Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo của kiều bào

Các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài được ví như “cây cầu” kết nối để đưa các công nghệ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, trường đại học châu Âu về Việt Nam và ngược lại. 

Hội thảo tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.

Ngày 25/3 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng của không chỉ ngành khoa học-công nghệ mà của tất cả các ngành, các cấp. 

Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, trong thời đại số hiện nay, doanh nghiệp luôn phải đổi mới trong khi vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn dần do khách hàng luôn thích trải nghiệm mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thiếu nhân lực có chuyên môn cao, thiếu thời gian và phương tiện để thực hiện nghiên cứu cơ bản. Do đó, doanh nghiệp luôn muốn hợp tác với các trường đại học để giải quyết những vấn đề trên. 

Ưu tiên của doanh nghiệp khi hợp tác với các trường đại học là đào tạo và tuyển dụng được nguồn nhân lực có chuyên môn cao, thực hiện được những nghiên cứu cơ bản, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty. Để hợp tác thực chất hơn, theo bà Mỹ, cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp, trường đại học và Nhà nước, trong đó sự tài trợ hoặc hỗ trợ kết nối của Nhà nước có vai trò quan trọng. Các bên cũng cần làm rõ mục tiêu và kết quả mong muốn, thời gian thực hiện dự án hợp tác, chi phí thực hiện, quyền sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng kết quả của dự án.

Ông Cao Minh Việt, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản nhận định, thời gian qua, việc các doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển công nghệ hoặc kết hợp với các trường đại học để triển khai công việc này hầu hết xuất phát từ nhu cầu trực tiếp của doanh nghiệp. Việc kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học nước ngoài còn yếu và ít, chủ yếu mang tính chất cá nhân, không có mạng lưới thật sự. 

Để việc kết nối đủ rộng, đủ mạnh và tạo giá trị thật sự, tận dụng được nguồn nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài, ông Việt cho rằng, cần có một nền tảng kết nối thật sự mở, sâu rộng và minh bạch. “Giá trị cốt lõi của nền tảng này là chia sẻ, trao đổi, mang lại lợi ích cho thành phần tham gia, lấy con người làm trung tâm, tập trung vào cộng đồng”, ông nhấn mạnh. Theo Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt-Nhật, mạng lưới này cần đủ phân tán, đủ tin cậy để thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài sẵn sàng tham gia.

Về phần mình, TS Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu cho rằng, có bốn điều kiện căn bản trong việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Đức, bao gồm đơn vị muốn chuyển giao công nghệ, có thể là các doanh nghiệp, startup, cơ sở nghiên cứu; đơn vị có khả năng tiếp nhận công nghệ, là các doanh nghiệp, lĩnh vực có thể ứng dụng công nghệ; vốn đầu tư và thứ tư là nhân lực. Trong đó, theo ông Nguyễn Việt Anh, các doanh nghiệp tại Đức và châu Âu muốn kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp liên doanh, trong đó, doanh nghiệp châu Âu sẽ góp công nghệ và vốn.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu được thành lập nhằm kết hợp nhân tài, người trẻ ở châu Âu, hướng tới mục tiêu đưa các công nghệ mới, đã được kiểm chứng của những chuyên gia thuộc mạng lưới đang làm việc tại các tập đoàn ở nước ngoài về nước. Các chuyên gia thuộc Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu đóng vai trò như một “cây cầu” kết nối giữa Việt Nam và châu Âu để đưa các công nghệ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, trường đại học châu Âu về Việt Nam và ngược lại. 

Hiện mạng lưới đang hợp tác với nhiều đối tác trên toàn cầu, trong đó có không ít doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và công nghệ sẵn sàng hợp tác để đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, Hiệp hội Phát triển kinh tế thương mại Đức, với khoảng 1.200 doanh nghiệp là thành viên, rất mong muốn phát triển tại thị trường Việt Nam. “Đây là kênh mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để có thể chuyển giao công nghệ”, ông Nguyễn Việt Anh thông tin. Trong đó, một số lĩnh vực tiềm năng có thể thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa hai bên như năng lượng, rác thải, y tế, vận tải, năng lượng xanh…