Mối nguy hiểm từ ma túy “núp bóng” đồ uống, bánh kẹo

Lợi dụng khối lượng hàng hóa lưu thông tăng cao dịp cuối năm, nhiều đối tượng đã pha trộn các chất kích thích, ma túy vào các loại nước giải khát, bánh kẹo để dễ dàng hơn trong việc mua bán trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm chứa chất ma túy được rao bán công khai trên mạng xã hội.
Sản phẩm chứa chất ma túy được rao bán công khai trên mạng xã hội.

1/Không còn tồn tại ở các dạng thường thấy như dạng viên, dạng bột, hay tẩm trong thuốc lá… nhiều chất kích thích, ma túy đang trà trộn vào đời sống trong nhiều hình dạng khác nhau, nguy hiểm nhất là các loại bánh kẹo, trà sữa, nước trái cây mà bằng mắt thường không thể phát hiện được. Các loại bánh kẹo này hầu như có xuất xứ từ nước ngoài, được đưa về Việt Nam theo đường tiểu ngạch nhằm qua mắt cơ quan chức năng.

Tinh vi hơn, có nhiều đối tượng còn tự sản xuất, điều chế để “chế” ra các loại chất mới, có hiệu ứng tương tự các chất gây ảo giác, các chất gây nghiện. Sau đó sẽ tẩm vào các loại bánh kẹo, nước uống để dễ dàng hơn trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ. Có nhiều sản phẩm ma túy “núp bóng” đã bị lực lượng chức năng phát hiện như: Nước trái cây “Cristy Fruit” có chứa chất ma túy Bromazepam, Nimetazepam, kẹo socola hiệu “Chill Max”, nước vui, nước biển, bánh lười “Lazy Cakes” chứa cần sa; tinh dầu thuốc lá điện tử; nước nho Ribena, trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy ketamine, MDMA; ma túy “đông trùng”... Tất cả các chất trên đều gây nguy hiểm tới tính mạng.

Không chỉ xâm nhập vào thị trường qua hình thức trà trộn, các dạng ma túy mới này còn được mua bán dễ dàng trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Các dòng quảng cáo như “an toàn mà vẫn rất phê, xua tan căng thẳng mệt mỏi, giúp ăn ngon ngủ tốt mà không lo nghiện” hay “bao phê, sử dụng an toàn không lo công an bắt”… rất phổ biến trong các hội nhóm kín trên mạng xã hội Facebook hoặc Telegram, bất cứ ai cũng có thể mua được các loại ma túy trá hình này. Chỉ với vài trăm nghìn đồng, giao dịch đơn giản không cần chứng minh độ tuổi, mua không số lượng, các loại ma túy trá hình đang len lỏi vào đời sống người dân, nhất là thế hệ trẻ.

2/Rất nhiều sản phẩm như: Thạch, bỏng ngô, kem… với hàm lượng cần sa được kiểm soát nghiêm ngặt hợp pháp tại nước ngoài, nhưng tại Việt Nam hiện nay cần sa vẫn là chất cấm, không được phép buôn bán và sử dụng đại trà. Thế nhưng, thực tế vẫn có rất nhiều “kênh” mua hàng “núp bóng” dưới dạng các sản phẩm nói trên. Với những người sử dụng lần đầu, dù là một liều lượng nhỏ cũng có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.

Có những trường hợp do không đủ “độ phê” đã gia tăng hàm lượng sử dụng dẫn đến nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Mới đây nhất tại Hà Nội, một phụ nữ đã nhập viện trong tình trạng ngộ độc cần sa sau khi ăn một lượng bỏng ngô được con đặt mua trên mạng. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc cần sa tẩm trong bỏng ngô, trước đó đã ghi nhận các trường hợp do cần sa được tẩm trong bánh ngọt, thuốc lá điện tử, thuốc lào, trà sữa,…

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân vô tình ăn phải những thức ăn có chứa cần sa hoặc các chất kích thích khác thường gây cảm giác hưng phấn, nói nhảm, nhịp tim nhanh, đồng tử giãn… Nặng có thể dẫn đến nôn mửa, chóng mặt, mê sảng mất nhận thức… Nếu phát hiện có những triệu chứng trên, người dân phải lập tức báo cơ sở y tế gần nhất và người thân nên cho uống nhiều nước trong lúc chờ cấp cứu, có thể dùng viên than hoạt tính (Acticarbine 70mg) để hạn chế sự hấp thụ.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ nguồn từ nước ngoài, mỗi người dân cần tự đề phòng và nâng cao cảnh giác trong việc mua bán hàng hóa, đặc biệt là mua hàng trên mạng. Trong dịp cuối năm, khi nhu cầu tăng sẽ kéo theo nguồn cung tăng với đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, ma túy có thể theo con đường này để mở rộng hơn đối tượng sử dụng. Cần mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ và có nhãn hiệu đầy đủ để bảo đảm an toàn cho cả bản thân và gia đình.

Theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, có 47 chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; 434 chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định; 76 chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định; 60 tiền chất có cấu trúc ma túy và dùng trong quá trình sản xuất chất ma túy bị cấm.