1/ “Cụ là người có công lớn lắm, nhưng không bao giờ kể công, thậm chí giấu công của mình đi”, đó là tâm sự của NSƯT Văn Chính, nhạc công Nhà hát Chèo quân đội về người thầy của mình - NSƯT Đỗ Tùng, người nghệ sĩ, chiến sĩ lão thành, đã góp nhiều công sức cho sự phát triển nghệ thuật chèo của dân tộc.
Sinh năm 1930, quê ở làng Phú Nhi, Sơn Tây (Hà Nội), NSƯT Đỗ Tùng là con của một cô đầu ca trù với một nghệ nhân chèo. Từ cái gốc ấy mà ông diễn trong gánh chèo từ khi lên 5 cho đến năm 17 tuổi. Tám tuổi, vì cha mất sớm, ông được mẹ gửi vào chùa và cũng từ ấy đắm chìm trong nghệ thuật chèo dân gian và cả âm nhạc nghi lễ Phật giáo. Vừa nắm vững nhiều làn điệu và lối diễn xuất của chèo cổ, vừa thành thạo những kỹ thuật sử dụng trống phách trong nghi lễ tôn giáo cũng như biểu diễn, quãng thời gian đó đã gây dựng cho Đỗ Tùng một vốn nghệ thuật cổ phong phú, xác định vị trí “nghệ nhân” của ông - một người hoạt động nghệ thuật dân gian trước khi các đoàn nghệ thuật của Nhà nước được thành lập.
Năm 1946 khi 16 tuổi, ông được tiếp xúc với các cán bộ quân đội của cách mạng hoạt động bí mật tại chùa. Năm 1947, ông nhập ngũ tại Tiểu đoàn 108, Trung đoàn 148 và tham gia vào Đội Tuyên văn của trung đoàn. Thời điểm đó, các đoàn văn công mới hình thành lẻ tẻ ở các đơn vị. Đội chèo thuộc Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, nơi quy tụ các nghệ nhân chèo tên tuổi đến tháng 11/1951 mới được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Như vậy, dù còn trẻ nhưng có thể coi Đỗ Tùng là nghệ nhân chèo đầu tiên tham gia cách mạng trực tiếp và phục vụ trong quân ngũ.
2/Năm 1952 tại Nàn Ma, Xín Mần, Hà Giang khi phục vụ đồng bào chiến sĩ, Đội Tuyên văn Trung đoàn 148 gồm 12 người bị thổ phỉ vùng biên giới phục kích và giết hại. Đỗ Tùng là chiến sĩ duy nhất sống sót và trực tiếp chôn cất cho 11 đồng đội của mình. Khu di tích Nàn Ma hiện đã trở thành Di tích lịch sử của tỉnh. Năm 1966, Đỗ Tùng về công tác tại Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần và dành nhiều tâm sức xây dựng Tổ chèo. Ông đã đứng ra xin tỉnh đội Hưng Yên 10 cán bộ trẻ, do ông trực tiếp tuyển lựa và góp phần đào tạo, sau này trở thành thế hệ nòng cốt của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo quân đội). Trong đó phải kể đến các nghệ sĩ gạo cội như Xuân Theo, Xuân Dinh, Ngọc Viễn, Thanh Hải, Đào Lê, Thế Phiệt, Bảo Quý…, những người đã góp phần thể hiện xuất sắc bộ ba tác phẩm chèo “Bài ca giữ nước” của NSND Tào Mạt. Đỗ Tùng còn có đóng góp quan trọng vào bộ ba tác phẩm trong việc hiện thực các ý đồ nghệ thuật của NSND Tào Mạt và phát triển, lồng ghép nghệ thuật chèo cổ một cách khéo léo trong các vở diễn. Như nhận xét của NSƯT Bảo Quý, diễn viên thế hệ đầu của Nhà hát Chèo quân đội, người đóng vai Thái úy Lý Thường Kiệt trong pho chèo “Bài ca giữ nước”, thì thầy Tùng có biệt tài phát triển vốn cổ rất giỏi và nhiều NSƯT, NSND sau này đều được “nhờ vốn” của thầy mà phấn đấu, thành công. Với pho chèo “Bài ca giữ nước”, không chỉ riêng ở mảng âm nhạc, mà ông còn là người hoàn thiện các ý tưởng về giai điệu, cấu trúc làn điệu và ca từ của NSND Tào Mạt, uốn nắn cách hát và lối diễn xuất cho từng diễn viên. Nghệ sĩ Bảo Quý nhấn mạnh: Bộ “Bài ca giữ nước” là những vở chèo rất đặc biệt, trong đó tuyệt nhiên không có một giai điệu nào là hoàn toàn của chèo cổ, rất mới, rất lạ và chính nhờ Đỗ Tùng thì những cái mới lạ đó mềm mại và đi trực tiếp vào lòng người.
Theo NSƯT Bảo Quý, rất nhiều vở chèo, trích đoạn, ca cảnh mà thầy Đỗ Tùng trực tiếp tham gia, giờ không còn tư liệu, nhưng dấu ấn và nghệ thuật của thầy ở các mảng đạo diễn, diễn viên, hát, nhạc công là xuất sắc, giúp hình thành phong cách cho Nhà hát Chèo quân đội và có ảnh hưởng đến các thế hệ sau này.
