Ngành gỗ nỗ lực phát triển kinh tế xanh

Những năm tới, ngành sản xuất, chế biến lâm sản gỗ tại Việt Nam sẽ đối mặt nhiều rủi ro khi chi phí xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt dưới tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). Nếu không có những biện pháp giảm phát thải nhà kính ngay từ bây giờ, ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ sẽ phải nỗ lực nhiều để thích ứng cơ chế CBAM.
Doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ sẽ phải nỗ lực nhiều để thích ứng cơ chế CBAM.

1/Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những tháng gần đây thị trường đã có những dấu hiệu tích cực. Đơn hàng tại một số thị trường quen thuộc như Mỹ, châu Âu đã bắt đầu tăng trở lại.

EU được đánh giá vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam. Tuy vậy, việc xuất khẩu sang một thị trường “khó tính” và có yêu cầu cao như EU đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức. Bởi phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam hoạt động dưới dạng quy mô nhỏ, chưa xây dựng được thương hiệu uy tín, vì thế kênh phân phối sản phẩm trực tiếp tại thị trường này hầu như phải thông qua các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gỗ cũng gặp khó khi EU bổ sung thêm một số quy định mới về cơ chế CBAM. Cơ chế này nêu rõ, nếu như quá trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam phát thải nhiều hơn quy định của EU, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua thêm hạn ngạch khí thải để tăng trách nhiệm với môi trường và bảo đảm tính công bằng trong cạnh tranh thương mại.

Theo TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends (Mỹ), ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ cam kết đến năm 2050, Việt Nam sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể (net zero), chúng ta đã có những văn bản quan trọng để hiện thực hóa cam kết này. Từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập, tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon và từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch các-bon. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ phải có định hướng chuyển đổi sản xuất, từng bước xây dựng lộ trình nhằm giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng yêu cầu của hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ.

2/Hiện nay, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi nhưng lại vướng những tác động tiêu cực từ diễn biến chính trị phức tạp trên thế giới, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào khan hiếm, đơn hàng giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm. Bên cạnh đó là những vướng mắc từ bất cập chính sách như quy định về Luật Phòng cháy chữa cháy, tuân thủ thực thi các khuôn khổ pháp luật… càng khiến doanh nghiệp khó khăn. Kinh tế trồng rừng chủ yếu áp dụng các mô hình ngắn hạn nhằm sản xuất dăm gỗ phục vụ sản xuất sinh khối. Lượng gỗ xẻ Việt Nam phải nhập khẩu từ bên ngoài chiếm 60% do ngành sản xuất gỗ nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với gỗ lớn sản xuất theo phương thức bền vững.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, việc làm cấp bách hiện nay của ngành gỗ là phải tiến tới sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, “xanh hóa” chuỗi cung ứng sản phẩm để bắt kịp xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, hành trình net zero của ngành gỗ không hề dễ dàng, bởi hiện vẫn còn có những nhà máy sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhưng không có chứng chỉ xanh theo tiêu chuẩn.

Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2028, các doanh nghiệp gỗ ở Việt Nam muốn tham gia thị trường các-bon tự nguyện phải biết rõ mức phát thải của doanh nghiệp. Nếu mức phát thải thấp hơn quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp có thể bán tín chỉ các-bon ngay tại thị trường nội địa. Còn nếu có mức phát thải các-bon vượt mức quy định thì sẽ phải mua lại của doanh nghiệp có mức phát thải thấp để đạt yêu cầu. Để giảm thiểu tác động của thuế các-bon, giữ lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu sang EU hay những thị trường khác, ngành công nghiệp chế biến gỗ phải có phương án, kế hoạch đầu tư, chuyển đổi sang công nghệ sản xuất sạch hơn. Đồng thời tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm nguồn phát thải ra môi trường… để tăng cơ hội cho xuất khẩu.

Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, năm 2025 Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon; đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon… Năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon trong khu vực và thế giới.