Ngô Quyền trở lại Đường Lâm

Ngay sau đại thắng Bạch Đằng, chủ tướng Ngô Quyền cùng với quan chủ bạ Đoàn Thành và các vị bô lão chọn ngày lành tháng tốt về Đường Lâm sửa soạn việc tế lễ ngôi miếu thờ đức Bố Cái Đại vương.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Bố Cái Đại vương Phùng Hưng vốn dòng dõi hào kiệt châu Đường Lâm, từng cùng với các tướng hưng binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường cách đó gần hai trăm năm. Trong hơn hai mươi năm nằm gai nếm mật, Phùng Hưng cùng các tướng chia binh làm năm đạo hợp vây thành Tống Bình khiến Đô hộ sứ Cao Chính Bình sợ hãi mang bệnh mà chết. Phùng Hưng theo sự suy tôn của muôn dân cùng các tướng lên ngôi quân trưởng, sắp đặt mọi việc trong cõi An Nam. Nhân dân Đường Lâm và cả nước sau này đều suy tôn đức vua là Bố Cái Đại vương, quanh năm thờ cúng hương hoa không dứt.

Miếu thờ Đức vua Phùng Hưng được dân chúng Đường Lâm xây dựng trang nghiêm trên một quả đồi lớn, phía trong là nhiều đình chùa có từ thời thượng cổ thờ đức Tản Viên Sơn thánh và các vị tiên hiền có công với nước. Ngày giỗ Đức vua Phùng Hưng vào mùng 8 tháng Giêng hằng năm, dân chúng nơi đây thường tổ chức rước lễ trong ba ngày. Cứ cách một năm, hội làng lại mở thêm sới vật để trai tráng các vùng thử sức đua tài. Truyền rằng, hội vật có từ thời châu mục Phùng Trí Cái, ông tổ bảy đời của Đức vua Phùng Hưng cho mở ra nhằm kén chọn tráng đinh vào việc đánh hổ giữ làng.

Nhận được thông tin từ trước, Ngô phu nhân cùng con trai Ngô Xương Văn đã sớm cho dọn ngôi nhà lớn chính giữa làng của Ngô gia. Sau buổi cùng các con xuống thành Đại La tế lễ phụ thân Dương Đình Nghệ, theo sự sắp đặt của Ngô Quyền, Ngô phu nhân cùng với Ngô Xương Văn sớm trở lại Đường Lâm coi sóc mọi việc. Ngô Xương Văn vốn là người hiếu đễ lại vô cùng kính yêu mẹ nửa bước không rời, đã cùng với các tướng sắp đặt mọi việc ở Đường Lâm đâu vào đấy. Vốn con nhà võ tướng, lại được cha mẹ và ông ngoại cùng các bậc lão trượng hai mời nhiều thầy giỏi về giáo dưỡng, rèn cặp, anh em Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn đã sớm tỏ ra có chí khí, đức độ hơn người. Ngô Xương Ngập đã là một vị tướng quân oai dũng trong trận Bạch Đằng thân dẫn binh tướng xung trận rất được lòng tướng sĩ, nay đang được chủ tướng Ngô Quyền giao cho kiêm quản bốn cổng thành Đại La. Ngô Xương Văn nổi tiếng hiếu thuận được cha sai về Đường Lâm cùng với Ngô phu nhân kiêm quản các việc trong ngoài. Cũng chính phu nhân, trong suốt những năm tháng ở Đường Lâm đã đích thân trông coi việc quân, việc nhà. Binh tướng Đường Lâm ngày một đông, khi Ngô chủ tướng thống suất binh lương các châu đại chiến Bạch Đằng chính Ngô phu nhân là người giao hơn ba nghìn dũng sĩ Đường Lâm cho Ngô Xương Văn xuống cùng với quan chủ bạ Đoàn Thành bảo vệ vững chắc thành Đại La để các tướng yên tâm phá giặc nơi cửa biển. Trong sâu thẳm, chủ tướng Ngô Quyền rất cảm động và tin tưởng tài năng đức độ của Ngô phu nhân. Tiếng là vợ chồng, lại thân làm tướng soái hai mươi năm mà vẫn luôn kẻ nam người bắc không mấy khi được gần gũi. Lại giữa lúc tao loạn, giặc giã liên miên càng khiến anh hùng tài nữ phải cách xa.

