Phổ biến tái nhiễm do mắc biến chủng mới
Anh Nguyễn Văn M (Yên Viên, Hà Nội) từng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhưng sau khi khỏi bệnh khoảng hơn bốn tháng lại tái nhiễm. “Đợt vừa rồi, cơ quan tôi nhiều người mắc, tôi đã bị lây nhiễm lại. Về nhà, tôi đã cách ly trong phòng riêng, nhưng hai ngày sau khi có kết quả PCR dương tính lại, vợ con tôi cũng bị lây nhiễm!”.
Từng mắc Covid-19 vào giữa tháng 9/2021, anh Nguyễn Hoài N (Cầu Giấy, Hà Nội) phải mất hơn hai tuần gồng mình vượt qua. Sau đó, theo khuyến cáo của ngành y tế, anh đi tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và tập luyện phục hồi chức năng sau mắc Covid-19. Nhưng chỉ sau ba tháng, anh N bất ngờ khi test nhanh có kết quả dương tính và không rõ nguồn lây từ đâu. “Tôi cứ nghĩ đã tiêm vaccine đủ 3 mũi và đã mắc Covid-19 rồi thì sẽ miễn nhiễm, ai ngờ. Triệu chứng mắc bệnh lần hai cũng giống như lần đầu, nhưng nhẹ hơn và quá trình điều trị cũng ngắn hơn”, anh N kể.
Còn tại các khu điều trị, các trạm y tế, nhiều nhân viên cũng đã bị tái nhiễm. Chị Nguyễn Thùy Tr, nhân viên y tế tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tái nhiễm Covid-19 lần thứ hai vào cuối tháng 2. Chị tâm sự: “Em cũng bất ngờ lắm, em không nghĩ mình tái nhiễm vì đã tiêm đủ ba mũi và đã từng nhiễm một lần rồi. Bản thân em cũng rất lo lắng vì không biết tái nhiễm lần hai có để lại di chứng gì không!”.
Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân chính khiến một người tái nhiễm Covid-19 là sự xuất hiện của các biến chủng mới. Hiện tìm thấy nhiều nhất là biến chủng Delta, Alpha, Beta, Omicron. Điều trị tái nhiễm thế nào là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, có những người lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron. Trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận các trường hợp lần trước nhiễm biến chủng Omicron BA.1, sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.
Những người miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm cao hơn. Xác suất tái nhiễm cũng có thể cao hơn ở những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên so với những người sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân hiệu quả. Thông thường khi người bệnh bị nhiễm một biến thể của SARS-CoV-2 thì sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể tự nhiên và chỉ có thể chống lại chính loại virus của biến thể đó. Vậy nên, việc tái nhiễm trên cùng một biến chủng là rất hiếm, nhưng tái nhiễm do một biến chủng mới của Covid-19 lại phổ biến. “Với những người chưa tiêm vaccine hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm Covid-19 hơn so với những người khác. Bên cạnh đó, nhóm người hơn 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19”.
Bác sĩ Cấp cho biết thêm, thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng. Do đó việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân. Những người có diễn biến nhẹ chỉ cần bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng (nếu có). Những người không may có diễn biến nặng sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch. “Mặc dù trường hợp tái nhiễm có diễn biến lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu nhưng vẫn có một số bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Đặc biệt các vấn đề hậu Covid-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm”, bác sĩ Cấp cảnh báo.
Các chuyên gia nhận định, khi nhiễm Covid-19 cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính chất bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Chưa kể, với những biến chủng mới của Covid-19 gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được. Theo TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh. Do đó, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa bệnh.
Không cần thành lập thêm bệnh viện hoặc khoa điều trị hậu Covid-19
Liên quan chính sách chăm sóc người bệnh hậu Covid-19, tại Chương trình tọa đàm “Hiểu đúng về hội chứng hậu Covid-19” được tổ chức mới đây, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngành y tế cũng như công luận rất quan tâm đến vấn đề hậu Covid-19.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước xây dựng hướng dẫn phục hồi chức năng các cơ quan sau khi mắc Covid-19 cho người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, trong đó có những biện pháp không cần dùng thuốc. Bộ Y tế cũng giao cho Bệnh viện Tâm thần Trung ương là bệnh viện đầu ngành hướng dẫn các vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cho người dân.
Ông Khuê khẳng định, người dân khi có triệu chứng hậu Covid-19 thuộc bệnh nào thì khám tại chuyên khoa đó, không cần thành lập thêm bệnh viện hoặc khoa điều trị hậu Covid-19 riêng. Các khoa đều có thể tham gia điều trị, phục hồi chức năng sau khi mắc Covid-19 cho người dân và người dân vẫn được hưởng các chế độ khám chữa bệnh như thông thường.
Sẽ cấp hộ chiếu vaccine điện tử rộng rãi toàn quốc
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế (Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế), trong tuần này, Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn cấp hộ chiếu vaccine điện tử tiến tới triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử rộng rãi toàn quốc.
Trước đó, vào tháng 12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT về Ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”. Sau quyết định này, Bộ Y tế phối hợp tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan liên quan xây dựng hệ thống cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine cũng như chỉnh sửa, bổ sung chức năng ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng.
Vừa qua, Bộ Y tế đã thí điểm tại ba cơ sở y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện E, kết quả cho thấy hệ thống đã sẵn sàng đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử.
Cũng theo ông Bá Hùng, hộ chiếu vaccine điện tử có ý nghĩa như hộ chiếu vaccine giấy, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. Hiện nay, Bộ Ngoại giao cho biết, biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được 17 quốc gia công nhận.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết, Cục Công nghệ thông tin đang làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine. Nếu người dân đã có thông tin chính xác trên ứng dụng này thì sẽ được tự động hiển thị hộ chiếu vaccine. Kết quả là một mã QR code theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể dùng để đi nước ngoài.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh không được chủ quan, âm tính không có nghĩa là đã “thoát”, tạo được miễn dịch suốt đời. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K để chống lại các đợt tấn công mới của virus gây bệnh.