Năm 2008, chính quyền Tổng thống George W.Bush đưa Triều Tiên khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố để tạo thuận lợi cho vòng đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng lâu nay, mỗi lần Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân, Mỹ lại dấm dứ “dọa” đưa Bình Nhưỡng trở lại “danh sách đen” các quốc gia bảo trợ khủng bố. Việc này diễn ra từ thời người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump, và trong gần một năm qua, chính quyền đương nhiệm cũng vài lần đề cập, bàn thảo.
Cho tới lần này, sau hàng loạt tuyên bố căng thẳng, những lời đe dọa trừng phạt, trả đũa mạnh mẽ bắt nguồn từ việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu, chính quyền Mỹ coi đây là cách thể hiện thái độ kiên quyết với hành động được xem là khiêu khích của Bình Nhưỡng. Bởi, theo luật pháp Mỹ, các nước nằm trong danh sách “bảo trợ khủng bố” sẽ phải chịu biện pháp cấm vận mạnh mẽ, bị cấm hoạt động mua bán và xuất khẩu liên quan quốc phòng cũng như các biện pháp trừng phạt gắt gao về tài chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều năm nay, việc gia tăng áp lực không khiến quốc gia Đông - Bắc Á này thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân, mà ngược lại còn gây ra phản ứng mạnh mẽ. Dù đang gánh chịu lệnh trừng phạt mạnh mẽ của LHQ, Triều Tiên chưa cho thấy dấu hiệu “dừng bước” trong phát triển hạt nhân, thậm chí có những nguồn tin cho biết không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ sớm tiến hành thử hạt nhân lần thứ bảy.
Thành thử, động thái mới của chính quyền Washington chẳng khác nào “lửa đã đỏ lại bỏ thêm rơm”, vừa đẩy căng thẳng leo thang, làm bùng thêm mâu thuẫn, vừa cản trở nỗ lực đàm phán. Đó là còn chưa kể, theo giới chuyên gia, để đưa một quốc gia vào danh sách bảo trợ khủng bố, cần có bằng chứng về việc quốc gia đó nhiều lần hỗ trợ các hành động của khủng bố quốc tế…