*

Chủ tướng Ngô Quyền đến Đường Lâm cùng quan chủ bạ Đoàn Thành và các bô lão sửa soạn lễ tế miếu thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng rất chu đáo. Trong nền ngôi miếu nhỏ rêu phong, khói hương trầm nghi ngút, các thức vật tế lễ đều được sửa soạn trang nghiêm. Chiếc ban thờ nhỏ dường như không đủ chỗ để quan chủ bạ Đoàn Thành đặt đồ cúng. Đoàn Thành cho khiêng thêm chiếc bàn gỗ nối sát vào ban thờ đoạn nhìn quanh một vòng thấy bên ngoài gò đồi nối nhau san sát, các vụng sông cây cối um tùm rậm rạp, thế đất sơn thủy hữu tình tĩnh tại thanh vắng. Bên ngoài, ngay sát chân miếu, cây cối mọc san sát, nhiều cây cổ thụ to đến mấy người ôm mọc nối tận ra khu rừng Cấm rậm rạp bạt ngàn cây lim xanh cổ thụ hắt bóng âm u. Đến khi chủ tướng Ngô Quyền cùng các vị lão trượng bái lễ xong, quan chủ bạ Đoàn Thành bèn mời Ngô chủ tướng chỉ ra phía bìa rừng nói:

- Thưa Ngô chủ tướng! Hạ quan thấy rằng công đức của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng xưa nay hiếm có mà nơi miếu thờ quả là chật chội khiến muôn dân khó ra vào dâng lễ cúng thờ. Xin tướng quân hãy cho phép hạ quan cùng dân chúng Đường Lâm sớm sửa soạn lại miếu thờ khang trang hơn để đến kỳ hội sang năm chủ tướng về tiện việc cúng tế cũng là để muôn dân tỏ lòng nhớ tới người anh hùng đánh giặc ngoại xâm.

Ngô Quyền nhìn quanh một vòng thong thả đáp:

- Đúng là tiên sinh đã nói hộ tấm lòng ta. Vẫn biết các bậc thánh nhân chỉ luôn muốn ẩn mình nơi thanh dã mà không màng tới danh tiếng. Việc xây đền miếu là việc của hậu nhân mà thôi. Đại binh ta hôm trước nơi cửa sông Bạch Đằng đã được Bố Cái Đại vương hiển linh phù trợ. Nay ta cùng các vị bô lão về đây cúng tế báo ân cũng là tự lẽ trời. Việc sửa sang lại đền miếu cho khang trang đâu chỉ vì văn thần võ tướng chúng ta mà còn vì muôn dân lấy đạo hiếu nghĩa, trung trinh báo quốc làm đầu. Tiên sinh hãy cùng các vị bô lão và dân chúng Đường Lâm tôn sửa lại đền miếu cho khang trang để mọi người cùng tỏ rõ tấm lòng chân thành với bậc có công với nước vậy.

Quan chủ bạ Đoàn Thành rưng rưng nhìn vị chủ tướng tóc trên đầu đã điểm bạc dẫu vừa lập huân công mà vẫn một mực nghĩ cho nước trong lòng vô cùng xúc động, bất giác chỉ biết đứng im nhỏ ra hai dòng lệ.

*

Vâng theo mệnh lệnh chủ tướng Ngô Quyền, quan chủ bạ cùng các bô lão ở lại Đường Lâm coi sóc việc sửa sang mở rộng khu lăng miếu thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Dân chúng Đường Lâm từ xưa đến nay vốn đã quanh năm thờ cúng vị vua họ Phùng có công với nước. Các vùng thượng du, hạ bạn tiết mới xuân sang nào cũng sắm sửa lễ vật theo hai đường thủy bộ về Đường Lâm cúng tế.

