Ngày hội tôn vinh lòng yêu nước, đoàn kết và lao động

Cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc tạo nên những thành quả to lớn, đưa nước nhà vượt qua thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trải qua mỗi thời kỳ với muôn vàn khó khăn và thách thức khác nhau, nhưng tinh thần đó luôn được duy trì xuyên suốt, trở thành “sợi chỉ đỏ” giúp dân tộc ta vững vàng tiến lên trên con đường kiến quốc tự cường.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình văn nghệ chào mừng lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN PHAN
Chương trình văn nghệ chào mừng lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN PHAN

“Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua”

Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong bối cảnh nước nhà khi ấy đứng trước muôn vàn thách thức đặc biệt khó khăn, gian khổ. Ba năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt cùng lúc ba nhiệm vụ cấp bách của dân tộc là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính vì thế, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Chỉ thị vạch rõ “mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Tiếp theo Chỉ thị này, ngày 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc thi đua yêu nước. Sau đó, để triển khai sâu rộng chỉ thị và chuẩn bị kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, phát động cuộc vận động thi đua ái quốc, toàn văn được đăng trên báo Cứu quốc số 968, ra ngày 24/6/1948. Người đã nhấn mạnh, thi đua phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hóa”, cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì mới hiệu quả. Công tác thi đua không chỉ có “phát” lời kêu gọi mà nhất thiết phải đi đôi với hành động cụ thể.

Trong quá trình vận động thi đua, Bác Hồ lại nêu lên những vấn đề rất cụ thể như: “Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ… Các cháu thanh niên thì thi đua tòng quân. Cán bộ trong các cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn. Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi công việc... Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua”.

Ngày hội tôn vinh lòng yêu nước, đoàn kết và lao động ảnh 1

TS Trương Thanh Tùng tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Người cũng chỉ ra những khuyết điểm ngay từ ngày đó như: “Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc... Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Đặc biệt, Người chỉ rõ rằng, thi đua không phải là nhất thời mà phải là trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu sau thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau, hoặc không đúc rút kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở. Từ đó, Người khẳng định: “Thi đua phải là toàn dân, toàn diện. Trong các việc Thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính...”.

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày ấy đã trở thành những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua. Đó là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc cho tới ngày nay.

Có thể nói, Bác Hồ không chỉ là người khởi xướng, mà còn là linh hồn và tấm gương về tinh thần “thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Tư tưởng và hành động của Người trong “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, đồng thời nêu ra những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta.

Đã thành truyền thống tốt đẹp

Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước. Sự kiện thường niên quan trọng này không chỉ biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Sự ghi nhận đó đối với các tấm gương thi đua tiêu biểu nhất còn góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, Chính phủ và nhiều ban, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực, như phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, mô hình “Tự soi, tự sửa”… của Quân ủy Trung ương, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Những cá nhân, tập thể có thành tích thi đua xuất sắc trong các lĩnh vực tại nhiều vùng miền khác nhau sẽ được các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương giới thiệu. Trong số đó, những tấm gương tiêu biểu nhất sẽ được lựa chọn để Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen trong “Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc” hằng năm. Năm nay 2023, Hội nghị dự kiến có 700 điển hình tiên tiến là các tập thể, cá nhân tiêu biểu, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao… Họ là đại diện của nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, doanh nhân tiêu biểu và tài năng trẻ… Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ tặng bằng khen cho 75 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu.

Chứng kiến những đóng góp của ông Phượng, bà Võ Thị Mỹ Lệ, một người dân địa phương bày tỏ: “Thấy anh Phượng không tiếc công sức giúp người nghèo, tôi rất nể phục và luôn sẵn sàng hỗ trợ. Mình không có tiền, có của thì góp sức. Mọi người ở đây ai cũng vậy, có gì góp nấy, có công thì góp công, có quà như là trái cây, rau quả ở nhà cũng đem cùng anh Phượng trợ giúp”.

Những điển hình thi đua thời kỳ mới

Các gương mặt điển hình tiên tiến tiêu biểu đều là những cá nhân, tập thể xuất sắc trên nhiều lĩnh vực. Điểm chung trong tất cả là họ đều tận tâm, tận lực cống hiến những gì tinh túy nhất của mình cho sự phát triển của cộng đồng trong thời gian dài. Đó có thể là một con người bình dị như ông Phan Ngọc Phượng (63 tuổi), nông dân tại thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên với những việc làm thiết thực hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành.

