Mong trái tim người trong trí tuệ nhân tạo

Là một trong những nhà văn hiếm hoi cùng lúc sở hữu hai giải thưởng văn chương danh giá: giải Man Booker (1989) và giải Nobel Văn chương (2017), Kazuo Ishiguro được xem là một trong những nhà văn Anh ngữ nổi bật với tài năng không thể phủ nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Mong trái tim người trong trí tuệ nhân tạo

Đặc biệt, trong số khá nhiều các tác phẩm của ông, ta luôn thấy ở đó phần nào những dự cảm về một thế giới tương lai trong bối cảnh giả tưởng mà thông qua đó ông đã làm nổi bật lên những triết lý nhân sinh sâu sắc về đời sống con người. Sau “Mãi đừng xa tôi” thì “Klara và mặt trời” là một tác phẩm tiếp theo của ông về thế giới giả tưởng dưới một góc nhìn tinh tế và đầy ám ảnh.

“Klara và mặt trời” cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Kazuo Ishiguro kể từ khi được trao giải Nobel Văn học. Mới đây, cuốn sách đã được dịch giả Lan Young chuyển ngữ và được NXB Văn học ấn hành. Lấy bối cảnh về thế giới tương lai, ông kể lại câu chuyện dưới góc nhìn của Klara, một “người bạn” AI (trí tuệ nhân tạo) với khả năng quan sát tỉ mỉ sâu sắc. Từ vị trí của của mình, ngồi sau quầy kính trưng bày, Klara đã nhìn ra thế giới. Một thế giới của con người dưới góc nhìn của một người máy. Thế giới ấy ngây thơ, mơ hồ nhưng cũng không kém phần khiến cho ta bứt rứt với những nỗi cô đơn, bất ổn thoáng hiện. Và cuối cùng khi gấp cuốn sách lại, câu hỏi đặt ra còn canh cánh trong lòng mỗi chúng ta: “Làm người có nghĩa là gì?”.

Kazuo Ishiguro đã vẽ nên một bức tranh đa sắc màu về cuộc sống ở thế giới tương lai, nơi có những máy móc và thiết bị tiên tiến giúp đỡ con người trong nhiều vấn đề của cuộc sống. Giữa một thế giới văn minh hiện đại ấy, ta thấy thấp thoáng đâu đó những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, cải tạo gien, những áp lực vô hình từ cuộc sống khiến cho con người ngày càng trở nên cô độc. Để rồi, cuối cùng, họ lựa chọn làm bạn với những AF - những trí tuệ nhân tạo thay vì một người bạn bằng xương bằng thịt.

Phải là một thế giới như thế nào để người ta lựa chọn sở hữu một robot giống với con người về bầu bạn với con của mình? Ta có thể ngầm tưởng tượng ra, ở thế giới ấy, sự văn minh hiện đại có thừa nhưng cũng đồng nghĩa với việc con người càng ngày càng trở nên cô độc với những nỗi bất an luôn ám ảnh.

Bằng lối diễn đạt điềm đạm, khách quan cùng với những hình ảnh dụ ngôn giàu hình tượng, “Klara và mặt trời” khiến độc giả trăn trở về ý nghĩa của sự sống, cái chết, đồng thời khám phá tình yêu và lòng trung thành qua góc nhìn của một người máy. Giữa muôn vàn những nhận định hoài nghi tiêu cực về tác động của công nghệ, AI, tác phẩm giúp người đọc có một cái nhìn lạc quan và bao dung hơn về mối quan hệ giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Ishiguro đã tạo ra một thế giới trong tương lai gần, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ông đã gieo vào lòng độc giả những trăn trở, suy tư.