“Làm mới” Truyện Kiều & Lục Vân Tiên

Tiếp sau cuốn “Lĩnh Nam chích quái”, thị trường xuất bản vừa đón nhận sự trở lại trong diện mạo mới của hai kiệt tác trong nền văn học Việt Nam. Đó là “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) và “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu), với sự tham gia vẽ minh họa của các họa sĩ đương đại.

Bìa hai cuốn sách.
Bìa hai cuốn sách.

“Của tin còn một chút này…”

“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác văn chương của Việt Nam. Trải qua thời gian, đến nay truyện thơ này đã có hàng trăm bản in, tuy nhiên, nhiều bản in đã có những sai sót hoặc gây phản cảm, thậm chí có bản in phải thu hồi để sửa chữa. “Truyện Kiều” cũng đã từng được nhiều họa sĩ vẽ minh họa, trong đó bộ minh họa của 11 họa sĩ danh tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí… đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến.

Tuy vậy, hiện nay, tìm kiếm một bản “Truyện Kiều” đạt chuẩn trên thị trường sách là không dễ. Với mong muốn mang tới cho độc giả đương thời một bản Kiều đạt đến độ thẩm mỹ cao nhất và khắc ghi lại dấu ấn của những năm đầu thế kỷ 21, họa sĩ Trần Đại Thắng (Giám đốc Công ty sách Đông A) đã dành hơn hai năm để thực hiện.

Theo đó, nội dung ấn phẩm “Truyện Kiều” lần này là bản khảo đính và chú giải của PGS Nguyễn Thạch Giang, nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn chương Hán-Nôm cổ nói chung và “Truyện Kiều” nói riêng. Từ năm 1972 đến nay, bản Kiều này đã được tái bản 33 lần với số lượng hơn 200.000 bản, trở thành một trong các bản Kiều được tái bản nhiều nhất trong hơn bốn thập kỷ qua.

Phần làm mới “Truyện Kiều” thông qua tranh minh họa của các họa sĩ đương đại được gửi gắm ở họa sĩ Thành Chương. Là người tham gia vẽ minh họa báo chí mấy chục năm qua, lần này minh họa sách, lại là kiệt tác “Truyện Kiều”, với Thành Chương đó là vinh dự. Ông đã đứng ra quy tụ, tổ chức các họa sĩ vẽ minh họa cho ấn bản đặc biệt này. 15 họa sĩ đương đại như Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Hà Trí Hiếu, Lê Quảng Hà, Nguyễn Quân… với những cách nhìn, cách cảm về Kiều khác nhau đã hoàn thành 15 bức tranh, qua đó góp phần “làm mới” kiệt tác văn học để độc giả ngày nay cảm thấy gần gũi hơn.

Nét mới từ cụ Đồ Chiểu

Nếu “Truyện Kiều” có sự tham gia của 15 họa sĩ, thì cuốn truyện thơ “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) lại do một mình họa sĩ Nguyễn Công Hoan vẽ minh họa. Ông từng minh họa nhiều cuốn sách thiếu nhi, lần này với “Lục Vân Tiên”, họa sĩ Nguyễn Công Hoan đã dành gần nửa năm để hoàn thành gần 20 bức minh họa. Sự phối hợp đồng điệu giữa họa và thơ, sự sáng tỏ của ý văn nghĩa chữ đã giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn nguồn thi hứng dạt dào mà cụ Đồ Chiểu gửi gắm bên trong tác phẩm.

Phần văn bản truyện thơ “Lục Vân Tiên” trong ấn bản ra mắt lần này cũng do PGS Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải. Một điều thú vị nữa, không chỉ giới thiệu, khảo đính và chú thích Lục Vân Tiên mà qua đó PGS Nguyễn Thạch Giang cũng đào sâu nghiên cứu thêm về chữ Nôm Nam Bộ, một lớp lang mới mẻ vẫn còn ít người chạm tới.

Với phần bổ sung những chú giải tinh gọn và súc tích, nhà nghiên cứu đã làm hộ các độc giả một nhiệm vụ khó khăn là đi tìm ý nghĩa của các từ ngữ cổ, điển cố, điển tích - một công việc không hề đơn giản đối với bạn đọc phổ thông thời hiện đại.

Bên cạnh sự chăm chút về nội dung và tranh minh họa, cả hai cuốn sách đều được in bốn mầu trên giấy tốt, khổ lớn, bìa cứng. Có thể nói, việc “làm mới” những tác phẩm văn chương kinh điển thông qua hình thức minh họa là một hướng đi đúng đắn, giống như bắc thêm một cây cầu để độc giả hôm nay dễ dàng tiếp cận di sản do cha ông để lại. Đồng thời, đó cũng là việc nên làm, để mỗi thế hệ đều lưu lại những dấu ấn của mình trên những tác phẩm kinh điển…