Kỳ 1: Chen chúc trong ngõ nhỏ
“Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó...” - câu hát trong ca khúc “Hà Nội và tôi” đã làm xao xuyến tâm hồn biết bao người con Hà Nội xa xứ, gợi họ nhớ về một Thủ đô yên bình, thanh lịch, mộng mơ thuở nào. Nhưng theo nhịp phát triển đô thị ào ạt, ngõ nhỏ, phố nhỏ nơi này không còn thơ mộng như xưa...
Chuyện buồn, chuyện vui
Gom góp, tiết kiệm, cộng thêm sự hỗ trợ của cha mẹ, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Minh (34 tuổi, công chức) mua được một căn nhà trong ngõ, cách mặt đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chừng 300 m. Nhà xây sẵn hai tầng, trên khu đất vốn được tách ra từ thửa to hơn của chủ cũ, đã xuống cấp sau nhiều năm. Vì thế, vợ chồng anh Minh quyết định cải tạo lại, chồng thêm tầng. Nhưng khi bắt tay vào làm, anh không nghĩ mình sắp bước vào những tháng ngày vất vả, áp lực đến vậy. “Ngõ chỉ chừng hơn 2 m, lại sâu, tập kết được vật liệu đã là cả vấn đề. Rồi hàng xóm kêu ca tiếng ồn, bụi bặm, xi-măng, cát vướng lối đi..., đủ thứ chuyện. Mấy tháng sửa nhà, tôi phải bỏ dở việc cơ quan chạy về không biết bao nhiêu lần. Sửa xong, chi phí đội lên nhiều, tôi gầy rộc cả người”, anh Minh than thở. Cũng vì ngõ sâu, anh phải gửi ô-tô ở ngoài đường, mưa nắng gì cũng phải “cuốc bộ” một đoạn dài mới ra được xe.
Đường Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) nếu đi từ phía Nguyễn Trãi có vẻ khá rộng rãi. Nhưng qua chợ, qua Ao Chùa, con đường cứ “thắt” dần lại, chỗ hẹp nhất chỉ khoảng 4 m. Như các nhánh vươn ra từ thân cây, các ngõ, ngách nơi này tỏa về tứ hướng, đan cài, dày đặc... Ngọc Trang, một sinh viên thuê trọ ở đây cười bảo: Hồi mới đến, em đã mấy lần đi lạc trong khu. Có nhiều ngõ bé tẹo, bề ngang chừng 1-2 m, tưởng như ngõ cụt, nhưng lại lòng vòng thông được ra nơi khác rất xa. Là một cô gái trẻ ưa shopping qua mạng, Trang thường xuyên phải đi “đón” shipper vì người giao hàng... không tìm được nhà trọ. Ở cùng một bạn nữa trong căn phòng nhỏ xíu chừng 15 m², Trang cũng nơm nớp lo khi đọc các thông tin về cháy nhà trong ngõ nhỏ, nhưng ngoài việc trang bị một bình chữa cháy mini, cô chẳng biết làm gì khác. “Sinh viên tỉnh lẻ chúng em đến ăn tiêu còn không đủ, làm sao có tiền thuê chỗ rộng rãi, an toàn hơn?”, nói rồi, cô thở dài, vì nghe đâu chủ trọ lại đang đòi tăng giá vì “tốn thêm tiền phòng chống cháy nổ”.
Nói về cuộc sống trong ngõ, ngách Hà Nội, không thể không nói tới khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm). Trên các “phố Hàng”, thật dễ tìm thấy những ngõ nhỏ đến mức người to béo một chút phải... đi nghiêng. Ở tuổi 76, bà Lê Thu Nga đã gắn bó cả đời với ngôi nhà trong ngõ sâu ở phố Hàng Điếu. Trong con ngõ tối tăm, ẩm thấp vì thiếu ánh mặt trời, ngoài vợ chồng bà Nga còn tới hơn chục hộ nữa, nấu nướng chung, vệ sinh chung quanh căn nhà tập thể. Bà chia sẻ: “Chật chội, bất tiện đã đành. Nhưng khổ nhất là khoảng đầu năm 2000, khi bố tôi mất, người nhà phải dùng ròng rọc đưa xuống, rồi rạp lưng đi ngồi, nửa gù, nửa đội quan tài mới ra được khỏi ngõ”. Con cái chuyển ra ngoài từ lâu, bà cũng có lúc muốn tìm nhà nơi khác, nhưng không đủ khả năng. Bà Nga chép miệng: “Nhà phố cổ đắt thật, nhưng là mặt đường thôi, chẳng ai chui vào “xó” này mà mua. Vả lại, tôi cũng còn cái quán nước chè đầu ngõ, túc tắc đồng ra đồng vào. Đi chỗ khác chả kiếm đâu được việc ra tiền...”.
Sau tất cả, những khó khăn, chen chúc, bề bộn khi sinh sống trong ngõ, ngách nhỏ của người dân Thủ đô cũng chưa là gì so nỗi lo về một hiểm họa có thể lấy đi sinh mạng con người: Cháy. Theo số liệu của Công an TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng; trong đó có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. So cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng hơn 76%, tăng 15 người chết. Số vụ cháy nhà, công trình, cơ sở chiếm gần 75% tổng số vụ cháy. Nguyên nhân các vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (hơn 10%); do vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy (0,34%) và các nguyên nhân khác.
