Đó thật sự là tầm nhìn mang tính thời đại, mang tính tiên phong, đi trước thời cuộc. 80 năm đã trôi qua, những quan điểm tư tưởng chỉ đạo, những giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn nguyên giá trị, soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam. Và những gì được thể hiện qua bản Đề cương chính là những định hướng quan trọng cho việc phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật vào những chặng đường cách mạng của Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Trong 80 năm qua, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) là văn kiện tiêu biểu nhất. Nghị quyết này thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận và năng lực đúc kết thực tiễn để xây dựng, phát triển văn hóa nước nhà, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và khoa học. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là kết quả của quá trình tiếp thu, đúc kết tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo trên mặt trận văn hóa của Đảng từ khi ra đời, đặc biệt là từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943. Đó là sự nhận thức nhạy bén từ tình hình thực tiễn, là những dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ mới của một dân tộc có nền văn hóa chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa qua hàng nghìn năm lịch sử.
Nhìn lại 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam cũng là khi chúng ta đang tiếp tục nêu cao tinh thần nhân văn sâu sắc và giá trị lâu bền mà Đề cương mở ra. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chúng ta đang xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phục vụ con người Việt Nam với nhiều nhu cầu đa dạng về hưởng thụ văn hóa, nâng cao thẩm mỹ; vận dụng những thành quả của trí tuệ, khoa học, công nghệ, phù hợp với những bối cảnh mới để sáng tạo văn hóa, sáng tác văn học nghệ thuật đóng góp cho xã hội.
Cùng với đó, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư cho văn hóa; hoàn thiện và phát huy hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách thuận lợi cho văn hóa, văn nghệ; tạo các điều kiện tốt để đội ngũ các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa, các nhà khoa học lĩnh vực xã hội, nhân văn sáng tạo, cống hiến; rộng hơn nữa là xây dựng tinh thần văn hóa, nhân văn trong mọi lĩnh vực đời sống.
Đó chính là sự tiếp thu và phát huy sáng tạo tinh thần Đề cương về Văn hóa Việt Nam trên con đường đi tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.