Mạnh tay với phương tiện đón trả khách sai quy định

Trước tình trạng hoạt động xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng “trá hình”, phương tiện vi phạm đón trả khách không đúng quy định tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng nặng chế tài xử lý các đơn vị vận tải vi phạm, thậm chí là xử lý hình sự mới đủ sức răn đe…
0:00 / 0:00
0:00
Xe khách tuyến Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh đón khách dọc đường ngay trước lực lượng Cảnh sát giao thông tại khu vực gần Bến xe Miền Đông.
Xe khách tuyến Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh đón khách dọc đường ngay trước lực lượng Cảnh sát giao thông tại khu vực gần Bến xe Miền Đông.

Ngày 6/11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 10 tháng năm 2023, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.383 trường hợp phương tiện vi phạm đón trả khách không đúng quy định, với tổng số tiền xử phạt gần 3,6 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt trực tiếp lập 684 biên bản với số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng; xử phạt qua hình ảnh lập 1.699 biên bản với số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng.

Cũng trong 10 tháng qua, Sở GTVT cũng đã có quyết định thu hồi 17.361 phù hiệu, biển hiệu đối với các phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm về tốc độ qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình. Cũng trong thời gian này, Sở đã ban hành quyết định thu hồi 143 giấy phép kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP năm 2020 của Chính phủ.

Phối hợp để “mạnh tay”

Trong quá trình kiểm tra, xử lý các trường hợp phương tiện vi phạm đón trả khách không đúng quy định, Sở GTVT đã đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố liên quan phối hợp chỉ đạo kiểm tra và xử lý các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch tổ chức hoạt động như loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh có tổ chức đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố.

Song song đó, thường xuyên cập nhật và thông tin đến Công an thành phố, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện danh sách các vị trí có tình trạng dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Đồng thời, tổ chức rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường, khu vực thường xuyên có tình trạng xe đón, trả khách không đúng quy định để phục vụ công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh; tổ chức vành đai hạn chế xe ô-tô khách có giường lưu thông trong phạm vi thành phố.

Sở GTVT cũng đã xây dựng cơ chế phối hợp thông tin giữa Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08). Qua đó đã phối hợp xử lý xác minh đối với 310 trường hợp kiểm tra phương tiện, để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý trên đường của lực lượng cảnh sát giao thông.

Tuy xử phạt mạnh tay là vậy nhưng theo ghi nhận ngày 6/11, tại khu vực đường Xa lộ Hà Nội, đoạn gần Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức), hàng loạt xe khách vẫn ngang nhiên đón trả khách dọc đường, không chịu vào bến hoạt động. Đơn cử có xe khách tuyến Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh đón khách ngay trước lực lượng Cảnh sát giao thông một cách công khai.

Trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn Quận 12, nhiều xe khách vẫn vô tư đón khách dọc đường, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ.

Trong khi đó, tại nhiều bãi xe trên đường Liên Phường (phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức), có hàng loạt xe khách mang nhãn hiệu Hà Phương, Tâm Hạnh... liên tục đón, trả khách. Sau khi các xe ra hoặc vào bãi, cổng lập tức được đóng lại.

Cùng ngày, tại bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh), xe khách liên tục ra vào. Trước cửa bãi xe dán chữ “Bãi xe không đón trả khách, chỉ lên xuống hàng” nhưng cửa ở đây luôn khép hờ, bên ngoài có người túc trực, có xe khách ra vào bến là người này mở cửa rồi đóng. Theo quan sát, bên trong có hơn chục xe giường nằm đậu như Hoàng Long, Mười Trang, Tâm Minh Phương... đi các tuyến đến Hà Nội, Bình Định, Thừa Thiên - Huế. Khoảng 30 phút ghi nhận, phóng viên bắt gặp hình ảnh hành khách “tay xách nách mang” đồ đạc vào bãi xe. Sau khi họ lên xe, xe khách lập tức rời bãi...

