Đưa tăm giang ra thế giới
Năm 2012, trong một lần mày mò chất liệu làm các công trình mô phỏng, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long phát hiện tăm giang. “Trước đó, tôi sử dụng rất nhiều chất liệu để làm những bản phối nhỏ, từ tăm tre, tăm gỗ đến dây đàn, dây đồng, nan hoa… Khi phát hiện ra tăm giang, tôi thỏa sức sáng tạo với những công trình quy mô hơn vì tăm giang mỏng, dẻo, bền và đốt dài nên dễ dàng thao tác. Tôi hoàn thành công trình tăm giang đầu tiên là đền Tajmahal (Ấn Độ) sau gần bốn tháng. Khoảng 40.000 cây tăm giang dài ngắn được kết trong công trình này”, anh Long nhớ lại.
Mê mẩn kiến trúc của Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ), sau nhiều ngày mày mò, anh quyết định làm phần chóp công trình này với những thiết kế tỉ mỉ với mục đích… trang trí trong nhà cho vui. Nhưng sau đó, hình ảnh mái vòm Capitol kết bằng tăm giang với cách phối ánh sáng độc đáo của kiến trúc sư Việt Nam xuất hiện trên tờ The Washington Post và Bảo tàng “Ripley’s Believe It or Not” lập tức liên lạc mua lại mô hình độc đáo này để trưng bày.
Tiếp đó, chùa Một Cột, tháp đồng hồ Big Ben (Anh) và gần 10 công trình kiến trúc quy mô kết bằng tăm giang đã theo chân kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đi dự triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngạc nhiên, thích thú rồi thán phục là những gì mà người xem dành tặng cho các công trình công phu này.
Điều khiến Hoàng Tuấn Long hạnh phúc nhất không phải là danh tiếng hay các kỷ lục trong nước, quốc tế được ghi nhận thông qua các công trình độc đáo bằng tăm giang, mà chính là niềm tự hào dân tộc. Chọn loại hình nghệ thuật chưa có tiền lệ, trải qua nhiều khó khăn cuối cùng anh đã tạo được thương hiệu riêng. “Khi thấy bạn bè quốc tế trầm trồ trước một tác phẩm của Việt Nam, tôi dâng trào cảm xúc. Bao nhiêu lần tạo ra rồi phá bỏ vì chỉ sai một vài chi tiết nhỏ nhưng kết quả cuối cùng rất xứng đáng”, nghệ nhân Hoàng Tuấn Long cho biết.
Còn nhiều ấp ủ
Nếu ai đó hỏi “Thích công trình nào nhất?” sau hơn tám năm tự mày mò, tự thi công, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đều nói: “Mỗi công trình mang một câu chuyện riêng nên cái nào cũng đáng quý”. Sau chặng đường mày mò, tích lũy kinh nghiệm, từ đầu năm 2021, Hoàng Tuấn Long khởi động dự án “Tái hiện các di sản kiến trúc của Việt Nam và thế giới bằng nghệ thuật tăm giang”. Anh nói, điều mong mỏi nhất bây giờ là có được một không gian đủ rộng để mở một bảo tàng nhỏ, hay một phòng trưng bày tại TP Hồ Chí Minh, giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài nước về nét độc đáo của các công trình tăm giang. “Tôi tin đó là cách đi du lịch, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử khá thú vị. Nhiều người trên thế giới đã thích các mô hình này thì tại sao ta không tái hiện lại nhiều hơn rồi trưng bày tại Việt Nam phục vụ người dân mình và những ai yêu mến Việt Nam? Đất nước ta rất nhiều di sản, tôi muốn tái hiện lại những công trình tiêu biểu các vùng miền. Tôi muốn có một khu trưng bày bảo đảm đủ sáu tiêu chí, đó là nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, du lịch, giáo dục và cộng đồng”, anh Long chia sẻ.
Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long muốn có một không gian nghệ thuật mở mà ở đó mọi người được trải nghiệm miễn phí các công trình văn hóa, tìm hiểu các thông tin lịch sử liên quan. Một nơi mà các em học sinh, sinh viên được chào đón để tham gia thực hiện các công đoạn làm mô hình nghệ thuật tăm giang dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Một nơi mà anh có thể thỏa sức tái hiện góc Sài Gòn xưa cũ với kiến trúc độc đáo đi kèm những lời giới thiệu thú vị.
Khi dự án phát triển, anh sẽ đến các trung tâm người khuyết tật hướng dẫn mọi người cách xỏ tăm hoàn thiện công trình. Đây là công đoạn đơn giản nhưng mất nhiều thời gian nhất. Nếu làm được phần việc này, người khuyết tật sẽ có thu nhập ổn định và biết thêm nhiều về các công trình văn hóa, lịch sử.