Mưa côm cốm

Thu đến, gió đem theo mùi hương của lúa thơm len lỏi qua từng ngõ ngách, từng cung đường xa tít tắp. Một năm có hai ngày mà những người con gái, những đứa cháu đi về với cha mẹ, ông bà ngoại.

Mùa xuân mang theo bánh khảo, bánh toóc lưng gù, đôi gà sống thiến, một miếng thịt lợn độ 1 - 2 kg luộc chín tới. Đấy là cha mẹ còn sống, nếu chẳng may cha hoặc mẹ không còn thì đem theo con gà thiến luộc chín. Mùa thu đem về nhà bà ngoại bánh tái (giống như bánh gai), bánh toóc và đôi vịt. Một trong hai hoặc cha mẹ không còn thì đem theo vịt luộc chín để đặt lên bàn thờ cúng bái.

Tôi lại nhớ một thời từng theo mẹ đi về với ngoại. Đây là ngày họp mặt gia đình, các bá, dì cùng các chị em đến với bà ngoại ăn bữa cơm sum họp. Đường về nhà bà ngoại băng qua rừng, con đường mòn chảy vắt ngang núi. Đường đi hẹp chỉ đủ người gánh đồ chuyển vai không chạm vào cành cây hai bên đường. Tưởng như đi vào thung khe thắt lại nhưng vượt qua cái keng bước xuống một thung lũng rộng mở ra trước mắt. Cánh đồng lúa xanh um mướt mát, lá dập dềnh theo ngọn gió thu. Hương lúa thơm thật dễ chịu biết bao. Mùi hương đã đi vào ký ức của tôi khi thành phố có nhiều bụi bặm và khói từ các nhà máy ngày đêm theo đường ống sắt tuôn thẳng lên trời.

Ấy là tháng của những loại quả rừng chín mọng, quả vả, quả mác nhầu, quả dâu da, quả mác mật, nhãn, đến quả lê bóng chín thơm lừng trong vườn nhà bà ngoại mà khi về, lúc nào trong làn của mẹ cũng có vài quả to như hai nắm tay. Bữa cơm trưa hội tụ các dì, các bá, anh chị em. Những lời hỏi thăm và động viên trực chào trên môi của các mẹ. Tôi nhìn bà như vui hơn. 

Mùa thu, những cơn mưa chợt đến chợt đi. Trời lúc mưa lúc nắng. Ngày cầu vồng xuất hiện đôi ba lần in hình trên nền trời xanh thẳm. Mà lũ chúng tôi gọi đó là mưa côm cốm. Bởi chẳng bao lâu nữa mùa cốm bắt đầu, sâm sẩm tối những cái cối đá để trước hiên nhà bắt đầu rộ lên bởi tiếng giã cốm thủ công. Cốm ngon và thơm, không cần vẩy nước lá lúa, chẳng cần gói bằng lá sen, cốm giã xong là ăn ngay cạnh cối đá. Cốm cứng quá thì đem nước sôi để nguội trộn rồi đem mo tre, mo mai về gói rồi đặt dưới đáy cái lồ ngô. Sáng hôm sau sẽ có được một cái bánh cốm dẻo, thơm, ngon nức mũi.

Thu lại về. Đã bao lâu rồi tôi không đi về quê ngoại? Thời gian đằng đẵng, công việc lôi cuốn con người ta đi mải miết, khiến đôi lúc ta không còn nhớ đến nguồn cội. Từng lớp người sinh ra, bao lớp người trở về cát bụi bao la, được đất mẹ đón về ấp ủ, chở che. Không ai có thể cưỡng lại được quy luật tự nhiên cả. Bố mẹ đều đã già, bà ngoại đã trở thành người thiên cổ từ lâu. Các con tôi theo mẹ về quê ngoại, tôi một mình ở nhà ôn lại kỷ niệm xưa. Giờ đây khắp các ngả đường về các bản làng xa đều đã có đường giao thông thông suốt, không còn phải bước bộ như thời đi cùng mẹ, đi với bà ngoại nữa. Tối đến bản nào cũng có đèn điện sáng soi cả một góc rừng xa.

Đi ra phố chợ thấy người mua kẻ bán lá dong tấp nập, đường phên đỏ, đỗ xanh, lạc, vừng, lá gai làm bánh, lòng tôi dâng lên miền ký ức. Ngày những người con đi về với bố mẹ, anh chị đang gần lắm rồi. Trong lòng thầm ước mong cơn mưa côm cốm đừng nhằm vào ngày mà những người con, cháu đợi chờ đi về với bố mẹ, anh em ăn bữa cơm sum vầy.