Nan giải xử lý rác sinh hoạt ở Thái Nguyên

Thời gian qua, người dân nhiều địa phương tỉnh Thái Nguyên than phiền: Nhà máy đốt rác, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt nhả bụi, khói, phát tán mùi hôi, nước rỉ rác tràn ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng sản xuất, sức khỏe, đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù đã phun hoá chất, chế phẩm, chôn lấp kịp thời nhưng vẫn không khắc phục được mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh tại bãi rác Đá Mài.
Mặc dù đã phun hoá chất, chế phẩm, chôn lấp kịp thời nhưng vẫn không khắc phục được mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh tại bãi rác Đá Mài.

Ô nhiễm môi trường

Bãi rác Đá Mài ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên là địa chỉ xử lý rác lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, rộng 25 ha nằm kẹp giữa hai dãy núi, chung quanh là rừng sản xuất, được chia thành hai khu vực, gồm khu chôn lấp và đốt, hằng ngày tiếp nhận 220 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 70 tấn rác được đưa vào nhà máy đốt, 150 tấn được chôn lấp tại bãi rác. Dù những người có trách nhiệm ở đây thưc hiện nhiều giải pháp, như phun chế phẩm, hóa chất, lu lèn phủ đất kịp thời, không để tồn đọng nhưng vẫn không khắc phục được triệt để mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh.

Năm 2017, Nhà máy đốt rác và chôn lấp rác Đá Mài đi vào hoạt động, cách gia đình ông Phạm Văn Đức ở xóm Hồng Thái I, xã Tân Cương chỉ 120 m nên cuộc sống bị ảnh hưởng. Ông Đức cho biết: “Sống gần nhà máy đốt rác, dịp sau Tết Nguyên đán hằng năm hoặc thời tiết âm u, mưa dài ngày là xuất hiện ruồi nhặng bu bám đồ dùng, nền nhà, mâm cơm; nhiều hôm mùi hôi từ nhà máy theo chiều gió tạt vào nhà; khói từ nhà máy có mùi hôi nhả ra luẩn quẩn trong rừng không bay đi được. Tình trạng đó ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe gia đình. Người của nhà máy đốt rác phát thuốc diệt ruồi chết, gà, vịt ăn nên cũng bị ảnh hưởng. Tôi đã làm đơn kiến nghị lên các cấp, mong muốn được chuyển chỗ ở mới”. Gần nhà ông Đức, có hai gia đình nữa cũng đang bị ảnh hưởng từ nhà máy và cũng mong muốn được di chuyển.

Ông Nguyễn Văn Việt, người phụ trách Nhà máy đốt rác và chôn lấp rác Đá Mài cho biết: “Theo quy chuẩn hiện nay, nhà máy đốt rác cách nhà dân tối thiểu 500 m, bãi rác cách nhà dân ít nhất 1.000 m, gia đình ông Đức và hai hộ còn lại đều cách nhà máy dưới

500 m nên cuộc sống bị ảnh hưởng, kiến nghị chính quyền địa phương tái định cư là chính đáng, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Chúng tôi rất băn khoăn, day dứt vì cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Ngay đơn vị chúng tôi, những năm gần đây, nhiều công nhân nhà máy đốt rác, xử lý rác tại bãi chôn lấp xin nghỉ việc vì không chịu được tình cảnh suốt ngày tiếp xúc với rác thải, ảnh hưởng đến sức khỏe, thu nhập thấp”. Theo Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng, cấp ủy, chính quyền thành phố đã giao UBND xã Tân Cương tìm đất, đề xuất phương án di chuyển ba hộ dân này.

Sớm đầu tư nhà máy đốt rác phát điện

Bãi chôn lấp rác Đá Mài cũng đang dần thu hẹp, khu vực phía dưới đã đầy rác, đơn vị xử lý rác tiến hành lu lèn, lấp đất, rải bạt nhựa dày 4 mm lên trên để chống nước mưa thấm xuống, chống mùi hôi bốc lên. Đáy bãi rác Đá Mài được đầm chặt, dải lớp thảm chống thấm dưới nền và chung quanh, cuối bãi là bể thu gom và chứa nước rỉ rác dung tích 400 m3, sử dụng máy bơm nước rỉ rác từ bể chứa lên Trạm xử lý nước rỉ rác có công suất 100 m3/ngày. Tại trạm này, nước rỉ rác đen ngòm được xử lý bằng hóa học, vi sinh đạt tiêu chuẩn nước thải sự với sự giám sát, xét nghiệm, giám định thường xuyên của cơ quan quản lý về môi trường, người dân địa phương trước khi thải ra môi trường.

Việc xử lý nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn về môi trường là không hề đơn giản, bên cạnh việc đầu tư lắp đặt thiết bị xây dựng trạm xử lý nước rỉ từ bãi rác, còn cần vật tư, hóa chất, tiêu tốn điện năng, nhân lực vận hành thường xuyên 24/24 giờ nên rất tốn kém, mỗi ngày tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, đốt rác tốn 450 nghìn đồng/tấn nên đến nay TP Thái Nguyên mới bố trí được kinh phí đốt mỗi ngày 70 tấn rác, nhưng công nghệ đốt và xử lý về môi trường tại Nhà máy đốt rác và xử lý rác Đá Mài đến nay không còn phù hợp. Khí thải trong quá trình vận hành nhà máy được lọc qua bể nước, như so sánh của ông Nguyễn Toàn Thắng thì như sử dụng điếu cày, khói thuốc lào được lọc qua nước. Với công nghệ “điếu cày” đó, không thể khử hết mùi hôi phát tán ra môi trường. Bên cạnh đó, việc chôn lấp mỗi tấn rác cũng tốn hàng trăm nghìn đồng.

Hiện nay có một số doanh nghiệp đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó có đơn vị sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, xỉ đáy lò và tro bay được thu gom triệt để và tái sử dụng. Nếu những nhà máy như thế được đầu tư, đưa vào vận hành, sẽ không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, hằng năm sản xuất sản lượng điện lớn, đóng góp cho ngân sách mà còn sử dụng toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt tại TP Thái Nguyên và các huyện, thành phố lân cận. Qua đó, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm gánh nặng về chi phí xử lý rác thải cho các địa phương và khắc phục tình trạng ô nhiễm từ các bãi rác.