BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Nặng lòng với những cây cầu đồng hương

Vừa qua có chuyến đi Bạc Liêu, tôi đã gặp ông Huỳnh Công Danh. Ông là đạo diễn điện ảnh kiêm nhà sản xuất phim ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng về tới Bạc Liêu thì mọi người ở đây đều gọi ông là “Ông Ba Danh xây cầu đồng hương”.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui trên cây cầu mới.
Niềm vui trên cây cầu mới.

1/Người đàn ông tuổi Nhâm Thìn này còn khá phong độ. Những ngày công tác cùng nhau, ông luôn là người xăng xái nhất, luôn lo cho mọi người trong đoàn công tác nhất. Phần vì ông là phó đoàn công tác, phần vì ông là người con của chính mảnh đất Bạc Liêu này.

Ông Ba Danh kể tôi nghe, những năm đầu 1970, khi ở vào tuổi mười tám, đôi mươi, ông rời làng quê ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu để trốn vào rừng tham gia du kích, rồi từ anh du kích mê đánh giặc ấy trở thành anh bộ đội giải phóng. Những ngày tháng Tư năm 1975, đơn vị giải phóng quân của anh Ba Danh hội vào cánh quân Tây Nam Bộ tiến về giải phóng Sài Gòn. Ở giữa thành phố hoa lệ này, với bản chất “tài tử miệt vườn”, nghĩa là chơi thì chơi tới ngày, còn làm thì làm quên mệt, anh bộ đội trẻ Huỳnh Công Danh được chuyển sang lực lượng công an.

Làm công an quận 5 thật quả là nhiều khó khăn phức tạp, nhưng người chiến sĩ còn nhiều bỡ ngỡ với chuyên môn ấy đã gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ. Ba Danh kể: “Những lúc có vẻ nhàn nhàn tí chút là tôi lại ngồi nhớ quê hương. Nhớ thì nhớ nhưng không thể nói về thăm quê là về luôn được. Vậy là tôi cầm lấy cây đờn và hát những câu vọng cổ cho anh em trong đơn vị nghe”. Chắc là vì mê đờn hát đến không bỏ được nên thời gian sau, anh công an Huỳnh Công Danh chuyển sang làm công tác văn hóa nghệ thuật của thành phố mang tên Bác.

Chuyến đi công tác này, hễ công chuyện xong xuôi là lại đờn, lại hát. Nhưng điều mà tôi phát hiện ra là đi tới đâu, dù huyện Đông Hải hay Vĩnh Lợi, Hồng Dân hay Hòa Bình, đến huyện nào, xã nào và về tới tận thôn, ấp nào cũng thấy mọi người vui vẻ cất tiếng chào hỏi: “Anh Ba Danh mới zề”. Hỏi thêm ra tôi mới vỡ nhẽ, suốt mấy năm qua với tư cách là Phó Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu, Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh, ông Ba Danh luôn tất bật đi đi lại lại giữa ba nơi này. Tôi hỏi vui: “Anh Ba cứ đi đi lại lại như vậy là sao?”. Ông Danh cười vui: “Đi cứu trợ bà con, đi xây cầu cho bà con đi chớ còn đi đâu” - “Thế anh Ba xây được bao nhiêu cây cầu rồi?”. Ông Ba Danh chỉ cười chứ không nói, nhưng ông kêu mọi người ra xe để vào thăm căn cứ Cái Chanh kẻo trễ giờ về.

2/Đường vào căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) giờ vô cùng thuận lợi. Chiếc xe ô-tô 16 chỗ của UBND huyện nổ máy rồi chạy trên những con đường liên xã, liên thôn ấp đều đã được bê-tông hóa. Chốc chốc xe lại tăng ga để lên một cây cầu sắt hay bằng bê-tông nào đó. Có rất nhiều cầu, tôi có cảm nghĩ như những cây cầu đó nối nhau không dứt. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi nên ông Võ Thành Trung, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện cho hay: “Trước đây muốn vào thăm căn cứ Cái Chanh thì chỉ có cách đi xuồng hoặc ngồi ghe mà thôi vì ở Hồng Dân chúng tôi kênh rạch chằng chịt. Từ ấp sang ấp cũng phải ngồi ghe, cán bộ xuống xã công tác cũng bằng xuồng”. Nói rồi ông Trung đưa mắt nhìn ra những thửa ruộng lúa đang thì lên xanh nói thầm thì: “Giờ thì khác rồi. Cũng nhờ chú Ba Danh đây”.

