Tràn lan các hội nhóm độc hại
Số thành viên tham gia các hội nhóm này lên đến con số vài chục nghìn, những bài đăng có lượt tương tác khủng với những nội dung tiêu cực, đa số là tìm đến cái chết. Thay vì khuyên ngăn, các thành viên trong nhóm này còn chỉ cho nhau địa chỉ mua chất độc, dây thừng... thậm chí còn hướng dẫn một cách tỉ mỉ và chi tiết.
Các bài đăng xoay quanh các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nhiều người bế tắc khi phá sản, gia đình ly tán, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc... nên họ mới tìm đến những hội nhóm này với mong muốn tìm những người có cùng hoàn cảnh giống mình để chia sẻ. Thay vì tìm được sự đồng cảm, dưới bài viết là hàng trăm tài khoản xúi giục thực hiện các hành vi nguy hiểm như: sử dụng thuốc độc, uống thuốc ngủ quá liều... nhiều tài khoản còn bán và cung cấp luôn các loại thuốc để nạn nhân dễ dàng mua và sử dụng.
Mạng xã hội luôn được ví như “con dao hai lưỡi”, đòi hỏi người dùng phải hết sức tỉnh táo và chọn lọc thông tin. Đa số những tài khoản tham gia các hội nhóm này phần vì tò mò, phần bị thu hút bởi tiêu đề, chỉ một số ít trong đó là gặp vấn đề về tâm lý. Điều này hết sức nguy hiểm vì một người bình thường khi ở trong môi trường tiêu cực ít nhiều bị ảnh hưởng đến tinh thần, lâu dần sẽ trở nên lo lắng và có những triệu chứng trầm cảm.
Đa số người gặp vấn đề tâm lý đều mong muốn tìm những người cùng hoàn cảnh giống mình để nhận được sự đồng cảm, chia sẻ. Khi danh tính không bị lộ diện, cộng thêm sự tiện lợi chỉ qua vài ký tự trên thanh tìm kiếm, các hội nhóm độc hại dễ dàng trở thành “diễn đàn” giữa những bệnh nhân bị rối loạn tâm lý và những kẻ có mục đích xấu. Khi tinh thần không ổn định, bệnh nhân có thể dễ dàng nghe theo lời xúi giục mà có những hành vi làm hại bản thân, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cần xử lý nghiêm
Các hội nhóm này đã vi phạm “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” khi liên tục chia sẻ những thông tin tiêu cực, độc hại, dùng các từ ngữ cấm, gây ảnh hưởng đến xã hội. Đồng thời vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng, điều 131 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát”. Đây đều là những hành vi đi ngược lại đạo đức, vi phạm pháp luật và hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, các hội nhóm tinh vi đến mức khi đặt tiêu đề là “an ủi”, “động viên”, nhưng thực chất chứa những nội dung kích động, liên quan đến bạo lực. Chưa dừng lại ở đó, khi cơ quan chức năng vào cuộc, các hội nhóm trước đó đã bị xóa đi thì ngay lập tức một hội nhóm khác được lập ra một cách công khai, thậm chí vẫn sử dụng tên như cũ. Các đối tượng này xem thường pháp luật đến mức đăng bài thông báo khóa nhóm cũ, công khai kêu gọi thành viên tham gia nhóm mới.
Cơ quan chức năng cần có những biện pháp có tính răn đe đối với những đối tượng coi thường pháp luật, đồng thời làm rõ động cơ đứng sau của các hội nhóm này. Bên cạnh đó, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần có sự chọn lọc thông tin và có thái độ lên án, phê phán đối với những hội nhóm độc hại này. Khi thấy bản thân hay người thân có những dấu hiệu về tâm lý, cần tìm đến những người có chuyên môn để tìm biện pháp điều trị phù hợp, tránh những chuyện không mong muốn xảy ra.