Khi di sản trở thành trường học trải nghiệm

Huế có một di sản đồ sộ là Quần thể di tích Cố đô Huế và nhiều danh lam thắng cảnh khác. Ngoài phục vụ du lịch, đó còn là “kho sách” đồ sộ trong câu chuyện giáo dục lịch sử, truyền tải kiến thức và những trải nghiệm thực tế trong việc dạy học và nhiều trường học trên địa bàn đã áp dụng việc dạy học lịch sử cho học sinh theo cách “mắt thấy tai nghe”.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh hào hứng khi được tham quan, trải nghiệm với di sản ở Huế.
Học sinh hào hứng khi được tham quan, trải nghiệm với di sản ở Huế.

Tiết học sinh động

Thời gian qua, ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đưa giáo dục di sản, văn hóa và nghệ thuật truyền thống vào trường học. Không khó để bắt gặp giữa hàng nghìn du khách tham quan có rất nhiều du khách “nhí” với đồng phục học sinh đến tham quan và trải nghiệm rất nhiều hoạt động.

Ở đó, nhiều nhóm học sinh THCS đã được các hướng dẫn viên giới thiệu khái quát về triều Nguyễn và các hoa văn, họa tiết, linh vật trang trí tại công trình, tìm hiểu về Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng, điện Cần Chánh… Đặc biệt, lễ đổi gác dưới thời Nguyễn đã được phục dựng một cách chân thực và sinh động, giúp các em hiểu được một trong những hoạt động dưới triều Nguyễn.

Tiếp sau đó, nhóm được tham quan, tìm hiểu về lịch sử Nhà hát Duyệt Thị Đường, tìm hiểu một số nhạc cụ trong hệ thống Nhã nhạc cung đình, xem Nhã nhạc và múa hát cung đình. Kết thúc chương trình, các em có màn thi hỏi đáp nhanh về những nội dung đã tìm hiểu hết sức sôi nổi và hào hứng.

“Việc dạy học lịch sử, giáo dục tình yêu di sản địa phương thông qua những buổi học thực tế tại các di tích, danh thắng nổi tiếng tôi cho rất phù hợp. Các em không chỉ dễ hiểu mà còn lồng vào đó tình yêu quê hương, tình yêu văn hóa”, chị Nguyễn Thu Trang, một phụ huynh có con đang học bậc THCS trên địa bàn TP Huế chia sẻ.

Cũng như chị Trang, nhiều phụ huynh khác nhận định, việc đưa các em vào tận di tích, thấy được những công trình kiến trúc lịch sử, những hiện vật quý và được thầy cô, các hướng dẫn viên thuyết minh ngay tại chỗ là bài học vô cùng sinh động. “Lâu nay sách sử nội dung dày đặc với những con số, sự kiện, nhân vật khiến các em học theo cách đối phó. Nhưng với cách học trực tiếp ở di sản, di tích đã khơi gợi niềm đam mê đến các em một cách rõ ràng”, chị Mai Phương, phụ huynh một học sinh nhận định.

Vun đắp tình yêu văn hóa, quê hương

Theo lãnh đạo ngành giáo dục TP Huế, việc phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đưa học sinh trên địa bàn đến tham quan tìm hiểu về lịch sử các vị vua chúa nhà Nguyễn, các khu lăng tẩm và các điểm di tích thuộc di sản Huế đã được thực hiện những năm gần đây. Đó là những tiết học ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Cung An Định, trải nghiệm các chương trình nghệ thuật, trò chơi cung đình. Không dừng lại đó, còn có các tiết học về giáo dục lịch sử, di sản, nghệ thuật, văn hóa truyền thống theo thời khóa biểu thống nhất cho từng trường. Bằng cách học, trải nghiệm kiểu này sẽ giúp học sinh hiểu, nắm vững lịch sử văn hóa Huế. Từ đó vun đắp tình yêu đối với di sản, truyền thống văn hóa, trân trọng đối với những giá trị quý của dân tộc.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho rằng, chương trình đã giúp cho học sinh các trường của thành phố “hưởng lợi” rất nhiều bởi không có gì tốt hơn cho các em khi nhớ lịch sử bằng cách đến với di sản đang hiện hữu. Từ các di tích Huế, các em có thể nghe về câu chuyện của cả lịch sử Việt Nam, có thể biết được về những câu chuyện của cuộc sống, con người, cỏ cây, hoa lá với tinh thần không phải của một chuyến đi học mà là chuyến đi chơi, tham quan. “Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà”, nhưng những chuyến dã ngoại như thế này sẽ luôn nằm trong tâm trí các con cùng với hình ảnh bạn bè, quê hương, đất nước và những câu chuyện kể. Chúng tôi mơ ước chương trình này sẽ lan tỏa rộng khắp để trở thành một chương trình du lịch giáo dục di sản, để có thật nhiều hơn nữa các bạn trẻ được tiếp cận lịch sử theo cách thức này”, ông Định mong muốn.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, trong năm 2024 sẽ tập trung tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình về giáo dục di sản Huế một cách khoa học, hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp với các đối tác, các khu di sản, trường học xây dựng một số chương trình giáo dục di sản Huế dành cho giới trẻ, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh và quốc tế, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động.