(Tiếp theo và hết)
Có thể nói, chuyện Hà Nội chằng chịt ngõ nhỏ, dân số tăng quá nhanh, quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị là một trong những tất yếu của quá trình phát triển. Đây cũng là vấn đề nhiều đô thị trên thế giới từng “vướng” và phải tìm cách giải quyết. Trước những hệ lụy của nó, TP Hà Nội đang đứng trước bài toán vừa cấp bách, vừa dài hơi.
Những nỗ lực chưa thành
Không phải đến bây giờ, chính quyền Thủ đô mới nghĩ đến chuyện giãn dân ở những điểm “nóng” nhất về mật độ. Từ năm 1998, UBND thành phố Hà Nội đã khởi động dự án di dân phố cổ. Năm 2013, đề án giãn dân được phê duyệt với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Theo kế hoạch, khu vực phố cổ tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển hơn 6.500 hộ dân, tương đương khoảng 27.000 người. Việc giãn dân phố cổ được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 phải hoàn thành vào cuối 2016 với việc di dời gần 1.200 hộ dân sang khu đô thị phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2 phải thực hiện xong trong năm 2020, di dời gần 5.000 hộ dân sang phường Thượng Thanh, quận Long Biên.
Tuy nhiên, sau 25 năm “thai nghén” và triển khai, đề án giãn dân phố cổ xem như đã thất bại. Theo kết quả tổng điều tra dân số lần thứ 5 (thực hiện năm 2019), mật độ dân cư tại phố cổ quận Hoàn Kiếm vẫn xấp xỉ ngưỡng 40.000 người/km², gấp 138 lần mật độ dân số trung bình toàn quốc. Công tác giãn dân hầu như không thu được kết quả do hàng loạt vướng mắc về chính sách đền bù, tái định cư và đặc biệt là duy trì sinh kế cho người dân. Trong lúc các khu tái định cư bị bỏ không, hoang phế, xuống cấp, người dân phố cổ vẫn “bám trụ” nơi này đến cùng vì đây là chỗ “làm gì cũng ra tiền”. Thậm chí, nhiều trường hợp đã nhận đền bù, sang Long Biên sinh sống nhưng ngày ngày vẫn... về phố cổ làm ăn.
Một thí dụ khác về nỗ lực giãn dân, tái định cư không thành là ở khu tập thể cũ Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình). Nơi này có đến gần 90 nhà tập thể cao từ 2 đến 5 tầng, xây từ thập niên 70-80 thế kỷ trước, trong đó có nhà G6A thuộc nhóm “đầu bảng” về độ xuống cấp, nguy hiểm (cấp D) của Hà Nội. Tại đây, không khó để nhận ra những mảng tường rêu phong nứt vỡ, bong tróc; các căn hộ tự ý cơi nới “chuồng cọp”, vươn ra hàng mét trên sàn bê-tông tự chế; mạng lưới dây điện chằng chịt tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ...
Từ năm 2016, sau khi có kết quả kiểm định đánh giá chất lượng các chung cư cũ, UBND quận Ba Đình đã tính đến việc tổ chức di dời các hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. Việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ như Thành Công cũng đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng vẫn bế tắc vì vướng mắc về chính sách đền bù. Ngoài ra, nhiều hộ dân không chịu chuyển đi do cho rằng nơi tạm cư mới có chất lượng kém, vị trí quá xa so với nơi ở cũ.
Mọi chuyện tưởng như đã có hướng giải quyết khi vào năm 2017, một doanh nghiệp đưa ra đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư cũ thuộc diện cải tạo. Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp phải nhiều phản đối gay gắt từ người dân. Từ đó đến nay, việc di dân, cải tạo nơi này vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trong lúc người dân nội đô chen chúc trong ngõ nhỏ, khu chung cư xuống cấp, nghịch lý lại xảy ra ở các khu ngoại ô, khi hàng loạt dự án hiện đại, đắt đỏ như khu đô thị Bắc An Khánh hay khu đô thị Dương Nội lâm vào cảnh “đìu hiu” người sử dụng, chủ yếu mua để đầu cơ. Đợt mưa lớn ở Hà Nội vừa qua, nhiều người bật cười trước cảnh người dân mang... cần câu ra câu cá ở hầm để xe của các biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Dương Nội. Nhưng đằng sau tiếng cười, cũng để lại nhiều suy ngẫm về chuyện quy hoạch, giãn dân của Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thiện hai văn bản quan trọng về phát triển Thủ đô:
- Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
- Tháng 6/2024 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, các đại biểu QH đã có phiên thảo luận về hai đồ án quan trọng này. Qua thảo luận, các đại biểu QH thống nhất Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô là hai nhiệm vụ quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài.
- Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tổng hợp ý kiến của đại biểu QH làm cơ sở, căn cứ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065.
Chuyện lớn… không riêng của Hà Nội
Trong quá trình thực hiện bài viết, với mong muốn được tham vấn ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Công văn phát đi từ giữa tháng 6, nhưng đến nay phóng viên vẫn không được bố trí làm việc. Thật may, vẫn còn những đơn vị tâm huyết với công tác quy hoạch, xây dựng phát triển Thủ đô.
