Kỳ vọng từ phòng tranh mới

Quen thuộc với việc chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa ở bảo tàng, nhà triển lãm hoặc những không gian chuyên tổ chức sự kiện…, giờ đây công chúng có thể ngắm vẻ đẹp của ngôi nhà di sản trong lòng phố cổ và cả những bức tranh có giá trị cao chủ yếu được đấu giá từ nước ngoài. Cách làm mới mang đến nhiều cơ hội cũng như cảm xúc, góp phần lan tỏa tinh hoa hội họa trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian triển lãm tranh tại nhà cổ 45 Hàng Bạc.
Không gian triển lãm tranh tại nhà cổ 45 Hàng Bạc.

1/Từ đầu năm 2023, Câu lạc bộ (CLB) Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà với 20 thành viên đã liên tục tổ chức các triển lãm, như: Tuần lễ trưng bày và giao lưu Tranh tượng nghệ thuật; Sắc xuân Hà thành; Tranh Đông Dương… nhằm chia sẻ theo cách gần gũi hơn, mộc mạc hơn tinh hoa nghệ thuật tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ không gian nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) ở triển lãm đầu tiên và tạo được hiệu ứng tích cực, CLB lên kế hoạch dài hơi để gắn câu chuyện hội họa vào mối tương quan với văn hóa, di sản của Hà Nội. Đó là dấu ấn đầu tiên cho sự phối hợp giữa CLB với chủ ngôi nhà cổ tại địa chỉ 45 Hàng Bạc.

Ngôi nhà di sản có diện tích khá lớn, được bảo tồn gần như nguyên vẹn với lối kiến trúc cổ, có giếng trời, mái ngói, ban công… đối diện đình Kim Ngân và gần nhiều di tích, địa điểm tham quan phố cổ. Triển lãm đầu tiên được diễn ra tại địa chỉ này là “Sắc xuân Hà thành”, giới thiệu tới công chúng hơn 50 tác phẩm hội họa chủ yếu thuộc hai giai đoạn: Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ thuật kháng chiến với sự phong phú về chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy… gắn liền với tên tuổi các họa sĩ nổi tiếng: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Phan Kế An, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Huyến, Phan Thông, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Thiện… Bên cạnh đó còn có những tác phẩm đặc sắc của các bậc thầy hội họa người Pháp từng tham gia sáng lập, giảng dạy tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, như: Victor Tardieu, Joseph Inguimberty… hoặc tác phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng là bức tranh sơn dầu chủ đề phong cảnh của Vua Hàm Nghi được đấu giá tại nước ngoài thuộc bộ sưu tập của ông Trần Ngọc Lâm. Cuộc quy tụ là dấu ấn đáng nhớ. Có nhà sưu tập sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, cũng có những người đến từ nhiều tỉnh, thành phố, có nhà sưu tập đã bước sang tuổi 90...

Một tín hiệu vui sau triển lãm là trong chính ngôi nhà di sản, CLB đã nhận quyết định chính thức kết nạp vào Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Các nhà chuyên môn nhận định, đây là lần đầu tiên Hội có một “chi nhánh” đặc biệt như vậy - Chi hội của những người đam mê, kỳ công sưu tập và nay sẵn sàng lan tỏa các tác phẩm quý tới công chúng, người làm nghề để hòa vào dòng chảy văn hóa trong tâm thế hội nhập, thúc đẩy sự phát triển.

2/Mỗi năm, CLB sẽ có kế hoạch cho các cuộc triển lãm với những đề tài khác nhau, bảo đảm tính phong phú, thu hút. Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động bổ trợ, giao lưu giữa giới chuyên môn, nhà sưu tập, công chúng, sinh viên, khách nước ngoài… Nét sinh động từ các cuộc trò chuyện về số phận từng tác phẩm, thông tin tác giả hay phản biện, bổ trợ kiến thức… là điểm nhấn quan trọng tạo chiều sâu cho hoạt động triển lãm.

Đa số khách tham quan đều xúc động trước tình cảm, tâm huyết của các nhà sưu tập đã mang đến cho họ cơ hội được tiếp cận những tác phẩm giá trị cao bởi không phải ai cũng có điều kiện vào bảo tàng, khách sạn hay một không gian sang trọng nào đó. Trong tương lai gần, với sự vào cuộc nhiều nhà giám tuyển, họa sĩ từ nước ngoài trở về, Chi hội dự định tổ chức thêm nhiều triển lãm lưu động ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nối gần khoảng cách giữa tác phẩm kinh điển với công chúng. Kết hợp các đơn vị du lịch, lữ hành để đưa địa điểm, sự kiện trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch Hà Nội cũng là ý tưởng đang được tìm hiểu, triển khai.

3/Yêu nghệ thuật, bước cùng nghệ thuật một cách… chuyên nghiệp là con đường mà một CLB nhỏ đã lựa chọn. Từ sự ngẫu hứng ban đầu, họ đã có bước tiến dài hơn, không gian rộng hơn, với mục đích nhân văn. Hành trình từ yêu tranh, thưởng tranh tiến tới trở thành nhà sưu tầm hội họa vốn không đơn giản, và để tiếp tục kết nối, tìm ra tiếng nói chung, hướng tới chủ thể sáng tạo và công chúng càng đòi hỏi nhiều yếu tố. Chia sẻ về điều này, các thành viên Chi hội nhấn mạnh, tranh không chỉ là tài sản cá nhân mà còn được gắn kết bởi giá trị văn hóa, sẽ trở thành di sản cho thế hệ mai sau.

Ông Trần Ngọc Lâm, Chủ tịch Chi hội chia sẻ: “Phải không ngừng học hỏi và luôn hướng tới cái chung, cái vì cộng đồng”. Trung bình, mỗi nhà sưu tập trong CLB sở hữu ít nhất vài trăm tác phẩm đa dạng đề tài, chất liệu, niên đại… nhưng cái đích họ hướng đến là gia tài này phải được thẩm định, tư vấn từ giới chuyên môn trước khi giới thiệu đến công chúng, đồng thời sẵn sàng mở rộng phạm vi để các nhà sưu tập, nghệ sĩ… có thể nhập cuộc.