Nguyễn Thùy Dung (Quận Ba Đình, TP Hà Nội)
Đối với các phụ huynh, những khoản thu đầu năm học mới có lẽ là câu chuyện chưa bao giờ có hồi kết. Trong khi đó, chỉ cách đây vài ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.
Đơn cử như trường hợp của con gái tôi, hiện vừa vào lớp mẫu giáo nhỡ (lớp chồi) ở một trường “điểm”, nhưng đã có biết bao khoản thu đầu năm. Bên cạnh khoản tiền 200 nghìn đồng quỹ lớp, mỗi cháu còn phải đóng thêm 300 nghìn đồng tiền “cơ sở vật chất”. Khi một số phụ huynh thắc mắc, giáo viên chỉ giải thích đây đơn giản là chi phí dùng vào việc tu sửa đồ chơi, giáo cụ..., đồng thời “chua” thêm một câu với ẩn ý đây là đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy cho chính các cháu. Tôi rất bất ngờ với cách giải thích này, bởi liệu đối tượng thụ hưởng những khoản thu trên còn ai khác ngoài chính các cháu học sinh? Lạ hơn nữa, có một khoản tiền được gắn mác
“trang phục biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng”. Trong khi đó, khai giảng rõ ràng là hoạt động do nhà trường tổ chức, các cháu học sinh cũng đã góp phần “công” biểu diễn để hòa chung vào không khí tựu trường, nhưng tiền trang phục lại do... chính các cháu nộp (!?).
Chắc hẳn, các bậc cha mẹ từng đi họp phụ huynh đều đã ít nhất một lần trải qua cảm giác băn khoăn khi được giải thích mọi khoản đóng góp đều là tự nguyện, nhưng đều kèm theo một vài hệ quả không mấy tích cực nếu từ chối chi tiền. Con tôi lập tức được mời ra khỏi đội hình diễn văn nghệ vì tôi không đồng tình với khoản phí trang phục. Cháu rất buồn và đã xin mẹ không đến tham gia khai giảng, khiến cả gia đình phải lo lắng theo. Không hiểu rằng, những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn và không thể chi mọi khoản phí đầu năm thì sẽ phải làm thế nào?