Nâng cao hiệu quả của sổ liên lạc điện tử

Phụ huynh có con trong tuổi ăn tuổi học hiện nay đều không lạ với sổ liên lạc điện tử.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là một phương tiện để nhà trường cập nhật về tình hình học tập và các thông tin về quá trình theo học của học sinh tới phụ huynh. Thế nhưng, những lích kích và bất tiện của hình thức này cũng như sự cập nhật, tương tác không thường xuyên khiến cho nhiều phụ huynh cảm thấy “có cũng như không”.

Trong bữa trưa công sở, chị Minh Phương - một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, khi con mới vào nhập trường, nhà trường đã yêu cầu chị cài đặt ứng dụng sổ liên lạc điện tử. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, chị cảm thấy thông tin trên ấy không nhiều, khi hết học kỳ 1 và học kỳ 2 mới có thông tin, còn lại những thông tin khác, không cập nhật thường xuyên. Trong khi đó, giáo viên chủ nhiệm lớp con chị thì hằng ngày đều thông tin qua ứng dụng Zalo. Chị Phương Hoa có hai con học ở quận Hai Bà Trưng cũng góp chuyện, sau một thời gian sử dụng, đa phần phụ huynh đều… quên mật khẩu vào eNetViet. Quên, bởi năm thì mười họa mới vào. Thường thì chỉ cuối học kỳ, khi nhà trường cập nhật điểm thi của các con, chị Hoa mới vào. Còn bình thường, vào “cũng chẳng có thông tin gì”. Theo lời chị Hoa, các chức năng trên sổ liên lạc điện tử như: điểm danh, xin nghỉ học, thời khóa biểu, nhiệm vụ, bài tập, đăng ký, khảo sát; bảng điểm học tập; nhiệm vụ học tập; hoạt động hằng ngày đều không hiệu quả bởi tất cả những thông tin đó giáo viên chủ nhiệm đã thông tin hằng ngày, hằng giờ trên các nhóm chat miễn phí nên nhiều phụ huynh hầu như không còn sử dụng nữa.

Bản thân giáo viên cũng không thấy thuận tiện và thoải mái khi sử dụng sổ liên lạc điện tử. Trong khi đó, các ứng dụng miễn phí như Zalo, Viber, Facebook… lại khá quen thuộc với các thầy, cô giáo. Ngoài ra, các ứng dụng này cho phép giáo viên và phụ huynh tương tác nhanh gọn và kịp thời hơn là chỉ nhận thông tin một chiều từ sổ liên lạc điện tử.

Thực tế đang cho thấy, sổ liên lạc điện tử chưa phát huy được tác dụng. Nhiều nhà trường buộc phải yêu cầu phụ huynh dùng cũng có thể chỉ là cách “đối phó”.

Để sổ liên lạc điện tử phát huy tác dụng, cần có sự cải tiến nhiều hơn, đồng thời “cơ sở dữ liệu” của mỗi học sinh cũng phải được cập nhật thường xuyên hơn. Như thế mới khuyến khích được người dùng, đồng thời mới xứng đáng là nơi cung cấp mọi thông tin của học sinh, để phụ huynh luôn cảm thấy cần thiết phải sử dụng. Bằng không, ở thời điểm 4.0 như hiện nay, cần có sự mạnh tay bỏ đi những gì chưa đáp ứng được, để tránh lãng phí tiền bạc và cũng là tránh bệnh hình thức.