Loay hoay với các dự án bãi đậu xe ngầm

Theo quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh, khu trung tâm thành phố sẽ có gần 10 bãi đậu xe ngầm. Thế nhưng, đã tròn 12 năm kể từ khi dự án bãi đậu xe ngầm đầu tiên khởi động, đến nay, các bãi đậu xe ngầm đều rơi vào “ngõ cụt” và “rơi rụng” dần, thậm chí, nhiều dự án đã bị thành phố hủy bỏ, một số dự án khác cũng “đứng hình”. Trong khi, khu vực trung tâm thành phố thiếu trầm trọng bãi giữ xe nhiều năm nay.

Tương lai của các dự án bãi đậu xe ngầm vẫn là dấu hỏi lớn cho phát triển hạ tầng ở TP Hồ Chí Minh.
Tương lai của các dự án bãi đậu xe ngầm vẫn là dấu hỏi lớn cho phát triển hạ tầng ở TP Hồ Chí Minh.

Tìm “đỏ” mắt không ra bãi đậu xe

Theo ghi nhận, ngay cổng Công viên Lê Văn Tám (phía đường Hai Bà Trưng, quận 1) đang được tận dụng để làm bãi giữ xe gắn máy và ô-tô. Khu vực này có hàng trăm ô-tô xếp hàng đôi đậu dài phía trước cổng cùng hàng nghìn lượt xe máy đậu san sát. Trong khi đó, ngay tại khu vực các tuyến đường chung quanh công viên, chúng tôi tìm “đỏ” mắt hàng giờ đồng hồ cũng không có bãi gửi xe nào, hoặc có nhưng đã hết chỗ gửi xe. Điều này cho thấy tại khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu trầm trọng bãi đậu xe.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 9 triệu phương tiện giao thông, trong đó có gần 900.000 ô-tô. Tính từ năm 2010 đến nay, thành phố tăng thêm hơn 4 triệu xe, bình quân mỗi người dân đều có một xe máy hoặc ô-tô.

Còn theo Sở Xây dựng thành phố, từ trụ sở UBND thành phố trong phạm vi bán kính 500m có khoảng 60 công trình cao tầng có từ 1-5 tầng hầm để xe, với tổng diện tích khoảng 265.000m2. Dự tính, ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe của các tòa nhà, có thể dành khoảng 20% cho gửi xe công cộng (ước tính khoảng 1.300 ô-tô và hơn 2.700 xe gắn máy). Số lượng ô-tô ngày càng tăng cũng đồng nghĩa nhu cầu chỗ đậu xe khu trung tâm thành phố cũng tăng cao, gây áp lực lớn. Do đó, việc xây dựng bãi giữ xe ngầm trong giai đoạn này là vấn đề rất thiết thực. Vậy nhưng, hàng loạt dự án hiện nay vẫn giẫm chân tại chỗ.

Theo quy hoạch tại Quyết định 6708 (năm 2012) của UBND thành phố Hồ Chí Minh, khu trung tâm thành phố rộng 930ha, có gần 10 bãi đậu xe ngầm. Sau 10 năm, các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm đều rơi vào “ngõ cụt” và “rút” dần, nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị thành phố hủy bỏ.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, hiện theo quy hoạch của thành phố chỉ còn bốn bãi đậu xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng tại sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư (đều nằm tại quận 1). Thế nhưng, các dự án này đến nay vẫn đang nằm trên giấy, thậm chí có dự án đã bị thu hồi. Đơn cử như dự án bãi xe ngầm sân khấu Trống Đồng được UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện năm 2008. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, gồm bảy tầng ngầm và ba tầng nổi, sức chứa hơn 700 ô-tô và 400 xe máy, tổng diện tích hơn 5.300m2. Trong quá trình thực hiện dự án, do nhiều vướng mắc như mặt bằng, hành lang các tuyến đường sắt đô thị (metro) nên phải điều chỉnh và đến nay dự án vẫn “nằm trên giấy”.

Cùng chung cảnh ngộ, cách đó hơn 2km là dự án bãi đỗ xe Công viên Lê Văn Tám. Dự án này có tổng diện tích 11.000m2, quy mô bốn tầng ngầm gồm hai khu thương mại và đỗ xe với sức chứa 2.000 xe máy, 1.300 ô-tô và có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án khởi công từ năm 2010 nhưng rồi rơi vào tình cảnh đình trệ, đến tháng 8/2019, UBND thành phố đã chấm dứt hợp đồng và thu hồi dự án.

Tương tự, hai dự án bãi đậu xe ở sân vận động Hoa Lư, có quy mô 5 tầng hầm, với sức chứa 1.500 ô-tô, 500 xe máy và bãi đậu xe ngầm Công viên Tao Đàn, quy mô ba tầng hầm chứa 600 ô-tô, 3.000 xe hai bánh và khu kinh doanh dịch vụ, cũng bị đề xuất chấm dứt đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Hiện nay, thành phố đang giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) lập báo cáo nghiên cứu khả thi để tìm nhà đầu tư.

Loay hoay với các dự án bãi đậu xe ngầm -0
Khu vực một dự án bãi đậu xe ngầm tại TP Hồ Chí Minh chưa được triển khai. 

