KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2023)

Người vẽ bản đồ tác chiến Xuân Lộc 1975

Người vẽ bản đồ tác chiến tấn công vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường cho bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định năm 1975 chính là bác sĩ, cựu chiến binh Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát trẻ Sư đoàn 341 - Sông Lam. Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ông trải lòng về những ký ức một thời.
0:00 / 0:00
0:00
Người vẽ bản đồ tác chiến Xuân Lộc 1975

Phóng viên (PV): Xin ông chia sẻ kỷ niệm về những năm tháng chiến tranh không thể nào quên?

Bác sĩ Đàm Duy Thiên: Tôi vào quân đội cuối năm 1972 khi chưa học xong THPT, tôi được bổ sung vào E266 F341 (Gọi tắt là Sư đoàn Sông Lam vì sư đoàn được thành lập trên quê Bác). Sau đó, tôi được chọn làm chiến sĩ đồ bản vì có năng khiếu hội họa. Đầu năm 1974, tôi cùng đồng đội tập trung cao độ cho huấn luyện sẵn sàng vào miền nam chiến đấu. Đầu năm 1975, chúng tôi hành quân vào mặt trận B2 (Đông Nam Bộ), trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình Quân đoàn 4 trên cánh quân phía đông tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định bấy giờ.

Sau những thất bại liên tiếp trên các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và miền Đông Nam Bộ, địch tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng quyết phải giữ”, là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn. Thị xã Xuân Lộc là nơi được tổ chức phòng ngự, phòng thủ trọng yếu của địch, án ngữ Quốc lộ số 1 và đường 20 từ bắc vào nam… Muốn giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước mùa xuân, ta phải đập tan hệ thống tuyến phòng thủ cực kỳ kiên cố của địch là thị xã Xuân Lộc, từ đó mới có không gian rộng để triển khai lực lượng từ miền bắc vào đánh.

PV: Được biết, ông đã vẽ hoàn chỉnh tấm bản đồ, góp phần để quân ta đập tan phòng tuyến của địch?

Bác sĩ Đàm Duy Thiên: Mọi trận đánh đều phải xây dựng được bản đồ quyết tâm chiến đấu, đó là văn bản pháp lý và nguyên tắc không thể thiếu; là do người chỉ huy quyết định, được cấp ủy thông qua.

Để có cơ sở chỉ huy, có quyết tâm chính xác, phải có cơ quan tham mưu, tác chiến giúp việc bằng cách nhận định, phân tích đánh giá địch - ta. Kể cả không gian chiến trường (địa hình). Từ đó, đề xuất phương án tác chiến chính xác, được thể hiện trên bản đồ đúng ý định, đây là khâu quan trọng quyết định kết quả chiến đấu. Quá trình chiến đấu phải ghi chép tái hiện đầy đủ diễn biến, cách đánh trung thực được thể hiện trên bản đồ. Để có tấm bản đồ vẽ đúng, đủ, kịp thời chính xác theo ý định của người chỉ huy, người vẽ bản đồ phải nhanh nhạy, thông thạo trong thao tác, chính xác từng chi tiết và luôn giữ bí mật…

Người vẽ bản đồ tác chiến Xuân Lộc 1975 ảnh 1

Bản đồ tác chiến cho trận đánh Xuân Lộc năm 1975.

PV: Rời cuộc chiến, lý do nào ông “bén duyên” với ngành y?

Bác sĩ Đàm Duy Thiên: Lúc bé tôi hay ốm đau phải thường xuyên nghỉ học để điều trị bệnh nhưng bù lại tôi khéo tay, đam mê viết vẽ hội họa (tự học). Trong chiến dịch Xuân Lộc, tôi được tận mắt chứng kiến đồng đội mình bị thương ngoài mặt trận, tôi vô cùng xót xa. Số lượng thương vong rất nhiều. Nhiều người tuy đã được sơ cứu nhưng vẫn không qua khỏi. Tất cả điều đó đã để lại cho tôi nỗi niềm trăn trở, day dứt. Tôi tiếc rằng mình không phải là bác sĩ để có thể tham gia cứu chữa cho đồng đội. Từ những ngày tháng đó tôi đã khát khao được vào ngành y.

Sau khi giải phóng miền nam, tôi cùng đồng đội của mình tham gia công tác quân quản. Nhớ lại hồi ấy dịch sốt xuất huyết rất nhiều, tôi bị sốt cao nhưng từ Trường Sơn trở về thành phố cứ nghĩ mình bị sốt rét nên chỉ uống thuốc sốt rét. Lúc đó, ở chiến trường ai cũng được nhận thuốc sốt rét, tôi càng uống bệnh càng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Thầm nghĩ, nếu mình là bác sĩ thì không thể nào mắc sai lầm như thế được. Và rồi quyết tâm theo ngành y của tôi đã thành hiện thực.

Sau khi giải phóng miền nam, tôi được cấp trên gửi ra trường văn hóa quân đội, đóng tại Lạng Sơn để học văn hóa và thi đỗ Học viện Quân y, ra trường được giữ lại làm bác sĩ điều trị kiêm giảng viên thực hành. Tôi phấn đấu học tập và làm việc dần lên bác sĩ chuyên khoa cấp I, Thạc sĩ, Tiến sĩ Y học. Sau đó tôi được điều chuyển về Ban Bảo vệ sức khỏe T.Ư, một thời gian sau thì tôi tiếp tục được điều chuyển về Ban Tổ chức Cán bộ T.Ư Đảng đến khi nghỉ hưu.

PV: Ở độ tuổi này, điều mà ông mong mỏi gửi gắm tới thế hệ trẻ là gì?

Bác sĩ Đàm Duy Thiên: Tôi đặt một niềm hy vọng thế hệ trẻ ngày nay sẽ sống có lý tưởng, tự tin và hoài bão, mang trong mình tinh thần xung kích tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trên các mặt trận khoa học, kỹ thuật, công nghệ… Đồng thời các bạn hãy luôn biết ơn, trân trọng những công lao to lớn mà thế hệ cha ông đã tốn biết bao trí tuệ, sức lực, xương máu để đất nước có được ngày hôm nay.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ - chiến sĩ Đàm Duy Thiên!