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có nhiều sự cố cháy nổ đau lòng, thậm chí là thảm họa như vụ cháy chung cư mini đêm 12/9/2023, tại nhà số 37 ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) khiến 56 người chết và 37 người bị thương; hay gần đây là vụ cháy nhà trọ tại con ngõ sâu trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy) khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương. Mọi chuyện thật đáng lo nếu nhìn vào thống kê gần 9.500 phố, ngõ với hơn 2.300 khu dân cư nằm trong ngõ sâu 200 m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận; trong đó khoảng 90% con ngõ, ngách rộng chưa tới 4 m, phổ biến là 2-3 m.
Chúng ta đều biết, cứu hỏa cũng như cứu người, đều có “thời điểm vàng”. Khi thời gian ngắn ngủi ấy qua đi, cơ hội giảm thiểu thiệt hại gần như không còn nữa.
Ngõ 119 Trung Kính (quận Cầu Giấy), nơi xảy ra vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương. |
Từ làng lên phố
“Khi tôi còn nhỏ, khái niệm Hà Nội chỉ gói gọn trong mấy quận nội thành. Thời ấy, đám trẻ chúng tôi nhảy tàu điện đi chơi, chỉ đến loanh quanh mạn Thụy Khuê, Cầu Giấy, cuối Bạch Mai coi như đã tới “biên giới”, bên ngoài là vùng ven, vắng tanh rồi” - anh Ngô Hoàng Anh, một người thuộc thế hệ “7x” chia sẻ. Đó là hình ảnh của Hà Nội những năm 80 thế kỷ trước. Có lẽ, Hà Nội trong ký ức bao người khác, sinh ra và lớn lên ở đây, cũng tồn tại như thế. Xa xưa hơn, diện mạo phố phường Thủ đô hôm nay vốn bắt nguồn từ không gian làng, xã từ hàng trăm năm trước.
Theo ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, những phố, ngõ, ngách nhỏ hẹp hôm nay là “vấn đề của lịch sử”. Trước khi phát triển đô thị, đây là đất của xóm làng, kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, phương tiện chủ yếu là thô sơ. Phương tiện ít, dân cư thưa, nên đường nhỏ. Từ cái nền ấy, phố thị dần “mọc” lên, tạo ra mâu thuẫn giữa sự phát triển hiện đại và cơ sở hạ tầng cũ. Đặc biệt vài chục năm gần đây, mâu thuẫn này ngày càng lớn, khi Thủ đô được đô thị hóa nhanh, ồ ạt. Từ 4 quận “lõi” (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), hay còn gọi là “nội đô lịch sử”, các huyện ngoại ô dần chia tách, thành lập thêm 8 quận mới. Đến năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thêm hơn 2.400 km². Thời điểm đó, Thủ đô có dân số 6,2 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Sau 16 năm phát triển, đến nay dân số đã lên mức hơn 8,5 triệu người (gấp 1,37 lần năm 2008) với 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Riêng vấn đề dân số, thống kê của các cơ quan quản lý có lẽ đã lệch rất xa so thực tế, nếu nhìn vào xu hướng đổ dồn về Thủ đô đi học, đi làm của người dân ngoại tỉnh nhiều năm qua.
Ông Tô Anh Tuấn nhấn mạnh, trong khi dân số tăng nhanh, những ngõ, phố nhỏ của Hà Nội không những khó được mở rộng ra mà thậm chí còn bị thu hẹp đi. Thực tế cho thấy, nơi “tấc đất tấc vàng”, người dân hầu như đều xây nhà hết diện tích “sổ đỏ”, chưa kể còn lấn thêm ra. Có rất nhiều ngõ ngách trước đây không quá chật hẹp, nhưng bây giờ “thắt” lại như cổ chai vì tình trạng lấn đất. Khi người dân chen nhau vào sống ở nội thành, chuyện quá tải hạ tầng là không tránh khỏi. Đơn cử như Đống Đa, quận có mật độ dân số cao nhất Hà Nội: Rộng chưa đầy 10 km², nhưng có đến hơn 410.000 người sinh sống; mật độ lên đến... hơn 40.000 người/km², gấp nhiều lần “mức chuẩn” được đặt ra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (12.000 người/km²).
Quay trở lại chuyện nỗi lo hỏa hoạn, ngay sau vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Công an TP Hà Nội đã huy động quân số, tổng kiểm tra, rà soát các chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn. Kết quả, lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 37.000 cơ sở nhà trọ; xử phạt hành chính 3.134 trường hợp; tạm đình chỉ 672 trường hợp, đình chỉ hoạt động 75 trường hợp, yêu cầu gần 16.500 cơ sở dừng hoạt động. Đối với chung cư mini, Công an TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra 193 cơ sở; tạm đình chỉ 14 trường hợp, đình chỉ hoạt động 4 trường hợp và yêu cầu dừng hoạt động 22 cơ sở.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chỉ là giải pháp phần ngọn. Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, việc cần làm phải là từng bước giãn dân, quy hoạch, xây dựng lại những khu vực quá đông dân cư trong các ngõ, ngách nhỏ. Chuyện này không hề nhỏ, thậm chí là bài toán đau đầu với chính quyền đô thị Thủ đô.
(Còn nữa)