Ngày “ăn quả nhớ người trồng cây”
Không thể tìm được câu tục ngữ nào phù hợp hơn thế khi nói về ý nghĩa ban đầu của ngày kỷ niệm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4. Mỗi người Việt Nam được sống trong hòa bình và hạnh phúc để hân hoan đón chờ ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc hôm nay chính là nhờ công lao của những liệt sĩ đã ngã xuống, những người cựu chiến binh đã gửi lại một phần máu thịt hay thanh xuân của mình nơi chiến trường khi xưa. Bởi vậy, các hoạt động tưởng nhớ và tri ân những liệt sĩ, các cựu chiến binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều người có công với cách mạng phải là những điểm nhấn quan trọng đầu tiên trong dịp lễ trọng đại này.
Sáng 28/4, nhiều địa phương đã tổ chức dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ. Tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh và nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định, trong không khí trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đại biểu đã đặt vòng hoa, dâng hương và mặc niệm tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, thống nhất đất nước. Cùng ngày, lãnh đạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ.
Trong những ngày này, mỗi địa phương đều có nhiều hoạt động tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công với cách mạng. Sáng 26/4, đoàn đại biểu quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã đến thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sáng cùng ngày, đoàn do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Thị Thu Trà làm trưởng đoàn cũng đã đến thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Dịp này, Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã thăm và tặng 36 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn các phường 4, 5, 7, 8, 9, 11, 12 và 13 với trị giá mỗi suất quà 1 triệu đồng.
Biết hồi cố, để tri tân
“Tôi nghĩ điều các liệt sĩ mong muốn nhất ở thế giới bên kia đó là được nhìn thấy nhân dân hạnh phúc, nước nhà phồn vinh. Thực tế nếu nhìn vào một Việt Nam của hiện tại, có lẽ họ chắc chắn sẽ mỉm cười”, đó là chia sẻ chân thành của một vị khách du lịch nước ngoài khi viếng thăm đài tưởng niệm liệt sĩ ở khu di tích Hỏa Lò (Hà Nội). Quả thật, ngày lễ kỷ niệm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước không chỉ là ngày toàn dân sống lại cảm xúc hân hoan của quá khứ, mà từ đó biết trân trọng và khát vọng điều tốt đẹp hơn ở tương lai.
Năm nay, các hoạt động văn nghệ kỷ niệm có xu hướng cộng hưởng cùng nhiều ngày lễ hội truyền thống. Tại Hà Nội, các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa diễn ra trước kỳ nghỉ lễ từ một đến năm ngày, tạo điều kiện cho người dân và du khách trải nghiệm. Phải kể đến các lễ hội truyền thống ở Hà Nội như tại chùa Tây Phương, lễ hội truyền thống chùa Láng, lễ hội truyền thống đền Hát Môn và dâng hương kỷ niệm 1980 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng, cùng lễ hội chùa Thầy… Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng 7 đơn vị trực thuộc cũng đã tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui” tại sân khấu khu vực Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh thuộc không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào tối 28/4 và 8 buổi biểu diễn nghệ thuật tại các quận, huyện: Gia Lâm, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín và Hoài Đức vào tối các ngày từ 28/4 đến 1/5. Đáng chú ý là chương trình tuyên truyền lưu động do Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội tổ chức, bắt đầu từ tối 23/4 tại Sân vận động thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa và theo kế hoạch, chương trình đã đến phục vụ nhân dân tại xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức ngày 24/4, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì ngày 25/4 và nhân dân thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn ngày 26/4.
Tại TP Hồ Chí Minh, các hoạt động chào mừng đại lễ dân tộc chú trọng vào việc giáo dục cho thế hệ sau hiểu được ý nghĩa của những năm tháng lịch sử. Thế hệ trẻ sẽ có dịp sống lại thời khắc trọng đại cùng nhiều cung bậc cảm xúc thông qua triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” và Ngày hội “Non sông thống nhất” được tổ chức tại nhiều địa điểm thuộc trung tâm thành phố như Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, Cung Văn hóa Lao động... Cùng với đó là chương trình nghệ thuật “Việt Nam vang khúc Khải hoàn ca” với sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ thuộc Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Là một trong hai điểm được chọn tổ chức bắn pháo hoa tại thành phố vào 21 giờ ngày 30/4, Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11) sẽ kết hợp giữa pháo hoa hỏa thuật và hệ thống laser nhạc nước khổng lồ trình chiếu những thước phim 3D hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trên mặt hồ rộng 5ha.