Năm 2021, trong bão dịch Covid-19, ông Phượng đã không ngần ngại cùng với gia đình tích cực tuyên truyền, vận động và kết nối các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ đồng bào. Tại các khu phong tỏa xã Eatrol, huyện Sông Hinh, các điểm cách ly trên địa bàn huyện, ông Phượng đã vận động và trao tặng hơn 1.000 suất quà (nhu yếu phẩm), với tổng số tiền 200 triệu đồng. Nhận thấy các điểm cách ly tập trung, các trạm y tế thiếu thốn cơ sở vật chất, ông đã kêu gọi hỗ trợ nước khử khuẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ, kính bảo hộ, găng tay cho các chốt phòng, chống dịch. Vào thứ năm và chủ nhật hằng tuần tại chợ Đồng Phú và buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây), bếp cháo từ thiện của ông đã hỗ trợ 230 suất cho người già, trẻ em, những người có hoàn cảnh khó khăn. Hết dịch nhưng ông Phượng vẫn không ngừng làm việc vì cộng đồng. Ông tiếp tục tặng 700 suất quà, mỗi suất trị giá 250 nghìn đồng cho hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ già neo đơn trên địa bàn huyện với tổng số tiền 175 triệu đồng. Ông Phượng cũng chính là người năng nổ nhất trong việc vận động hỗ trợ xây dựng sáu nhà đại đoàn kết cho hộ có người bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đức Bình Tây, với tổng số tiền 285 triệu đồng.

Từng đó những công việc đã làm được, nhưng khi được hỏi động lực nào giúp ông làm được nhiều việc như thế, ông Phượng chỉ khiêm tốn: “Công việc vất vả nhưng mà khi giúp được một hoàn cảnh nào, một địa phương nào thì cảm thấy mình phấn khởi và vui, động lực của mình ngày càng dâng lên cao”. Phong trào thi đua yêu nước đã thu hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, đơn cử như một trong nhiều tấm gương nữ điển hình tiêu biểu là Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam là người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của ngành sữa tươi sạch tại Việt Nam, khởi xướng và triển khai chương trình “Sữa học đường” quốc gia, đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình Sức khỏe học đường quốc gia...

Trong đội ngũ các cán bộ nhà nước cũng có nhiều tấm gương, thành quả được biểu dương, như câu chuyện cải cách thủ tục hành chính của anh Nguyễn Văn Cẩn (sinh năm 1981), Phó Chủ tịch UBND xã Hương Mai (Việt Yên, Bắc Giang). Một trong những thành tựu nổi bật nhất mà anh Cẩn đã đạt được là tạo ra một hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến để quản lý và xử lý hồ sơ hành chính. Nhận thấy rằng việc giảm thủ tục giấy tờ và tối ưu quy trình xử lý hồ sơ là một yếu tố quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp, với sự cam kết và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, anh Cẩn đã triển khai một hệ thống giao tiếp và xử lý hồ sơ trực tuyến, cho phép người dân có thể nộp hồ sơ và theo dõi quá trình xử lý một cách thuận tiện và nhanh chóng. Đồng thời, cán bộ cũng được hưởng lợi từ hệ thống này, tiếp nhận và xử lý hồ sơ một cách hiệu quả, giảm thời gian và công sức.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh Cẩn cho biết: “Việc cải cách hành chính là một quá trình liên tục và cần có sự phối hợp và hỗ trợ đồng bộ từ các cấp ủy ban và cơ quan chức năng. Tới đây sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới liên kết và hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những thành công của các địa phương khác trong việc cải cách hành chính”. Với quyết tâm và sự lãnh đạo mạnh mẽ của anh Nguyễn Văn Cẩn và đội ngũ cán bộ, xã Hương Mai đang trở thành một điển hình thành công trong việc cải cách hành chính, khẳng định được vai trò quan trọng của sự đổi mới và hiệu quả trong việc phục vụ người dân.

Ngày hội tôn vinh lòng yêu nước, đoàn kết và lao động ảnh 2

Anh Nguyễn Văn Cẩn hướng dẫn người dân quét mã QR tra cứu thủ tục hành chính. Ảnh: BBG

Tiếp nối ngọn lửa thi đua ái quốc

Rất đáng chú ý trong những điển hình thi đua toàn quốc năm nay là sự đóng góp ngày càng lớn của lớp thanh niên, đặc biệt là đội ngũ tri thức trẻ. Như trường hợp TS Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989) là một thí dụ. Hiện anh là trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên Khoa Dược, Trường đại học Phenikaa (Hà Nội). Năm 2014, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Tùng tiếp tục theo học TS tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), một trong những cái nôi của khoa học y - dược. Đây cũng là khoảng thời gian anh bắt đầu nghiên cứu ức chế con đường giao tiếp của vi khuẩn (quorum sensing) để tìm thuốc thay thế kháng sinh. Hoàn thành luận án TS năm 2017, Tùng bắt đầu tham gia nghiên cứu tại các nước phát triển như: Phần Lan, Anh, Mỹ. Anh nhận được tài trợ của Viện Sức khỏe Mỹ (NIH) và nghiên cứu tại Mỹ với vai trò trợ lý giáo sư.