Mạnh tay với phương tiện đón trả khách sai quy định ảnh 1

Xe khách ngang nhiên đón khách dọc đường tuyến Quốc lộ 1A, địa phận Quận 12.

Xử lý nghiêm để răn đe

Để đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp vận tải vi phạm, ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện nhà xe Kumho Samco cho rằng, nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền, rút phù hiệu như bây giờ thì chưa đủ răn đe. Do đó, cần tăng nặng chế tài hoặc chuyển cơ quan công an điều tra để xử lý hình sự đối với doanh nghiệp vận tải hành khách vi phạm nhiều lần có dấu hiệu liên quan đến thuế.

Để xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc” đạt kết quả hơn nữa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính nêu rõ quan điểm, Sở GTVT nên mạnh dạn đề nghị Cục Đường bộ phân cấp dữ liệu GPS về Sở chứ không nên ôm đồm như hiện nay.

Trên cơ sở dữ liệu GPS, phân tích số liệu như số vụ tai nạn trên số km vận doanh của từng doanh nghiệp, số tiền xử phạt, lỗi vi phạm… và công bố công khai mỗi tháng một lần. Song song đó, tăng cường trách nhiệm của Ban An toàn giao thông các địa phương nhằm giám sát, đưa vào “danh sách đen” các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm để đề xuất cơ quan có thẩm quyền lên kế hoạch kiểm tra.

Bên cạnh đó, muốn dẹp xe “dù”, bến “cóc” phải có sự phối hợp chặt chẽ của “3 chân kiềng” gồm lực lượng công an, chính quyền địa phương và Sở GTVT. Sở GTVT cần đề xuất UBND thành phố ban hành quy chế hoạt động của ba chân kiềng này để dễ quy trách nhiệm”, ông Tính góp ý.

Trước tình trạng một số đơn vị kinh doanh vận tải chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho hay, Sở đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo xây dựng chương trình thanh tra năm 2024.

Trong đó, lưu ý các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thanh tra về điều kiện kinh doanh vận tải, kê khai thuế, sử dụng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… đối với một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch vi phạm nhiều lần về tốc độ và có tổ chức hoạt động đón trả khách không đúng quy định.

Sở cũng đã thông tin đến Công an thành phố, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện danh sách các vị trí có tình trạng dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định để kiểm tra, xử lý theo quy định. “Vai trò của chính quyền địa phương đặc biệt quan trọng. Theo đó, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm các bãi trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn”, ông Lâm nhấn mạnh.

Để công tác quản lý xe khách hoạt động tốt hơn nữa trong thời gian tới, Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, sắp tới Sở sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp vận tải hành khách, trong đó, doanh nghiệp nào thường vi phạm sẽ mời ký cam kết. Sở cũng sẽ thành lập ngay bộ phận theo dõi, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ nhằm nhắc nhở kịp thời, theo dõi, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp có nhiều vi phạm.

Trước mắt, từ giờ đến cuối năm 2023, Sở GTVT sẽ thanh, kiểm tra toàn diện đối với hai đến ba doanh nghiệp vận tải hành khách có dấu hiệu vi phạm, tương tự như trường hợp của Công ty TNHH Thành Bưởi thời gian vừa rồi. Nếu cần thiết sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở GTVT, Cục Thuế thành phố, Bảo hiểm xã hội…; xử lý nghiêm vi phạm nhiều lần như Thành Bưởi vừa qua. Bản thân doanh nghiệp vận tải hơn ai hết phải nêu cao ý thức và chấp hành đầy đủ quy định kinh doanh vận tải, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Ngày 13/11, Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô không thời hạn với Công ty TNHH Thành Bưởi (trụ sở tại Quận 5). Trước đó, ngày 3/11, Thanh tra Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhà xe này 91 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô thời hạn ba tháng. Ngày 10/11, ông Lê Dương là con trai của ông Lê Đức Thành (Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi) bị bắt để điều tra về hành vi “điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.