Lan tỏa tinh thần khuyến học, khuyến tài
Nếu xưa kia tầng lớp Nho học thường khai bút vào giờ đẹp trong quy mô nhỏ ở tư gia, lớp học như viết chữ đẹp, sáng tác thơ văn, ghi cảm tưởng, gắn với truyền thống “trọng chữ, trọng thầy” thì nay ở các văn miếu, đền, đình… nhiều tỉnh, thành tổ chức lễ hội khai bút quy mô và duy trì thường niên với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền, ngành giáo dục, học sinh, sinh viên, phụ huynh và người đi lễ hội.
Hằng năm, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội phối hợp huyện Thanh Trì tổ chức lễ khai bút tại đình thờ Chu Văn An. Tại Hải Phòng, từ năm 2012, lễ hội khai bút được tổ chức tại khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc và trở thành điểm nhấn, sau đó ở đình An Hồng Phúc, đền Tiến sĩ Lê Đức Liêu, đền Hạ, tượng đài nữ tướng Lê Chân… Một số lễ hội khai bút ở Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Dương cũng thu hút đông đảo người dân tham gia. Cách thức tổ chức thường theo “khuôn mẫu” của mô hình lễ hội truyền thống như dâng hương các vị thánh hiền, rước bút thần, an vị bút, múa lân, đọc chúc văn khai bút, gióng trống khai hội và nghi thức khai bút của chính quyền, ngành giáo dục, các em học sinh có thành tích học tập tốt, nhiều nơi thêm nội dung phát phần thưởng, xin chữ các thầy đồ…
Nghi lễ khai bút cũng đang có những thay đổi, mang hơi thở đời sống hiện đại. Đối tượng mở rộng hơn, ngoài thầy đồ, học sĩ còn có cả học sinh, sinh viên, giới văn sĩ, tăng ni, phật tử, doanh nhân, không chỉ nhằm khuyến học mà còn phát động phong trào sáng tác văn học nghệ thuật, cầu quốc thái dân an… Bên cạnh khai bút truyền thống với mực tàu, giấy đỏ, nhiều người chọn khai bút bằng bàn phím, viết những dòng cảm xúc trên facebook, zalo, twitter… cầu mong cho mình và gia đình, bạn bè, người thân hạnh phúc, may mắn, bình an.
Mỹ tục cần gìn giữ, phát huy
“Luyện nét chữ, rèn nết người”. Để mỹ tục này trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, cần có ý thức tổ chức một cách trang trọng và lễ khai bút có thể trở thành sản phẩm du lịch văn hóa nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Trường học cũng là địa điểm lý tưởng tổ chức lễ hội khai bút với sự tham gia của đại diện ngành giáo dục, các thầy cô, học sinh kết hợp vinh danh học sinh giỏi, qua đó đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, lan tỏa văn hóa đọc vốn đang có chiều hướng đi xuống, giáo dục lối sống đẹp cho học sinh, sinh viên.
Theo TS Phan Thị Hoa Lý, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), lễ hội khai bút cần xác định rõ các vấn đề: nội dung thờ tự, mục đích, thành phần tham gia, chương trình của lễ hội. Trong lễ hội rất cần ôn lại truyền thống học hành và tôn vinh những danh nhân, những người con có tài năng của địa phương đồng thời gắn chặt với phong trào khuyến học, việc khen thưởng, khích lệ những học sinh có thành tích cao trong học tập cũng như hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện tới trường.
Một số ý kiến cho rằng lễ hội khai bút không nên mở rộng đại trà mà chỉ giới hạn ở một số địa phương vốn là vùng đất khoa bảng hay quê hương của các danh nhân văn hóa như đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền thờ Vạn Thế sư biểu Chu Văn An… Đặc biệt ở những nơi còn đình, đền, văn từ, văn chỉ cần tổ chức để hoạt động này trở thành một tín ngưỡng tâm linh, một “đặc sản văn hóa” của địa phương.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc khôi phục, kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông và sáng tạo, tổ chức những lễ hội mới “ích nước, lợi dân”, phù hợp với ước vọng của mọi người là việc đáng suy nghĩ.