Tương lai bất định

Giải thích về nguyên nhân chậm triển khai dự án, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (chủ đầu tư dự án bãi xe ngầm sân khấu Trống Đồng) cho rằng, do phải điều chỉnh quy hoạch, vướng mặt bằng tuyến metro số 1, số 2 và một số thủ tục pháp lý. Chủ đầu tư đã sẵn sàng các phương án tài chính, thi công cũng như điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của cơ quan chức năng và đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai. Mặt khác, trong quá trình điều chỉnh, dự án bị yêu cầu thay đổi chức năng tầng trên từ thương mại sang công cộng khiến khả năng thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn nên phải tính toán lại. 

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức) cho rằng, có ba nguyên nhân chính khiến các dự án bãi đậu xe ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh loay hoay không triển khai được. Đó là chính sách xây dựng giá, việc thỏa thuận mô hình kinh doanh giữa chủ đầu tư với chính quyền thành phố và rủi ro về nhu cầu của người sử dụng. Theo ông Tuấn, xây dựng bãi đậu xe ngầm tốn chi phí gấp khoảng ba lần bãi đậu xe thông thường. Trong khi, giá đỗ xe hiện nay do thành phố ban hành và quản lý, nhà đầu tư không thể thay đổi. Mức giá quá thấp không bảo đảm nhà đầu tư có thể thu hồi vốn, chưa nói đến có lãi. Vì thế, buộc các doanh nghiệp phải tính toán tận dụng không gian xây dựng các dịch vụ thương mại bên cạnh không gian đậu xe để bù chi phí. Để giải quyết vấn đề này cần sự thống nhất giữa chính quyền thành phố và doanh nghiệp làm dự án, làm sao bảo đảm lợi ích, quyền lợi của hai bên.

Theo quyết định của UBND thành phố Hồ Chí Minh, ở trung tâm thành phố (quận 1, 3, 4, 5) phí gửi xe máy là 4.000-6.000 đồng/lượt ban ngày và 6.000-9.000 đồng/lượt ban đêm. Với ô-tô dưới 9 chỗ ngồi và có trọng tải nhỏ hơn 1,5 tấn, phí gửi xe trong 2 giờ đầu là 35.000 đồng/хe. Mỗi giờ tiếp theo tăng 20.000 đồng/giờ. Ở các quận, huyện còn lại, chi phí gửi хe là 35.000 đồng/хe/4 giờ.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, với mức giá trên sẽ khiến nhà đầu tư không mặn mà, không thể thay đổi được thực tế khan hiếm điểm đỗ. “Doanh nghiệp đầu tư phải tính toán tận dụng không gian xây dựng các dịch vụ thương mại bên cạnh không gian đậu xe để bù chi phí đầu tư lớn. Nếu tỷ lệ thương mại quá thấp thì hiệu quả kém, tỷ lệ thương mại cao thì ảnh hưởng đến mục tiêu xây bãi đậu xe công cộng, đây là lý do khiến nhà đầu tư không hào hứng. Vì vậy, thành phố cần đánh giá lại tình hình thực hiện thời gian qua, những phương án nào, điều kiện gì đã hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện”, TS Võ Kim Cương nhận định và gợi mở.

Để giải quyết bài toán bãi đậu xe đang thiếu và nhu cầu bức bách ở khu trung tâm, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thành phố cần triển khai quyết liệt việc thu phí đỗ xe trên 23 tuyến đường khu trung tâm, góp phần bảo đảm việc quản lý sử dụng một phần công năng của lòng đường được hiệu quả, đúng mục đích, đáp ứng một phần nhu cầu thiết thực trong việc gửi xe của người dân thành phố.

Liên quan việc đầu tư bãi xe ngầm, Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Xuân Thụ cho biết, các đề xuất của doanh nghiệp chưa chứng minh được tính khả thi cao về đầu tư và xây dựng. Trong đó, việc xây dựng công trình ngầm, nhất là dưới các công viên thì công trình phải sâu hơn rễ cây, mạch nước ngầm để bảo đảm cây sinh trưởng. Điều này làm chi phí đội lên rất lớn, bởi chi phí tầng hầm bằng ba lần tầng nổi. Chủ đầu tư phải lấy lợi nhuận của các công trình bên trên để bù đắp chi phí các công trình bên dưới. Do đó, nếu công trình ngầm chỉ làm bãi đậu xe thì sẽ khó có phương án khả thi. “Trong điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới, thành phố sẽ rà soát tổng thể hệ thống giao thông, các khu vực đậu xe nổi và ngầm khu vực trung tâm sẽ được đặt trong mối quan hệ với giao thông công cộng và thương mại dịch vụ”, ông Huỳnh Xuân Thụ nhấn mạnh.

Đầu tháng 4/2022, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Công an thành phố và các địa phương liên quan xin ý kiến về việc bổ sung 23 tuyến đường vào danh mục thu phí đỗ ô-tô tại các quận 1, 3, 5, 6, 10. Trước đó, việc thu phí đỗ xe đã được thực hiện trên 20 tuyến đường ở quận 1, 5, 10 nhằm hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố. Sở Giao thông vận tải đánh giá việc thu phí thời gian gần đây có nhiều khả quan, số phí thu được đang tăng dần. Để việc quản lý sử dụng lòng đường hiệu quả, Sở Giao thông vận tải đề nghị các địa phương, Công an thành phố có ý kiến về việc bổ sung 23 tuyến đường vào danh mục thu phí hoặc đề xuất thêm các tuyến đường khác. Trên cơ sở đó, trình UBND thành phố xem xét, chấp thuận.