Khẳng định giá trị ấn “Hoàng đế chi bảo”

Chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nằm trong số 14 “kim ngọc, bảo tỷ” (ấn vàng, ấn ngọc) mà Hoàng đế Minh Mạng đã cho chế tác vào thời ông trị vì (1820-1841). Trong đó, 13 chiếc vẫn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Chiếc duy nhất còn lại chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” có số phận gian truân, nhưng cuối cùng cũng được hồi hương về cố quốc mới đây, tạo ra được một bộ sưu tập ấn thời Minh Mạng hoàn mỹ, toàn vẹn.
0:00 / 0:00
0:00
ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Đó cũng là nhờ Bảo tàng tư nhân Nam Hồng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã bỏ số tiền khá lớn cùng với sự hợp lực về mặt pháp lý của các cơ quan công quyền Việt Nam và Pháp nên đã rước được chiếc ấn quý về Việt Nam.

Nghệ thuật đỉnh cao

Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” đã được ra mắt trong cuộc trưng bày đầu tiên ở Bảo tàng Nam Hồng ngày 17/12/2023. Đây là chiếc ấn nặng nhất của triều Nguyễn. Theo sách Đại Nam Thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thì “Ngày Giáp Thìn, đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” (muốn làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy”1. Tức là năm Minh Mệnh thứ tư (1823), Hoàng đế Minh Mạng ra lệnh đúc ấn này.

Tuy nhiên, khi ấn đem về nước, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng tận mắt mới thấy mấy dòng dịch thuật trong Thực lục có một chỗ sai về mặt trọng lượng của ấn: dịch là “nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân” nhưng chữ khắc trên ấn thì lại là “nặng 280 lạng 9 đồng 2 phân”, chênh lệch nhau đến 100 lạng vàng. Việc dịch “chữ Tác thành chữ Tộ” đã làm sai hẳn nghĩa của dòng chữ này.

Tại phần đế của ấn “Hoàng đế chi bảo” được khắc hai dòng chữ Hán như sau:

- Dòng chữ bên phải thân rồng gồm 13 chữ “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Được đúc vào giờ lành ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư - tức năm dương lịch 15/3/1823).

- Dòng chữ bên trái thân rồng gồm 14 chữ “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Làm bằng vàng mười, trọng lượng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân). Quy đổi ra trọng lượng là 10,78 kg, làm từ vàng “thập thành” còn gọi là vàng nguyên chất, vàng ròng, tỷ lệ vàng đạt tới 99,99%.

Chiếc ấn không chỉ nặng, kích thước lớn mà còn thuộc loại đẹp nhất trong số ấn của triều Nguyễn, nói lên khả năng thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ đúc. Ấn miêu tả một con rồng đang nằm, thân uốn cong. Đầu rồng ngẩng cao, hướng về phía trước, có mắt to hình cầu nhìn thẳng, mũi sư tử, sừng hươu, râu dài tới cổ, đuôi dựng đứng có hình xoáy, vây lưng hình tam giác dựng đứng, có 4 chân mỗi chân có 5 móng. Trên đầu rồng có khắc chữ Vương (vua). Nét đẹp hoàn hảo của chiếc ấn này không chỉ ở ánh vàng tinh khiết, long lanh mà còn ở nghệ thuật tạo hình: rồng có thế nằm cuộn khuôn lại, mềm mại trong một vòng tròn đặt trong một cái đế vàng hình vuông... Rồng được tả chi tiết toát nên vẻ uy nghi, mắt nhìn thẳng, chân rồng có 5 móng biểu tượng cho mệnh Thiên tử.

Ấn “Hoàng đế chi bảo” là một trong những ấn quan trọng nhất được dùng trong những dịp hãn hữu của quốc gia “gặp Khánh tiết gia ân, các việc long trọng như cáo dụ thân huân, tuần xem địa phương cùng là ban sắc thư cho ngoại quốc, thì đóng ấn “Hoàng đế chi bảo” (Thực lục tập 2, tr. 711). Thường ngày ấn “Hoàng đế chi bảo” được cất giữ nghiêm ngặt “Xưa nay các ấn, dấu vẫn để nghiêm cẩn ở các hòm vàng bên tả, bên hữu trong điện Càn Thành”. Khi vua tuần thú các nơi mới đem theo ấn này (Thực lục tập 6, tr. 286).

Chuyện ấn thật, ấn giả

Sau khi ấn “Hoàng đế chi bảo” hồi hương, có một chuyện làm xôn xao dư luận trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài bởi một bài viết trên mạng có tiêu đề là “Ấn Hoàng đế chi bảo: Ấn thật hay ấn giả?” đăng ngày 11/12/2023. Tác giả cho rằng: “cái ấn Hoàng đế chi bảo không còn là ấn gốc từ thời Minh Mạng. Cái ấn được vua Hàm Nghi mang ra chiến khu khi kháng chiến Cần Vương, bị bỏ lại trong rừng khi vua bị bắt. Sau đó vua Thành Thái ủ mưu với hai ông Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, đã làm một cái ấn giả để thay thế, mặc dù vẫn mặc định nó là ấn gốc từ thời Minh Mạng”.

