Mở nhiều kênh xúc tiến du lịch cao nguyên đá

Có tiềm năng di sản văn hóa, nghề truyền thống để phát triển du lịch nhưng điều quan trọng không kém là phải tìm ra và sáng tạo trong cách khai thác những tiềm năng đó. Nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tìm đường, phát huy với những mức độ thành công khác nhau. Thời Nay xin chia sẻ một số kinh nghiệm từ cao nguyên đá Hà Giang qua cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình (ảnh).
0:00 / 0:00
0:00
Du khách xem thông tin giới thiệu về tuyến đi bộ Vách đá trắng, sản phẩm du lịch mới trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Ảnh: K.MINH
Du khách xem thông tin giới thiệu về tuyến đi bộ Vách đá trắng, sản phẩm du lịch mới trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Ảnh: K.MINH
Mở nhiều kênh xúc tiến du lịch cao nguyên đá ảnh 1

Bà Triệu Thị Tình: Từ định hướng của T.Ư, Hà Giang đã đề ra nhiều chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch. Như Nghị quyết 11 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế với ba khâu đột phá là biên mậu, giao thông, du lịch; Nghị quyết 27 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đời sống các dân tộc thiểu số… Hà Giang đã xác định lấy văn hóa để phát triển du lịch và phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa.

Phóng viên (PV): Nền tảng văn hóa cho du lịch được khai thác song song với giữ gìn như thế nào thưa bà?

Bà Triệu Thị Tình: Hiện cả tỉnh có 27 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kết hợp giữa các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đã góp phần tạo ra những cơ hội lớn để Hà Giang phát triển du lịch với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch độc đáo có tính cạnh tranh cao và định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước.

Coi di sản là nguồn lực đầy tiềm năng, các địa phương đã linh hoạt phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc phục vụ phát triển du lịch rất hiệu quả. Trong đó sự hình thành và hoạt động của 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng là minh chứng rõ nét. Tiêu biểu như tại làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) có 28 hộ phát triển du lịch. Làng văn hóa cộng đồng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) cũng có 28 hộ làm du lịch… Các làng này đều thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú.

Tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Chẳng hạn như tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Nậm Đăm với 100% là đồng bào dân tộc Dao, những ngôi nhà trình tường được xây dựng theo kiến trúc truyền thống tiêu biểu của người Dao chính là điểm đặc biệt thu hút khách du lịch ngay từ những bước chân đầu tiên vào làng. Hiện, Nậm Đăm đã phát triển mô hình du lịch homestay do chính đồng bào dân tộc Dao làm chủ, cung cấp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cùng các trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người Dao.

PV: Bà có thể cho biết về một số cách làm cụ thể với những sáng tạo mới?

Bà Triệu Thị Tình: Chúng tôi luôn chú trọng quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch Hà Giang ở trong nước và quốc tế qua việc chuyển đổi số, tận dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube, các trang web của ngành, của địa phương. 10 năm qua chúng tôi đã khởi xướng và liên kết với tám tỉnh phía bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch.

Để lan tỏa hình ảnh, tỉnh đã phối hợp báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế và các đoàn thể T.Ư nhằm cập nhật thông tin về văn hóa, du lịch của Hà Giang, tổ chức các hội nghị xúc tiến, thiết kế các clip quảng cáo song ngữ Việt-Anh, Việt-Pháp, Việt-Nhật…, truyền tải hình ảnh Hà Giang với cảnh quan bản địa nguyên sơ, các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được phát triển, gắn bản sắc các làng văn hóa, du lịch cộng đồng, làng nghề với xây dựng nông thôn mới… Đó cũng là những trọng tâm cho các dự án phi chính phủ tiếp cận, góp phần tạo sinh kế người dân.

PV: Từ sau dịch Covid-19 được cơ bản khắc phục đến nay, ngành văn hóa, du lịch đã tận dụng cơ hội phát triển du lịch như thế nào?

Bà Triệu Thị Tình: Chúng tôi đã xúc tiến phối hợp đại sứ quán các nước để thành lập các đoàn đánh giá, xúc tiến du lịch và giới thiệu bản sắc văn hóa của Hà Giang thông qua các chuyến công tác đối ngoại với Trung Quốc, Canada, Nga, Pháp, Thailand, Philippines và Nhật Bản. Thí dụ như chúng tôi đưa các doanh nghiệp du lịch liên kết với công ty du lịch lữ hành của Nhật Bản để phát triển tour, tuyến; giới thiệu các tập gấp, tờ rơi… ngay tại các vùng thị trường quan trọng tại Nhật Bản.

Các làng nghề thủ công truyền thống cũng được đầu tư, khôi phục nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 41 làng nghề được công nhận và đang hằng ngày tạo ra các sản phẩm, vật phẩm, quà lưu niệm phục vụ du khách. Điển hình như làng dệt lanh của người H’Mông ở xã Lủng Táng, huyện Quản Bạ, chuyên nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất nhì trên vùng cao nguyên đá. Các làng nghề như vậy còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con dân tộc nơi đây. Hiện tại, hợp tác xã dệt lanh Lủng Táng có hơn 130 thành viên chia thành 9 tổ sản xuất. Trung bình mỗi người làm việc tại đây có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, đây là mức thu nhập đáng kể đối với các chị em phụ nữ dân tộc vốn quen với công việc nghề nông đơn thuần.

Một trong những niềm vui thời gian qua với chúng tôi là Hà Giang liên tục góp mặt trong danh sách các điểm đến toàn cầu do các báo, tạp chí uy tín trên thế giới bình chọn. Gần đây, Hà Giang đã được chọn là một trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất của thế giới năm 2023.

PV: Xin cảm ơn bà!