Ngày trước, khi cùng các tướng tuyển binh mộ lương, hưng dân mở ấp dọc các vùng thượng du hai con sông Tích Giang, Thao Giang lên tận miền Phong Châu trù phú, ân đức của họ Phùng đã ngấm sâu vào trong dân chúng, làng bản. Khi Đức vua Phùng Hưng đột ngột quy tiên, nhà Đường chớp thời cơ cử binh hùng tướng mạnh xuống An Nam trả thù rửa hận, tiến chiếm thành Tống Bình. Các tướng của Phùng Hưng chia quân thủ hiểm, khởi nghĩa chống lại nhà Đường nhiều năm mới dứt. Đường triều đã phải dùng đến mưu kế hiểm độc dụ hàng, vờ phong tước lộc cho Phùng An, người nối dõi Bố Cái Đại vương mãi mới thôn tính được An Nam. Dẫu vậy, muôn dân các vùng Đường Lâm, Phong Châu, Màn Trù, Chu Diên, trong ngoài thành Đại La, người người tưởng nhớ ơn đức của vị vua họ Phùng vẫn một lòng suy tôn thờ phụng. Các đình đền, miếu mạo thờ tự đức vua quanh năm hương khói. Âu cũng là phúc trạch dồi dào, nét đẹp suy tôn người trung nghĩa của An Nam đã có từ thượng cổ, càng qua tấm gương của các bậc trung quân ái quốc mà đầy đặn mãi lên.

Châu Đường Lâm xưa kia vốn gò đồi nối tiếp, sông suối lượn quanh tạo nên những lớp trúc thành che chở muôn dân. Tương truyền, khi Đức vua Phùng Hưng cùng dân làng đánh hổ, bắt voi, luyện tập quân sĩ, đã cho đào thêm nhiều hào sâu, khơi thông sông nước, giao thương mở rộng khắp các vùng thung châu, hạ bạn rất sầm uất. Khi Phùng Hưng cùng các tướng tiến lên làm chủ vùng đất Phong Châu rộng lớn khiến Đô hộ sứ Cao Chính Bình buộc phải đem binh lên Đường Lâm huyết chiến đã bị Phùng Hưng cùng các tướng mai phục đánh cho đại bại.

Quan chủ bạ Đoàn Thành một mặt cùng các vị bô lão trong ngoài Đường Lâm cho đo đạc kỹ lưỡng ngôi miếu thờ Đức vua Phùng Hưng, một mặt cử các tráng đinh sang phía đồi Cấm nơi có rừng lim xanh cổ thụ chọn những cây thẳng cỡ người ôm đốn hạ kéo về để các thợ giỏi tiện việc sửa sang ngôi miếu cổ. Đoàn Thành còn đi khắp các vùng lân cận tìm hiểu, biên chép kỹ lưỡng các câu chuyện, sự tích về dòng họ Phùng và Đức vua Phùng Hưng. Những chuyện như cụ tổ bảy đời Phùng Trí Cái châu mục châu Đường Lâm được Vua Đường Đức Tông vời sang tận Đường triều dự yến tiệc còn cùng với các vua chúa vùng thiểu số phương Bắc múa hát, đối đáp rất ân cần được sử sách nhà Đường biên chép lại. Lại chuyện như tướng quân Phùng Hạp Khanh vốn là thân phụ của Đức vua Phùng Hưng từng dẫn hàng nghìn gia đinh từ Đường Lâm vào Ái Châu theo phò Mai Hắc Đế đánh dẹp nhà Đường, lập công hiển hách. Còn như các chuyện anh em Đức vua Phùng Hưng thuở nhỏ đã được cha và các bậc lão trượng vùng Đường Lâm rèn cặp rất nghiêm, văn võ tinh thông, đức độ hơn người, giúp đỡ người già kẻ yếu, đánh hổ, vật trâu cứu làng đều được Đoàn Thành biên chép đủ cả.

Trong vòng hơn sáu tháng, sau khi Đức vua Ngô Quyền trở lại Đường Lâm, việc trùng tu ngôi miếu thờ Bố Cái Đại vương đã dần dần hoàn tất. Kế tục ý chỉ của đức vua cũng là nguyện vọng của muôn dân, các triều đại sau, triều nào cũng sắc phong nơi thờ tự đức ngài, sửa sang tôn tạo, hương hoa phụng thờ cho tới tận hôm nay.