Đã nhiều năm nay, Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu, Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh đã có những hoạt động thiết thực. Mấy năm dịch dã vừa qua, ban liên lạc đã tích cực vận động bà con quê Bạc Liêu, Cà Mau quyên góp tiền, hàng cứu trợ người dân quê nhà và người Bạc Liêu ở thành phố bị mắc Covid-19. Thí dụ như năm 2021 vừa qua: Đã quyên được hơn 24 tỷ đồng để cứu trợ: 96.924 người; ở hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, ban liên lạc còn tổ chức đưa đón 1.089 người về quê, với tổng chi phí 800 triệu đồng.

Tôi nói vui: “Chắc là công sức của ông phó ban nhiều lắm?”. Ông Ba Danh lắc đầu, tôi hiểu ông không muốn nói đến cá nhân mình. Và như để đổi hướng câu chuyện, ông cho biết: “Bữa tháng 9 rồi, ban chúng tôi phối hợp cùng chính quyền Bạc Liêu đã khởi công xây ba cây cầu giao thông nông thôn mà bà con gọi chung là “cầu đồng hương” tại xã Phước Long (huyện Phước Long) và xã Phong Thạnh Đông (thị xã

Giá Rai), với tổng kinh phí 518 triệu đồng, do gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vĩnh Thuận (TP Hồ Chí Minh) tài trợ kinh phí xây cầu, cùng nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Nghe vậy, ông Võ Thành Trung bổ sung thêm: “Khi ban liên lạc cùng các đoàn thể trong và ngoài tỉnh tiến hành xây cầu bê-tông, cầu sắt thay thế cầu khỉ, cầu dừa thì nhân dân các xã, thôn, ấp phấn khởi lắm! Mọi người bảo nhau hiến đất để làm đường nối những cây cầu. Huyện chúng tôi hiện có một hệ thống đường bộ hoàn thiện mà không mất một đồng nào cho giải phóng mặt bằng”.

Nói về giá trị của cầu đường nông thôn, bà Nguyễn Thị Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi bộc bạch: “Có cầu, có đường nên nhân dân trong xã bán được nhiều tôm, nhiều lúa hơn. Giờ nhà nào cũng có xe gắn máy. Các cháu học sinh đi học đều hơn, xã không còn hiện tượng có cháu bỏ học vì đi lại khó khăn”.

3/Theo như tôi được biết, thì cá nhân ông phó ban Huỳnh Công Danh cũng bỏ ra nhiều thời gian và công sức của mình. Bằng mối quan hệ sâu rộng, bằng uy tín cá nhân và bằng sự cố gắng, ông đã tìm đến các nhà hảo tâm để vận động họ ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới. Gặp họ ông nói: “Góp tiền xây cầu để anh em chúng ta về thăm quê thuận tiện”. Rồi ông Ba Danh cho hay: “Ở huyện Hồng Dân các nhà tài trợ ủng hộ 70% kinh phí xây dựng, phần còn lại chính quyền huyện Hồng Dân đối ứng”. Ông còn bật mí: “Các nhà tài trợ xây cầu là: Tập thể lớp A72 Công Chánh, Trường đại học Kỹ thuật Phú Thọ, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tôn Đông Á. Ông Võ Thành Trung bổ sung: “Giá thành xây cầu cũng vì thế không mắc. Một cây cầu bê-tông tải trọng hơn 2 tấn cũng chỉ hết 150 triệu đồng. Cầu lớn hơn hay cầu sắt thì giá hơn chút đỉnh”.

Nhớ lúc làm việc với UBND huyện Hồng Dân, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện đã khẳng định: “Hồng Dân là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã cải thiện kết cấu hạ tầng của địa phương, trong đó có hệ thống giao thông đường bộ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân”.

Tranh thủ lúc dừng chân trong căn cứ Cái Chanh, tôi đã hỏi thêm ông Ba Danh: “Thí dụ năm 2022 này, Ban liên lạc đồng hương của mình đã vận động được kinh phí thế nào để xây cầu?”. Ông Ba Danh nhẩm nhẩm vài giây rồi cho biết: “Năm 2021, ban quyên góp được hơn 3,3 tỷ đồng, xây dựng được 17 cây cầu, tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Quảng Trị. Năm 2022, quyên hơn 3,813 tỷ đồng, xây mới 17 cây cầu, trong đó Bạc Liêu 5 cầu, Cà Mau 11 cầu và Đồng Tháp 1 cầu. Chúng tôi còn tiến hành xây và tặng nhà tình nghĩa và mở rộng hoạt động ra các tỉnh khác nữa”.

Nghe ông Ba Danh nói sơ sơ như vậy, tôi nhận ra một điều: Hội đồng hương không bó hẹp hoạt động chỉ với tỉnh nhà mà còn vươn tới tỉnh bạn còn khó khăn. Và cách thức hoạt động của Hội đồng hương như Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu, Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh đã và đang làm thực hữu ích, hiệu quả và rất đáng nhân rộng.