Ngành du lịch thiếu hụt nguồn nhân lực

Trong khi lượng khách đến TP Hồ Chí Minh đang tăng thì các doanh nghiệp du lịch đang đối mặt với tình trạng không đủ nhân lực phục vụ. Đã có 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyển dụng nguồn nhân lực ngành du lịch.
Tuyển dụng nguồn nhân lực ngành du lịch.

Vừa thiếu, vừa yếu về kỹ năng

Giám đốc nhân sự khách sạn Inter Continental Saigon Đặng Trần Phương Thảo đưa ra số liệu là trong giai đoạn 2022-2023, ngành Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh thiếu 40.000 lao động có trình độ. Các trường đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 lao động nên nhân lực du lịch tại TP Hồ Chí Minh hiện vẫn rất thiếu.

Điều đáng nói, hiện cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, bốn trung tâm về dạy nghề. Thế nhưng các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, dẫn đến nghịch lý là dù nhu cầu nhân sự lớn nhưng rất khó tìm ứng viên phù hợp.

Trưởng phòng nhân sự của khách sạn Kim Đô Nguyễn Thị Yến Xuân chỉ rõ, khách sạn Kim Đô (quận 1) liên tục tuyển dụng để đáp ứng được nhu cầu hoạt động trở lại từ đó đến nay, thế nhưng, nguồn lực vẫn chưa phù hợp với mong muốn của khách sạn. Nhất là giai đoạn sau Tết vừa qua, nhiều vị trí cũng đã nghỉ việc, nhu cầu tuyển dụng càng cần thiết hơn.

Ngành du lịch đang đối mặt với thách thức lớn là nguồn nhân sự vừa thiếu vừa yếu kỹ năng. Theo Giám đốc nhân sự Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Trần Thị Việt Hương, hiện nay đang có khoảng cách giữa nhu cầu doanh nghiệp và thực tế chất lượng đào tạo của các trường. Đơn cử tại Vietravel, 90% nhân sự mới tốt nghiệp cần phải đào tạo lại để thích ứng với công việc. Chưa hết, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống và năng lực ngoại ngữ của ứng viên còn nhiều hạn chế. Khi phỏng vấn, dù đã đưa ra các câu hỏi gợi mở nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không thể trả lời. Doanh nghiệp phải rất vất vả và sàng lọc kỹ qua nhiều vòng mới có thể tuyển được một người.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, khó khăn nhất của ngành du lịch là tuyển dụng không được những nhân sự có thâm niên, kinh nghiệm, do phần đông những người lành nghề đã chuyển dịch sang ngành nghề khác trong giai đoạn dịch, rất khó quay trở lại. Phần lớn lao động đều là những sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp tuyển dụng sẽ phải đầu tư để đào tạo cho đội ngũ này.

Đi tìm lời giải…

Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist Võ Thị Mỹ Vân cho rằng, để giải bài toán thiếu hụt nhân sự có tay nghề, các trường cần quốc tế hóa đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng nhân sự du lịch trong dài hạn cho Việt Nam. Nhiều năm qua, thông qua các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, nhiều học viên của nhà trường đã được gửi sang Pháp, Đức và Australia học tập nâng cao trình độ. Sau thời gian tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc, đội ngũ này quay về nước làm việc rất hiệu quả. “Trường đào tạo cần kết nối chặt chẽ với các địa phương, giải quyết nhu cầu nhân lực theo vùng liên kết; trường đào tạo bắt tay trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành du lịch; thường xuyên cập nhật nội dung chương trình đào tạo…”, bà Võ Thị Mỹ Vân góp ý.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) Thái Thị Hoài Sơn nêu lên thực trạng hiện nay là sinh viên chưa có cơ hội tiếp cận chính sách việc làm phù hợp, ít được trải nghiệm môi trường làm việc trong tương lai. Nếu được hướng nghiệp và hỗ trợ giới thiệu việc làm, sinh viên sẽ có định hướng rõ ràng hơn đối với công việc mình dự định theo đuổi.

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu du lịch đạt hơn 160.000 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu trên, trước hết, tất cả các hoạt động cũng như công suất việc phục vụ của các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải hiệu quả nhất, trong đó không thể thiếu vai trò của nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có sự kết nối các đơn vị liên quan, nhằm lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế dịch vụ trọng yếu, không chỉ nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh mà còn thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Song song đó, du lịch của thành phố còn thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều địa phương, khu vực, đặc biệt là sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa - dịch vụ liên vùng. Đặc biệt, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để phục hồi hoạt động du lịch.