Với tài năng, trí tuệ của mình, TS Trương Thanh Tùng có nhiều điều kiện để sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhưng năm 2019 anh đã quyết định trở về Việt Nam cống hiến cho nền y học nước nhà. “Có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương. Khát vọng lâu dài của tôi và các cộng sự sẽ sản xuất ra thuốc do người Việt tạo ra để đưa đến tận tay người dân. Thuốc do người Việt Nam tổng hợp dược liệu, sản xuất cung ứng và làm chủ quy trình công nghệ ở trong nước”, anh Tùng chia sẻ quyết định về nước của mình.

Anh cũng cho biết, mục tiêu ngắn hạn trong 5-10 năm tới là xây dựng được nhóm nghiên cứu chất lượng của Việt Nam. Hiện tại, nhóm nghiên cứu của anh là số ít những nhóm tại Việt Nam đang nghiên cứu thuốc. Vì thế, tham vọng của nhóm không phải chỉ là nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết đến trên thế giới. “Chúng tôi mơ ước có những công trình tầm cỡ thế giới để các nhà khoa học quốc tế, công ty dược toàn cầu tìm đến Việt Nam mua công nghệ. Lúc đó, nước ta sẽ có thể ghi tên mình lên bản đồ những quốc gia chủ động sản xuất được nguồn dược liệu quan trọng. Làm bác sĩ có thể cứu người theo cá nhân đơn lẻ, nhưng nếu mình tìm ra thuốc thì mình sẽ cứu được hàng trăm con người”, TS Trương Thanh Tùng quyết tâm.

TS Trương Thanh Tùng còn là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm là thành viên chính thức “Hiệp hội Khoa học danh giá quốc tế Sigma Xi” (hiệp hội lâu đời nhất trên thế giới với hơn 200 thành viên được giải Nobel). Anh cùng cộng sự đã nghiên cứu thuốc chống lại các bệnh truyền nhiễm trong đó có thuốc điều trị HIV/AIDS, SARS-CoV-2, tìm ra chất dẫn trong điều trị ung thư, phát triển chất thay thế kháng sinh mới... Anh cũng là tác giả chính có 12 bài báo khoa học ISI uy tín quốc tế, trong đó có sáu bài báo xếp hạng cao nhất thế giới (top 10% hạng Q1).

Mục tiêu cuối cùng của cuộc thi đua ái quốc là xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp và hạnh phúc. Khi xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn mong muốn tạo dựng một quốc gia mà người dân tự hào về quốc tịch, văn hóa và truyền thống, một nơi mà mọi người được hưởng thụ cuộc sống đầy đủ và tự do phát triển. Ái quốc không chỉ là khát khao của Người, cũng là khát khao của toàn dân và cuộc thi đua ái quốc là cơ hội để biến khát khao ấy thành hiện thực.

Để thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, cần tạo ra một môi trường xã hội khuyến khích sự sáng tạo, động viên và tôn trọng những đóng góp của mọi người. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân có thể phát huy hết tiềm năng của mình, từ việc học tập và nghiên cứu, đến việc tham gia các hoạt động cộng đồng và quản lý chính quyền. Đồng thời, xã hội cần bảo đảm mọi người được hưởng các quyền tự do cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do đoàn kết.

Cuộc thi đua ái quốc không chỉ là một sự kiện trong một thời điểm cụ thể, mà là một tinh thần bền bỉ trong mỗi người dân Việt Nam. Đó là sự cụ thể hóa nhất tình quê hương, lòng tự hào dân tộc đồng thời hun đúc ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với quốc gia. Việc hưởng ứng và thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là con đường tiên quyết để xây dựng một Việt Nam phát triển tự cường, mạnh mẽ và tự hào.

Sự đóng góp của TS Trương Thanh Tùng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. Anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội và gắn kết với cộng đồng. Tổ chức nhiều chương trình tư vấn và chia sẻ kiến thức về sử dụng thuốc hợp lý, từ đó nâng cao nhận thức về sức khỏe và tầm quan trọng của dược phẩm trong cuộc sống hằng ngày.