Ngóng biệt thự cũ hồi sinh tại Thủ đô Hà Nội

Hà Nội đang khảo sát, kiểm định, đánh giá để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc ở nội thành. Vấn đề đặt ra là những công trình này nên được cải tạo, bảo tồn như thế nào để các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc không bị biến dạng.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác bảo tồn biệt thự cũ đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực.
Công tác bảo tồn biệt thự cũ đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực.

1/ Theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành năm 2013, tất cả nhóm nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ, cải tạo…

Nguồn tài chính phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn loại công trình biệt thự Pháp không nằm trong quy định về đầu tư công hay đấu giá, đấu thầu mà chỉ là cơ chế chỉnh trang, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị công trình. Do đó, việc cải tạo, trùng tu các công trình cũ trong thời gian dài gặp nhiều khó khăn do vướng mắc cơ chế cũng như thiếu nguồn lực, khả năng thực hiện và các vấn đề khác liên quan văn hóa, kiến trúc… nên công tác bảo tồn chưa thật sự tốt.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về dự án trùng tu biệt thự tại số 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài. Đây là dự án được nghiên cứu từ năm 2016, do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp). Tháng 4/2022, dự án trên được triển khai, trùng tu theo đúng nguyên tắc và hồ sơ thiết kế thời Pháp. Đây được cho là dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án cải tạo biệt thự khác được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, với diện mạo hoàn toàn mới so nhiều năm qua nên hiện có khá nhiều đánh giá khác nhau.

2/ Nhằm đáp ứng mục tiêu Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành liên tiếp hai kế hoạch với nhiều nội dung cụ thể. Trong đó có Kế hoạch 115/KH-UBND về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố.

Trước mắt, trong 1.216 biệt thự sẽ ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do thành phố quản lý để bảo tồn, chỉnh trang. Mục đích nhằm xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành.

Theo kế hoạch, việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu Nhà nước do TP Hà Nội quản lý, thực hiện xong trước 30/9. Đối với 1.192 biệt thự còn lại sẽ khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan và chuyên gia, đưa ra đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của kết cấu và phải hoàn thành xong trước ngày 30/6/2024.

Liên quan việc kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự cũ và 8 công trình kiến trúc khác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng tiếp nhận và quản lý hồ sơ khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng toàn bộ các biệt thự trên địa bàn thành phố để khai thác, sử dụng, quản lý nhà nước về biệt thự. Bên cạnh đó, ông Tuấn giao Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ việc cung cấp thông tin biệt thự có giá trị lịch sử văn hóa, cách mạng, cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin chuyên ngành để thực hiện việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vấn đề bảo tồn biệt thự cũ đã được đặt ra từ lâu song do thiếu nguồn lực nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu, kế hoạch lần này, thành phố cần xây dựng cơ chế cho từng nhóm nhà biệt thự, có cơ chế đặc thù đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đang làm nhà ở công vụ, những biệt thự cho thuê hoặc đã bán, biệt thự đa thành phần sở hữu. Sau khi rà soát đánh giá hiện trạng, trong quá trình cải tạo, bảo tồn cũng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác sử dụng.