Cùng với một vài giả thiết nữa, tác giả đưa ra nhận định: “có thể khẳng định rằng, 99% cái ấn Hoàng đế chi bảo (mà Việt Nam mới mua về từ Pháp) không phải là cái ấn nguyên thủy được đúc từ thời Minh Mạng. Cái ấn nguyên thủy đã mất vì nhiều lý do”.

Sự thật là thế nào? Tôi đã tìm hiểu các bộ sử nhà Nguyễn, nhất là Thực lục để tìm câu trả lời và đã khẳng định được chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” mới đây hồi hương là ấn nguyên thủy, được đúc từ thời Hoàng đế Minh Mạng bởi những chứng cứ sau:

- Không có chuyện ấn này được Đại thần Tôn Thất Thuyết (còn gọi là Lê Thuyết) khi phò vua Hàm Nghi đi kháng chiến chống Pháp đã mang theo ấn rồi bị thất lạc. Thực lục ghi rõ: khi đó, Tôn Thất Thuyết “trong khi vội vã, chỉ soạn được cái ấn ở ngự tiền văn lý mật sát và ấn kiềm 2 quả với hạng để vàng bạc đồ đệ đem theo” (Thực lục, tập 9, tr. 139). Vì thế, cái giả thuyết ấn “Hoàng đế chi bảo” bị mất trong cuộc kháng chiến là không có cơ sở vì thư tịch ghi lại có mang ấn khác không phải chiếc ấn này.

- Về giả thuyết vua Thành Thái “ủ mưu” để làm chiếc ấn giả theo mẫu của ấn thật đúc từ thời Minh Mạng cũng không đúng. Với vị trí làm vua thì có thể sai đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” mới, ghi hẳn niên hiệu Thành Thái mà không sợ điều gì khuất tất. Sao phải “ủ mưu” đúc giả ấn “Hoàng đế chi bảo”!

- Chứng cứ quan trọng nhất là sau khi vua Hàm Nghi (trị vì năm 1884-1885) kháng chiến thất bại, phải đi đày, thì ấn vẫn còn tồn tại trong cung, để rồi Thực lục chép rằng vị vua tiếp theo là Đồng Khánh (trị vì năm 1885-1889) vẫn sử dụng ấn “Hoàng đế chi bảo” để đóng vào thư tặng viên “giám quốc Đại Pháp và quan viên văn, võ 112 tấm Long bội tinh (Thực lục, tập 9, tr. 243). Điều đó chứng tỏ ấn “Hoàng đế chi bảo” vẫn còn trong cung đến thời tiếp theo là đời vua Thành Thái (trị vì năm 1889-1907). Vậy, nếu ấn “Hoàng đế chi bảo” vẫn còn trong cung, thì vua Thành Thái sao lại phải làm chiếc ấn giả để làm gì?

Chắp nối lại các sự kiện được chép trong sách Đại Nam Thực lục chính biên từ Đệ nhất kỷ cho đến Đệ lục kỷ do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn xong và vua Duy Tân có lời ban dụ vào ngày 12 tháng 7 năm Duy Tân thứ ba (1909), có thể khẳng định được tư liệu lịch sử quan trọng: chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” từ khi được đúc vào thời Minh Mạng cho đến đời vua Duy Tân vẫn nằm trong Hoàng thành Huế, chưa từng rời đi đâu cả. Cho đến ngày 30/8/1945, tại cửa Ngọ Môn, trước sự chứng kiến của 2 vạn nhân dân Cố đô, chiếc ấn được vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn giao lại cho đại diện của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chiếc ấn được đem giấu ở làng Nghĩa Đô (Hà Nội), người Pháp đã tìm được và đã tổ chức lễ trao ấn lại cho Quốc trưởng Bảo Đại vào ngày 8/3/1952. Sau đó, ấn được mang sang Pháp. Tiếp theo là giai đoạn ấn vàng tưởng như bị lãng quên cho đến khi được mang ra đấu giá tại sàn giao dịch Millon (Paris) vào tháng 10/2022…

Trên cả cái đẹp về mặt nghệ thuật tạo hình, ấn “Hoàng đế chi bảo” đã mang một ý nghĩa biểu tượng của một triều đại và của vị Hoàng đế Minh Mạng có công mở rộng bờ cõi, khẳng định vị trí của nước Đại Nam trên bản đồ thế giới. Đồng thời chiếc ấn cũng là vật chứng gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng, sang trang một thời đại mới.

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển XIX, bản dịch của Viện Sử học, tập 2, Nxb. Giáo dục, tr. 261, Hà Nội, 2007 (gọi tắt là Thực lục).

Bên cạnh việc xác minh qua thư tịch của triều Nguyễn, các nhà khoa học cũng xác minh chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” qua so sánh với 13 chiếc ấn cùng do Hoàng đế Minh Mạng sai chế tác, hiện lưu lại ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cho thấy có sự đồng nhất về phong cách nghệ thuật tạo hình với chiếc ấn quý vừa lưu lạc ở phương xa trở về cố hương. Chiếc ấn này là ấn nguyên thủy từ thời Minh Mạng, đã ra đời từ cách đây tròn 200 năm, cũng là một con số thiêng và là một câu chuyện kết thúc có hậu cho một chiếc ấn thuộc loại đẹp nhất và nặng nhất triều đại nhà Nguyễn.