Tranh tài trong lễ hội đua ghe ngo lần đầu tổ chức ở TP Hồ Chí Minh.Ảnh: VNEXPRESS |
Nắm bắt cơ hội trong ngày hội của đất nước
Khác với những năm trước, khi các địa phương thường tập trung cho kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 với những hoạt động văn nghệ, năm nay, một số nơi chủ động phát huy ngày hội non sông trở thành điểm nhấn, một dịp quan trọng để quảng bá các thế mạnh địa phương mình, thu hút khách du lịch. Điều này thể hiện qua nhiều hoạt động phong phú như trưng bày bảo tàng, lễ hội ẩm thực hay du lịch tâm linh… Như ở Đà Nẵng, một số bảo tàng đã tận dụng kỳ nghỉ 5 ngày, đưa các hoạt động của bảo tàng thành điểm đến mới mẻ như trường hợp Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mở triển lãm “Sắc màu tháng 4”. Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc bảo tàng cho biết: “Bảo tàng không đóng cửa ngày nào nhằm phục vụ người dân và du khách trọn vẹn”. Trong khi đó, tại các bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mỹ Khê sẽ là những không gian trải nghiệm, điểm trưng bày nghệ thuật trên bãi biển và lễ hội ẩm thực và các cuộc thi: thả diều, đắp tượng cát. Các hoạt động của Đà Nẵng còn mở rộng ra nhiều cộng đồng các dân tộc sinh sống, như “Ngày hội văn hóa dân gian Quảng Đà”, “Giao lưu văn hóa với đồng bào người Cơ Tu”... Cũng trong dịp này, huyện Hòa Vang tổ chức tuần lễ du lịch “Khát vọng Hòa Bắc” với nhiều phần nội dung thiên về văn hóa bản địa của người Cơ Tu.
Tại Quảng Trị, lễ hội “Thống nhất non sông” đã trở thành sự kiện thường niên quan trọng hàng đầu của địa phương, tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Điểm nhấn luôn là lễ thượng cờ ở kỳ đài phía bắc của khu di tích, diễn ra vào đúng 7 giờ sáng ngày 30/4. Chứng kiến lễ thượng cờ trong nhiều năm, người dân địa phương khẳng định, mỗi khi lá cờ khổng lồ được kéo lên trong tiếng nhạc trầm hùng, thì cảm xúc vừa xúc động, vừa tự hào vẫn vẹn nguyên.
Du khách cũng không thể bỏ qua Lễ hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam 2023 tại Quảng Trị với chủ đề “Hồn dân tộc - Vị quê hương” diễn ra từ 28 đến 30/4 tại quảng trường Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt. Đây được xem là lễ hội ẩm thực cấp quốc gia, hội tụ tinh hoa ẩm thực ba miền lần đầu tiên được tổ chức tại địa phương. Lễ khai mạc lễ hội diễn ra vào lúc 20 giờ tối 28/4 với chương trình nghệ thuật đặc sắc. Điểm nhấn của lễ hội tập trung ở mảng ẩm thực, với khoảng 80 gian hàng, mang tới sắc màu dân gian Việt Nam các vùng miền, để từ đó làm nổi bật nét riêng có trong ẩm thực Việt. Không còn là những sự kiện rời rạc nhỏ lẻ, năm 2023 này, Quảng Trị đang làm nên một chuỗi sự kiện để đón du khách ghé chân.
“Chuỗi hoạt động lễ hội dịp 30/4 - 1/5 này như là một lời gọi mời hấp dẫn. Qua đó, cùng truyền tải một thông điệp đến du khách trong và ngoài nước về một Quảng Trị là điểm đến tri ân, của du lịch, của bè bạn, của hòa bình…”, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ. Nhìn rộng ra, mô hình đón đại lễ của dân tộc tại Quảng Trị có thể nhân rộng cho địa phương khác. Theo đó, những ngày trọng đại này không còn chỉ là của riêng người Việt Nam, không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân mà còn phát huy được giá trị lễ hội, thu hút du khách nhằm phát triển kinh tế địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh về một dân tộc nhân văn, yêu chuộng hòa bình.