Kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

Thông qua hoạt động kiểm toán, từ năm 2011 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm toán Nhà nước là lực lượng đóng góp vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Ảnh: KỲ DUYÊN
Kiểm toán Nhà nước là lực lượng đóng góp vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Ảnh: KỲ DUYÊN

Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019 nhằm đưa ra phương hướng hoạt động thời gian tới. Trong đó có nhiều nhiệm vụ, chức năng mới đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành kiểm toán nói riêng và yêu cầu phát triển của đất nước nói chung, đặc biệt là kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Nâng cao chất lượng kiểm toán

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Kiểm toán Nhà nước là phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công. Do đó, hằng năm, Kiểm toán Nhà nước đều căn cứ vào kế hoạch của Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết với vai trò thành viên để tổ chức triển khai thật tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán.

Từ khi thành lập đến nay, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 738.455 tỷ đồng, giúp tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng hơn 40% tổng kiến nghị. Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn; đồng thời có các kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Cũng thông qua hoạt động kiểm toán, từ năm 2011 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ 2 vụ việc chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 1.950 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Với trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng chống tiêu cực; chủ động đôn đốc đối với cấp ủy, tổ chức đảng được phân công phụ trách báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn đặc biệt lưu ý đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ chính nội bộ ngành.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực công

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín.

TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nhận định, trong thực tế, kết quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước phát huy tác dụng rất quan trọng trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Nhà nước. “Kết quả và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước có giá trị pháp lý, buộc các đối tượng kiểm toán phải thực hiện đầy đủ. Việc thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán làm cho nền tài chính quốc gia cũng như ngân sách nhà nước được lành mạnh, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu của đất nước”, TS Đặng Văn Thanh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán. Đơn cử như công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT; việc đầu tư lãng phí, thiếu hiệu quả tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc giao đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, ban hành giá thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí, chi sai chế độ, tiêu chuẩn định mức...

Giá trị đóng góp của Kiểm toán Nhà nước không chỉ dừng lại ở những con số kiến nghị về xử lý tài chính, thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức… không còn phù hợp với thực tiễn. Đây là cơ sở quan trọng để Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu quả sử dụng các nguồn lực công.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục chú trọng việc nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong việc quản lý tài chính công, tài sản công. Tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nhạy cảm, có hiện tượng tiêu cực được xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, hệ thống định mức, đơn giá xây dựng cơ bản, các dự án giao thông, thủy lợi…

Từ đó phát hiện kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan chức năng thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những điểm nghẽn, rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật bảo đảm chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.

Hằng năm, Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán khoảng 250 đoàn kiểm toán, qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60 nghìn tỷ đồng và kết luận kiểm toán đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương để chấn chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn