Nâng cao ý thức chấp hành Luật An toàn, vệ sinh lao động

Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.000 vụ tai nạn lao động, khiến gần 400 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương nặng, gấp đôi so năm 2021. Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao trong lĩnh vực thi công xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để chủ động phòng ngừa và giảm tai nạn. Ảnh: NAM NGUYỄN
Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để chủ động phòng ngừa và giảm tai nạn. Ảnh: NAM NGUYỄN

1/Tại TP Hồ Chí Minh, sáu tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 267 vụ tai nạn lao động, số lao động chết, bị thương là 267 người. Tại Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 9.166 công trình xây dựng trong sáu tháng đầu năm 2022. Qua đó, lập hồ sơ xử lý 179 trường hợp, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn lao động với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố, kiểm tra 40 doanh nghiệp, công trình xây dựng thực hiện an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ. Theo Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố) Tạ Văn Dưỡng, đoàn phát hiện nhiều lỗi của các doanh nghiệp. Nhiều công trình che chắn không đúng quy định, hệ thống điện không đạt yêu cầu...

Ghi nhận tại một công trường xây dựng tại tỉnh Bắc Giang, khi có thanh tra đến làm việc, gần 200 lao động đang làm việc tại đây đã phần lớn trả lời đúng những câu hỏi về an toàn lao động. Thế nhưng lúc làm việc, một số người không mang bảo hộ, nhiều người không đeo dây bảo hiểm khi làm việc trên cao, họ chỉ đeo khi thấy nguy hiểm. Tại công trường có rất nhiều nguy cơ mất an toàn như vật liệu vứt ngổn ngang, các lỗ thủng không có rào chắn hoặc chỉ đậy sơ sài, thang máy không khóa, vận thăng đi hở, cửa thang máy chờ không chắn kỹ trong khi cán bộ phụ trách an toàn ở đây vẫn khẳng định lao động được tập huấn đầy đủ và công trường an toàn.

Tại các công trình, rất nhiều nhà thầu phụ, nhóm thầu phụ chỉ thuê lao động theo thời vụ, không mua bảo hiểm xã hội mà chỉ mua loại bảo hiểm tai nạn. Kiểm tra 30 công trình cho thấy, nhiều đơn vị không huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hoặc chỉ huấn luyện qua loa, không thực hiện đúng nguyên tắc trong quy chuẩn xây dựng. Tai nạn lao động trong xây dựng không chỉ do vi phạm những quy tắc an toàn mà còn do sai sót trong thiết kế của các công trình.

2/Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong an toàn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành đã quy định rất rõ những việc chủ công trình xây dựng phải làm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật lao động của chủ công trình, cùng sự thiếu hiểu biết của người lao động. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời xử phạt nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải tự nâng cao kiến thức về an toàn lao động để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Đáng lưu ý, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm khoảng gần 70% số vụ tai nạn lao động, chủ yếu do điện giật, ngã từ trên cao xuống... Nguyên nhân cơ bản là các nhà thầu chính đã bán thầu cho các đơn vị nhỏ, lẻ làm theo kinh nghiệm, không xây dựng phương án thi công và không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn. Ngoài ra, công nhân, người thuê việc không được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ hoặc có trang bị nhưng không sử dụng, dù phải làm việc ở nơi cheo leo… Có khi công nhân lại chưa biết sử dụng hết quyền của mình là có thể từ chối thực hiện công việc khi điều kiện an toàn không bảo đảm. Chỉ khi tai nạn xảy ra, những vi phạm mới bị phát hiện thì sự đã rồi.

Thực tế cho thấy, pháp luật của nước ta về an toàn lao động trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành nghề thường xảy ra tai nạn lao động đã được quy định khá đầy đủ, chi tiết. Vấn đề chính vẫn nằm ở khâu thực thi và kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên trách còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, để giảm thiểu các vụ mất an toàn lao động từ nguyên nhân chủ quan, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn. Cần thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm lớn, kéo dài, không khắc phục triệt để cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ sản xuất, thi công. Với những vụ tai nạn gây thương vong, nếu đủ căn cứ do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định chung về an toàn lao động, cần xem xét chuyển cơ quan điều tra, xử lý nghiêm để làm gương.

Về lâu dài, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần quan tâm thích đáng đến việc rèn luyện kỹ năng an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa làm việc an toàn cho học viên. Đối với người lao động, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động phải đi sâu, hướng dẫn cho họ biết cách nhận thức và thấy rõ những nguy cơ tai nạn để chủ động có biện pháp phòng ngừa.