Theo ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của vừa qua là hồi chuông cảnh báo về việc đã đến lúc phải hành động để giải quyết tồn tại lịch sử để lại. Mục tiêu này muốn thực hiện phải kiên trì, quyết liệt, có sự tham gia tích cực của cả ba phía chính quyền - người dân - doanh nghiệp. Về phía TP Hà Nội, cần một chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư làng xóm cũ, được cụ thể hóa bằng chủ trương. Từ đó, tiến hành công tác điều tra tổng hợp mức độ cấp thiết, phương thức, lộ trình đi kèm nguồn lực kinh phí. Các quận, huyện phải được giao trách nhiệm thành lập đề án, dự án thực hiện ở những “điểm nóng”. Sau đó là lúc xuất hiện vai trò của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Tuấn cho rằng: “Đến đây, nảy sinh câu chuyện muôn thuở về xung đột lợi ích - hiệu quả. Trong một khu đô thị mới, quy hoạch đã đầy đủ hết, nhưng phần lớn nhà đầu tư thường chỉ muốn làm thứ dễ bán, đó là nhà ở. Còn “hệ sinh thái” chung quanh bao gồm công viên, trường học, bệnh viện, tiện ích xã hội... hoặc kéo dài, để chậm, hoặc chuyển nhượng, bán lại cho… “ông” khác. Khi những diện tích này bị bỏ không, dễ xảy ra biến tướng, loanh quanh lại thành... nhà ở, để đến lúc cần xây trường học, bệnh viện, lại phải đi tìm đất. Muốn thu hút người dân đến sinh sống, mọi thứ phải đồng bộ, vai trò điều tiết, giám sát, quản lý của chính quyền trong khâu này vô cùng quan trọng”.
Cuối cùng, việc giãn dân, quy hoạch, xây dựng lại các ngõ ngách chật chội không thể thực hiện nếu không có sự đồng thuận của người dân. Một khi mỗi người vẫn giữ tâm lý ngại đi xa, ngại thay đổi, bám giữ lấy lợi ích kinh tế trước mắt của khu vực nội đô, chuyện sống chen chúc, nguy cơ cháy nổ cao vẫn là nỗi lo thường nhật.
Ông Tô Anh Tuấn cho rằng, câu chuyện ngõ nhỏ của Hà Nội mang tính đặc thù, rất khó áp dụng các phương cách giải tỏa được xem là có tính hiệu quả cao như ở Đà Nẵng, hay nói rộng hơn là các khu đô thị của Trung Quốc, Nhật Bản trước kia. Rào cản đến từ giá trị nhà đất quá đắt đỏ của khu vực nội thành Thủ đô, khiến người dân không muốn di dời, đồng thời kéo theo chi phí giải phóng mặt bằng vô cùng lớn.
Theo ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chưa nói đến việc giải phóng mặt bằng, xây dựng lại các khu dân cư quá đông đúc, mà ngay cả giải phóng mặt bằng để mở đường trong nội đô cũng đã rất gian nan. Dù đây là hình thức “di dân cưỡng bức” (do nằm trong quy hoạch mở đường), các khâu đền bù, giải tỏa của bất kỳ dự án nào cũng luôn chậm, thậm chí kéo dài nhiều năm vì chi phí quá lớn. Thí dụ tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2 km đã có tổng mức đầu tư ban đầu là 7.800 tỷ đồng. Đây được mệnh danh là tuyến đường “đắt nhất hành tinh”, bởi tính trung bình mỗi mét trên tuyến đường này có chi phí đầu tư lên tới 3,5 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 6.000 tỷ đồng. “Khi Hà Nội mở tuyến đường này, hiệu quả giao thông ai cũng thấy, nhưng cảnh quan hai bên đường thì chưa đáp ứng được. Theo quy định của Bộ Xây dựng, khi lập quy hoạch chi tiết hai bên đường, phải mở rộng giải phóng mặt bằng 50 m mỗi bên để cải tạo hết cho đồng bộ, khang trang. Nhưng thực tế thì không làm được vì... làm gì có tiền. Mở mỗi mét đường đã “đắt nhất hành tinh”, lại còn mở hai bên 100 m nữa thì chi phí nhân lên bao nhiêu lần!”.
Ông Huy nhấn mạnh, nói vậy để thấy việc quy hoạch, xây dựng lại các khu đông dân, từng bước xóa bỏ những ngõ ngách chằng chịt bằng hình thức di dân tự nguyện còn khó hơn nhiều. Đó là bài toán dài hơi, phải thực hiện kiên trì, từng bước, đặc biệt cần sự công khai, minh bạch, hiệu quả quản lý dự án của các cơ quan quản lý. Thậm chí, không chỉ chính quyền TP Hà Nội mà ngay cả Trung ương cũng cần vào cuộc, vì đây là trung tâm chính trị - kinh tế, là bộ mặt của cả nước. Cùng với việc nâng cấp hạ tầng giao thông, chuyện quy hoạch lại khu vực nội đô trong tổng thể quy hoạch chung của cả thành phố là vô cùng quan trọng, trên hành trình hướng đến xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.