Múa võ giữ nghiệp lân sư

Nhìn dáng vẻ có nét thư sinh, không ai nghĩ võ sư Nguyễn Lê Thành Tây (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã bước qua tuổi 41. Ở độ tuổi này, thường các võ sư khác sẽ mang hình ảnh của một người thầy nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, thầy Thành Tây lại chọn con đường đi cùng những võ sinh nhỏ tuổi, huấn luyện những “mầm non” trên hành trình luyện võ, luyện người dưới mái nhà chung Dinh Trấn Võ.
0:00 / 0:00
0:00
Võ sư Thành Tây (bên phải) hướng dẫn động tác múa lân sư cho võ sinh.
Võ sư Thành Tây (bên phải) hướng dẫn động tác múa lân sư cho võ sinh.

Múa lân bằng tinh thần thượng võ

Theo võ sư Thành Tây, điều thú vị của bộ môn võ cổ truyền là ở những động tác cận chiến. Đây là nét đặc trưng riêng của môn này. Khi huấn luyện võ sinh nhỏ tuổi, võ sư Thành Tây luôn đề ra mục tiêu người học võ cần thể hiện rõ nét đẹp của việc cận chiến. Đó là nền tảng quan trọng để khi kết hợp võ với môn múa lân sư, thể trạng và sự dẻo dai của người múa lân được bảo đảm tốt nhất.

“Môn võ cổ truyền là một nét văn hóa độc đáo. Trải qua những năm tháng luyện tập cùng sư phụ, tôi nhận ra võ đường phải gắn liền với ngôi nhà của mình. Những đêm trăng sáng, cả lớp rủ nhau ra sân trải chiếu ngồi trò chuyện, người thầy và các võ sinh cùng sinh hoạt trong một nhà, tình huynh đệ được gắn kết từ đây”, võ sư Thành Tây cho biết.

Đưa võ cổ truyền vào múa lân sư là bước đi quan trọng nhằm lưu truyền bộ môn võ thuật. Từng tham gia các cuộc thi đấu võ sòng phẳng, công bằng và minh bạch, võ sư Thành Tây mang tinh thần đó trao lại cho các võ sinh ở Dinh Trấn Võ cùng học tập, phát huy. Từ kỹ năng đơn giản nhất là điều khiển hơi thở cho đến việc nhẫn nại, kỷ luật đều góp phần xây dựng tinh thần thượng võ, một phần trong việc trao truyền nét đẹp tôn sư trọng đạo của môn võ cổ truyền.

Tự hào Kim Sư Phố

Năm 2017, tên tuổi Kim Sư Phố, một đoàn múa lân kết hợp với các động tác võ chính thức ra đời. Để khán giả chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp của lân, từng hình thái, cử chỉ do người múa thực hiện luôn là mối quan tâm đầu tiên của võ sư Thành Tây. Mỗi tuần ở Dinh Trấn Võ có 3 buổi tập luyện. Tính nề nếp xuyên suốt quá trình tập trung, chuẩn bị đạo cụ, khởi động cơ thể rồi đến việc lên sân. Có những bài võ kéo dài vài tháng trời. Đây là quá trình để các võ sinh chú ý từng tư thế, cách tạo hình thái.

Trong môn múa lân sư, một khi đã lên giàn thì không còn cơ hội sửa đổi, góp ý. Bởi vậy, gần 50 võ sinh duy trì khí thế tập luyện với cường độ liên tục, bài bản theo sát giáo trình được thầy Thành Tây biên soạn, đạo diễn. Tiếng trống vang lên, cường độ tung thế đá, từng cú xoay người tăng lên cao. Với những bài võ thực hiện theo nhóm năm người, nhịp hô sau khi dứt một động tác vang dội cả phòng tập.

“Thực tế ở một số võ đường hiện nay khi người thầy giảm dần sức khỏe vẫn chưa có lớp kế cận sẵn sàng tiếp nối nghiệp võ. Tôi thường dặn các võ sinh tại Dinh Trấn Võ rằng, bây giờ các con học từ thầy nhưng sau này lớp trẻ sẽ gọi các con là thầy. Tôi nói điều đó từ sớm nhằm gieo vào tiềm thức của các em niềm tin và sự tự hào về võ cổ truyền”, võ sư Thành Tây chia sẻ.

Hành trình xây dựng Kim Sư Phố đến mức đạt chuẩn đi thi đấu cần nhiều thời gian. Các võ sinh không thể nhớ bao nhiêu lần bị thầy Thành Tây rầy la. Võ sinh Lương Gia Huy, 13 tuổi, trú phường Điện Minh (Điện Bàn) theo học võ được hơn 5 năm. “Thầy hay la mỗi khi tụi em tập sai bài. Cả lớp đều hiểu đó cũng vì thầy muốn mọi người tiến bộ. Học võ là để nâng cao sức khỏe cho chính mình”, Gia Huy nói.

Dưới mái nhà chung Dinh Trấn Võ, những bài tập giữa nền tảng văn hóa và yếu tố kỹ thuật được kết hợp tinh tế với nhau. Tiếp theo đó, mỗi động tác, mỗi bước đi của lân đều mang trong mình sự tôn kính đầy hiếu lễ. Múa lân sư không chỉ là một biểu tượng mà đó còn là một phần của cuộc sống, là tâm hồn của cả một cộng đồng yêu múa võ truyền thống.

Từ khi hoạt động đến nay, Dinh Trấn Võ từng đoạt được nhiều giải thưởng như Giải nhất môn Địa Bửu khu vực miền trung - Tây Nguyên tổ chức tại Hội An năm 2017; Giải ba toàn quốc diễn ra tại Cần Thơ năm 2018; Giải nhì quốc tế tại TP Đà Nẵng năm 2018; lọt vào tốp 5 quốc tế tại Malaysia năm 2018; Giải nhất quốc tế tại TP Đà Nẵng năm 2019; Giải nhất Địa Bửu và Giải nhì Mai Hoa Thung quốc tế tại Thailand năm 2019; Giải nhất Hội Lân Huế năm 2019.