ty Vidotour), khung thời gian chưa hợp lý, vì du khách sẽ có ít khoảng trống thời gian vào buổi sáng. Trong khi để thiết kế một chương trình du lịch trong thành phố thì sẽ lỡ nhiều hoạt động khác. Bên cạnh đó, mức giá 400.000 đồng cho một sản phẩm tour này cũng nên cân nhắc, bởi so với nhiều lựa chọn tại Hà Nội, thì mức giá này có phần cao hơn, nếu quảng bá không tốt có thể không hấp dẫn du khách.