Nâng cao năng lực thích ứng

Trong khi tất cả các dự báo đều cho biết, năm 2023 kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái; việc nhận diện những thách thức của bối cảnh và động lực của nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng để Việt Nam chủ động vượt qua khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Thúc đẩy đầu tư công là yếu tố quan trọng để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: HẢI NAM
Thúc đẩy đầu tư công là yếu tố quan trọng để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: HẢI NAM

Trong “nguy” có “cơ”

Tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam ngày 11/1 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, năm 2022 kinh tế thế giới phục hồi hết sức bấp bênh, tăng trưởng thấp nhất trong hai thập kỷ vừa qua (không kể thời điểm cao trào của dịch bệnh năm 2020 và khủng hoảng tài chính 2008-2009).

Bước sang năm 2023, môi trường quốc tế và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều biến động, rủi ro, nhiều mặt sẽ khó khăn, thách thức hơn; mặc dù trong “nguy” có “cơ” nhưng “nguy” nhiều hơn “cơ”.

Cụ thể, theo Thứ trưởng, kinh tế thế giới đang mất dần động lực tăng trưởng (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu dự báo sẽ suy giảm), đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự báo một phần ba nền kinh tế trên thế giới sẽ suy thoái trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế cao (kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 730 tỷ USD, gần gấp đôi quy mô GDP) cũng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng phát triển chậm lại của kinh tế thế giới.

Cụ thể, đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường Mỹ và EU giảm dần từ quý III/2022 và dự báo sẽ còn giảm tiếp cho đến nửa đầu năm 2023. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam rớt xuống dưới ngưỡng trung tính (50 điểm) liên tiếp trong hai tháng 11, 12/2022 và việc hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu phải giảm nhân công đã phản ánh rõ điều này. Ngoài ra, vốn đăng ký FDI năm 2022 đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với năm 2021 cho thấy nguồn lực đầu tư từ nước ngoài đang yếu đi.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 sẽ chậm lại, chỉ từ 2,2-2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái và điều này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Cụ thể, trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay thì có sáu nước và vùng lãnh thổ được dự báo sẽ có suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn (gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Công (Trung Quốc). Trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam), chỉ có Trung Quốc và Thailand có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023, các đối tác còn lại (thí dụ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Công, Mỹ) được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.

Trong khi đó, các số liệu thống kê của năm 2022 cũng cho thấy một số vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như: giải ngân đầu tư công vẫn chậm (chỉ đạt 67,27% kế hoạch), cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn (143,2 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong năm 2022, tăng 19,5% so với năm 2021), chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh còn nhiều vướng mắc, rào cản, hiện tượng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và mức độ can thiệp vào thị trường của cơ quan quản lý có xu hướng gia tăng…

Từ đó, “mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua cho kế hoạch năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực thích ứng ảnh 1

Việc triển khai các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường. Ảnh: NGUYỆT ANH

Chủ động nguồn lực

Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, trước những khó khăn, thách thức nói trên, Việt Nam vẫn có “khe cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn nội tại của nền kinh tế.

Cụ thể, ông Thành nói rằng, kể cả trong kịch bản xấu nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể còn ba lần tăng lãi suất thì lần cuối cùng sẽ kết thúc vào tháng 5/2023, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, từ cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô do không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD và áp lực tỷ giá qua đi.

Động lực thứ hai, theo vị chuyên gia, sẽ đến từ việc Trung Quốc nới lỏng giãn cách từ 8/1 và mở cửa hoàn toàn trong thời gian tới. Theo đó, Trung Quốc có thể sẽ gặp sự hỗn loạn trong giai đoạn đầu mở cửa nhưng từ cuối quý II/2023 quốc gia này sẽ tạo được “cú huých” về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tín hiệu lạc quan đầu tiên cho kinh tế Việt Nam năm nay là Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1 vừa qua, GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng thêm 0,1 điểm % từ động thái này.

Cùng với đó, ông Lực thông tin, một động lực lớn của năm 2023 là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 (trọng tâm là chính sách đầu tư công) sẽ được đẩy nhanh hơn. Trong năm 2023, sẽ có gần 730 nghìn tỷ đồng đầu tư công được giải ngân, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng 38,1% so với dự toán năm 2022. “Thúc đẩy đầu tư công được đánh giá là cực kỳ quan trọng cho triển vọng tăng trưởng năm 2023”, ông Lực nói.

Một điểm đáng chú ý năm 2023 được ông Lực nhấn mạnh là Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, một loạt các luật đang và sẽ được Quốc hội bàn bạc, thông qua như Luật Đất đai sửa đổi (dự kiến thông qua vào tháng 10/2023), Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng...

Ngoài ra, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia như CPTPP và RCEP... sẽ thiết lập nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi.

Nhận định vào khả năng vượt các “cơn gió ngược” của Việt Nam trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, trong bối cảnh khó khăn của năm 2022 nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng GDP 8,02%, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 730 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm...) cho thấy năng lực thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế nước ta. Điều này không chỉ tạo dư địa cho điều hành vĩ mô năm 2023 mà còn là nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của giai đoạn 2023-2025.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, nguồn lực của chúng ta có hạn nhưng sự sáng tạo là vô hạn. Vì vậy, đây cũng trở thành phương châm, cách tiếp cận mới trong chủ trương phát triển kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được dự báo GDP sẽ tăng trưởng 6,3%.