Sau khi nghỉ hưu, NSƯT Đỗ Tùng được Nhà hát Chèo Việt Nam mời về truyền dạy để làm phong phú thêm nghệ thuật chèo cổ. Các nghệ sĩ thế hệ sau được ông chỉ dạy rất nhiều về nghệ thuật hát trong các vở chèo cổ như “Trương Chi”, “Thị Kính”. Ông cũng truyền dạy các tác phẩm như “Hát Ống”, “Xẩm Thập ân”..., sau này đều trở thành các tác phẩm quan trọng trong kịch mục biểu diễn của nhà hát. NSND Thanh Hoài, diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Chèo Việt Nam nhớ lại, đặc biệt ông có nhiều ngón trống rất hay và độc đáo, khiến các nhạc công của nhà hát phải tâm phục khẩu phục. NSND Thanh Hoài bộc bạch: “Bản thân tôi khi đã là một nghệ sĩ có nghề rồi, nhưng khi học cụ, từng câu từng chữ mình cũng thấy được vỡ vạc, những luyến láy của cụ rất tinh tế và đặc biệt mang tính cổ truyền. Lối hát của cụ là đặc trưng của chiếng chèo Đoài với nhiều lối xử lý rất riêng mà để học hết thì không hề dễ dàng”.
3/Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đỗ Tùng với vai trò Đoàn phó của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, đã trực tiếp tham gia chiến đấu và biểu diễn phục vụ bộ đội trên khắp các mặt trận. Bên cạnh vai trò lãnh đạo và nhạc công, ông còn là diễn viên và soạn giả xuất sắc. Đặc biệt năm 1967, để hưởng ứng chiến công các cụ già dân quân huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa bắn rơi máy bay Mỹ, Đỗ Tùng đã sáng tác ca cảnh “Lão dân quân anh hùng” dựa trên các làn điệu hát sắp, bắt đò của chèo cổ và trực tiếp thể hiện tác phẩm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là tiết mục rất nổi tiếng, thường xuyên được yêu cầu trên làn sóng phát thanh nhiều chục năm về sau.
Năm 1990 ông nghỉ hưu, tham gia giảng dạy về nghệ thuật Chèo cổ, tham gia tập huấn, nâng cao cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp thuộc Nhà hát Chèo quân đội và Nhà hát Chèo Việt Nam. Ông đặc biệt được đánh giá cao về nghệ thuật đánh trống chèo và bộ gõ, có công rất lớn trong việc hoàn thiện và phát triển nghệ thuật trống trở thành một loại hình nhạc cụ có thể độc tấu. Ông cũng lưu giữ và sáng tạo nhiều kỹ thuật về trống. NSƯT Văn Chính, nhạc công Nhà hát Chèo quân đội chia sẻ: Là học trò trực tiếp của cụ, tôi cũng chỉ lĩnh hội được phần nào. Cụ cả đời cống hiến cho Nhà hát Chèo quân đội và Nhà hát Chèo Việt Nam với một tinh thần nghệ thuật rất khắt khe, chỉ truyền nghề cho những học trò tâm huyết, nhưng đã dạy là dạy hết mình, hết gan ruột. Tinh hoa của cụ là ở bộ gõ, đặc biệt là mảng trống chùa, cụ chơi trống mà gân trống mạnh đến nỗi tôi cảm tưởng như… thủng được trống và trong “Bài ca giữ nước”, rất nhiều chỗ âm nhạc phải viết theo tiếng trống của Đỗ Tùng, vì chính tiếng trống ấy đã tạo nên linh hồn cho nhân vật, thúc đẩy tiết tấu nhịp điệu cho cả vở diễn. Và quan trọng là tất cả con người và nghệ thuật ấy, bên cạnh tính dân gian, còn là sự trung thành và mẫu mực của một người lính.
Với vốn nghệ thuật trong cả cuộc đời của mình, NSƯT Đỗ Tùng được coi là đại diện cuối cùng của thế hệ nghệ nhân chiếng chèo Đoài, góp phần làm phong phú thêm cho nghệ thuật chèo của dân tộc. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, ông cũng thu thanh và góp phần dàn dựng rất nhiều tác phẩm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những tư liệu âm thanh của ông được coi như những giáo khoa về nghệ thuật chèo cổ, được nhiều thế hệ tiếp nối nghiên cứu và học hỏi. NSND Văn Mởn, nguyên nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình kể: Tôi từng sát cánh với NSƯT Đỗ Tùng trong vở múa đương đại nổi tiếng “Hạn hán và Cơn mưa” của đạo diễn EaSola Thủy, một vở diễn đặc sắc trên sân khấu đương đại phương Tây từ năm 1994 đến đầu thập niên 2000. Tác phẩm đã khai thác hiệu quả âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là bộ gõ truyền thống qua sự thể hiện của Đỗ Tùng. Trong vở diễn, bác Tùng diễn và hát thật hay với một gân trống cự phách. Hiếm có một nghệ sĩ lớn tuổi nào lại có sự tận tụy, xả thân về nghề như thế, bên cạnh một đạo đức nghệ thuật đáng trân trọng. Đời người nghệ sĩ như thế, theo tôi cũng là đi đến tận cùng của sự cống hiến.