Người hồi sinh những “mảnh đất chết”

Bà Heidi Kühn, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Roots of Peace, mới đây được vinh danh Giải thưởng Lương thực thế giới năm 2023 nhờ có đóng góp lớn đối với cộng đồng khi biến những mảnh đất đầy bom, mìn từ thời chiến tranh thành vườn cây trái trong suốt hơn 25 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Heidi Kühn góp phần tạo sinh kế từ những bãi bom, mìn. Ảnh: DES MOINES REGISTER
Bà Heidi Kühn góp phần tạo sinh kế từ những bãi bom, mìn. Ảnh: DES MOINES REGISTER

Bà Heidi Kühn, 65 tuổi, là người đã chiến thắng căn bệnh ung thư và là mẹ của bốn người con. Ban đầu, bà Kühn làm việc trong các vườn nho ở quê hương California (Mỹ). Sau chiến tranh Balkan những năm 1990, bà chuyển tới Croatia hợp tác với nhà sản xuất rượu vang người Mỹ gốc Croatia là Mike Grgich. Với sự hỗ trợ của ông Grgich, bà Kühn đã giúp tái lập những vườn nho cổ.

Trong một lần chia sẻ với báo Des Moines Register của Mỹ, bà Kühn cho biết, chính cố Công nương Diana của Anh (đứng đầu chiến dịch cấm mìn trên toàn thế giới) là người truyền cảm hứng cho bà thành lập tổ chức Roots of Peace năm 1997. Trước đó, bà Kühn từng công tác tại các cơ quan báo chí như Juneau, Alaska, ABC News và nhiều cơ quan báo chí khác. Sau khi Roots of Peace được thành lập, bà cùng tổ chức này biến những nơi từng là chiến trường ác liệt thành những mảnh đất trồng trọt. Roots of Peace còn trang bị cho nông dân mô hình canh tác hiện đại, từ trồng trọt và thu hoạch tới quảng bá sản phẩm thông qua việc xuất khẩu quốc tế.

Bên cạnh đó, bà Kühn cũng hỗ trợ tích cực cho các đối tác rà phá bom, mìn ở nhiều nước, trong đó có Afghanistan, Angola, Azerbaijan, Campuchia, Croatia, Israel, Iraq, các vùng lãnh thổ Palestine và Việt Nam; tạo điều kiện cho nông dân địa phương tiếp cận an toàn các kênh tưới tiêu và đất canh tác. Ở Afghanistan, Roots of Peace giúp nông dân trồng nho, lựu, táo, hạnh nhân, mơ và dưa nhằm giúp họ giảm sự phụ thuộc vào việc trồng cây anh túc, vốn được sử dụng để sản xuất thuốc phiện và các loại thuốc gây nghiện khác.

Việc trồng các loại cây ăn quả trên đã mang lại giá trị xuất khẩu ước tính 491 triệu USD kể từ năm 2010, hỗ trợ sinh kế và phục hồi kinh tế của Afghanistan. “Bạn phải tôn trọng nền văn hóa nơi bạn làm việc ngay cả khi các phong tục và luật pháp, chẳng hạn như việc cấm phụ nữ đi học của lực lượng Taliban, bị phản đối”, bà Kühn nói. Người phụ nữ mạnh mẽ này cũng tuyên bố: “Chúng tôi không phục vụ một lá cờ. Chúng tôi phục vụ người nông dân”.

“Tại các tỉnh của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh, bà Kühn đã hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổ chức nhóm Cố vấn bom, mìn của Anh (MAG) để làm sạch những mảnh đất bom, mìn và nhường chỗ cho khoảng 1,6 triệu cây hạt tiêu. Kể từ năm 2010, hơn 3.500 nông dân Việt Nam đã được hưởng lợi từ dự án của Roots of Peace, xuất khẩu hơn 50 tấn tiêu chất lượng cao sang thị trường ở Mỹ”, Quỹ Giải thưởng Lương thực thế giới cho biết.

Giải thưởng Lương thực thế giới được thành lập nhằm nâng cao đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng hành động để làm tăng bền vững chất lượng, số lượng lương thực. Đến nay, giải thưởng đã được trao cho 52 cá nhân đến từ 21 quốc gia và LHQ. Theo Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Lương thực thế giới Terry Branstad, những cống hiến của bà Kühn đã hỗ trợ cuộc sống của hơn một triệu người ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá trên khắp thế giới. Ông Terry Branstad cũng nêu rõ, tổ chức Roots of Peace là một hình mẫu mang đến cho thế giới cách thức vượt qua những mối đe dọa và thách thức sau chiến tranh.

Bà Kühn sẽ nhận giải thưởng tại một buổi lễ diễn ra bên lề Hội nghị chuyên đề quốc tế Norman E. Borlaug ở Iowa Capitol, dự kiến ​​diễn ra từ ngày 24 đến 26/10 tại thành phố Des Moines, bang Iowa (Mỹ). Gebisa Ejeta, người đoạt Giải thưởng Lương thực thế giới năm 2009, nhấn mạnh: “Công việc của bà Heidi Kühn cho thế giới thấy vai trò quan trọng của nông nghiệp trong quá trình phục hồi sau xung đột và khôi phục hòa bình”.