Người đầu tiên của xã vào đại học
Chỉ nằm cách trung tâm TP Hòa Bình (Hòa Bình) 25 km nhưng đường về xã Độc Lập không dễ như nhiều người tưởng tượng. Con đường có tới mấy khúc cua tay áo, mùa mưa đường nhớp nháp xe dễ trượt bánh. Tuy nhiên, đến nơi hỏi thăm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Độc Lập Nguyễn Trung Kiên thì ai cũng biết, vì Kiên chính là người đầu tiên của xã trúng tuyển vào đại học cách đây hơn chục năm trước.
Trước đây, xã Độc Lập thuộc diện xã đặc biệt khó khăn (nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ), đời sống của bà con còn rất vất vả, nhưng Kiên đã chăm chỉ học tập và ghi danh vào trường đại học. “Tôi là người đầu tiên trúng tuyển đại học ở xã, đó vừa là tin vui vừa là gánh nặng cho gia đình. Lúc đó mẹ tôi còn đang ốm đau, tôi mới bảo mẹ cứ cho con ra Hà Nội học rồi con đi làm thêm, nếu không theo được con sẽ đi về nhà”, Kiên nhớ lại.
Vượt qua những năm tháng sinh viên đầy khó khăn, thiếu thốn, Kiên tốt nghiệp đại học năm 2013. Sau đó chàng trai về làm cho Công ty CP Bảo vệ thực vật I Trung ương với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Được giao phụ trách khu vực các huyện Đông Anh, Mê Linh - vùng chuyên canh hoa màu lớn của Hà Nội, nhận thấy rất nhiều nông dân có điều kiện kinh tế tốt cho dù gia đình chỉ làm nghề nông. Nghĩ về quê hương Độc Lập, Kiên nhận ra bà con quê mình cũng làm nông nghiệp và rất chăm chỉ nhưng đời sống còn vất vả do thiếu áp dụng khoa học - kỹ thuật và thiếu người khởi xướng. Vậy là chàng trai quyết định về quê sau 2 năm làm việc ở Thủ đô.
Bằng sự năng động và nhạy bén thị trường, Kiên cũng đã tự nghiên cứu ra các sản phẩm trà bí đao, xà phòng mướp đắng, bí xanh, than tre và bông tăm xơ mướp với thương hiệu “Ethnic Farm - Nâng tầm nông sản vùng dân tộc thiểu số” để đa dạng sản phẩm đầu ra cho HTX.
Giúp hàng chục hộ thoát nghèo
Với số vốn khởi nghiệp ít ỏi khoảng 20 triệu đồng, Kiên ban đầu mở một cửa hàng vật tư nông nghiệp phục vụ bà con địa phương. Sau đó, trên chính những thửa ruộng trước đây trồng lúa, Kiên đã thay đổi cây trồng sang bí xanh và thu được kết quả tốt. Bà con hàng xóm thấy mô hình hiệu quả đã học hỏi kinh nghiệm của Kiên và bí xanh dần trở thành cây trồng phổ biến ở xã.
Năm 2020, Kiên đã vận động được một số bà con thành lập HTX Độc Lập. Kiên quyết tâm liên kết được những hộ nông dân lại để cùng nhau góp vốn sản xuất. “Khi vào HTX bà con yên tâm được hướng dẫn sản xuất, được cung cấp phân bón ứng trước để sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Khi nào thu hoạch xong 3 tháng mới phải thanh toán cho các đơn vị”, Kiên cho biết.
Nhờ lao động chăm chỉ của xã viên và kiến thức nông nghiệp của Kiên áp dụng, HTX càng ngày càng phát triển. Lúc mới đầu, HTX có 10 thành viên chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, sau 2 năm hoạt động tất cả các hộ đã thoát nghèo. Mỗi năm HTX kết nạp thêm một vài xã viên và tập trung giúp đỡ các hộ đó thoát nghèo trên chính những thửa ruộng của họ. Đến nay, HTX đã có 3 tổ gồm tổ nuôi dê khoảng 3.000 con, tổ sản xuất nông nghiệp với 80 hộ sản xuất và tổ dược liệu với diện tích 5 ha của 10 hộ gia đình.
Định hướng mà Giám đốc Kiên theo đuổi là HTX giống như một doanh nghiệp xã hội giúp bà con ổn định sinh kế. Tại các cuộc họp của HTX, Kiên luôn động viên xã viên cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn để tự tin hướng đến thành công. Trong HTX có nhiều thành viên và đối tượng khác nhau, nên Kiên luôn làm việc dựa trên tinh thần dân chủ, dung hòa và hỗ trợ để giữ được niềm tin của mọi người vào những kế hoạch sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Độc Lập cho biết, là người khởi xướng, dám nghĩ, dám làm, anh Kiên đưa những kiến thức đã học để phát triển quê hương, giúp đỡ bà con là điều rất đáng quý. Không những thế, anh còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hướng dẫn bà con trồng các loài cây khác và bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân ổn định đời sống lâu dài.